WHO nói về tài liệu bị rò rỉ của Philip Morris Nhật Bản
WHO nhấn mạnh một số tài liệu bị bị rò rỉ tại Nhật Bản đã tố cáo ngành công nghiệp thuốc lá đang cố gắng can thiệp vào nỗ lực của các chính phủ, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các nhóm hoạt động nhằm bảo vệ người dân khỏi tác hại của thuốc lá, gồm các sản phẩm thuốc lá và nicotin mới, như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Thông báo của WHO cũng nêu rõ: Bộ Y tế Việt Nam đang đề xuất Quốc hội ban hành nghị quyết cấm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng, là các sản phẩm có nhiều tác hại nghiêm trọng và gây nghiện.
Phát biểu trước Quốc hội vào ngày 11/11 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết các công ty thuốc lá đã thiết kế các sản phẩm bắt mắt với trẻ em và thanh thiếu niên là những người vốn chưa nhận thức được đầy đủ về tác hại của thuốc lá mới đến sức khỏe.
Nhiều khảo sát đã chỉ ra rằng số lượng thanh thiếu niên trong độ tuổi 13 -17 và 15 -24 tuổi sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng đã tăng nhanh chóng.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan cũng cho biết, các hình thức tiếp thị tinh vi của ngành công nghiệp thuốc lá đã và đang gây ra hậu quả cụ thể. Năm 2023, có hơn 1.200 trường hợp nhập viện cấp cứu do khi sử dụng thuốc lá điện tử.
Các tài liệu bị rò rỉ của công ty Philip Morris Nhật Bản gần đây đã tiết lộ chiến lược của ngành công nghiệp thuốc lá, nhằm phá hoại các chính sách y tế công cộng và đưa thông tin dối trá về tác hại đối với sức khỏe của các sản phẩm nicotine và thuốc lá mới.
Công ty Philip Morris Nhật Bản đã bí mật mua chuộc, tác động tới một số nhà khoa học và vận động hành lang các chính trị gia nhằm mục đích tăng lợi nhuận và bất chấp sức khỏe cộng đồng, theo phân tích của Tổ chức Toàn cầu Giám sát ngành công nghiệp thuốc lá STOP và nhóm nghiên cứu kiểm soát thuốc lá tại Đại học Bath, Vương quốc Anh, về vụ rò rỉ thông tin từ công ty này.
Công ty Philip Morris International tuyên bố sản phẩm thuốc lá nung nóng IQOS chỉ dành cho người lớn, nhưng các tài liệu rò rỉ cho thấy họ cố gắng thu hút nhiều đối tượng, bao gồm cả trẻ em và thanh thiếu niên. IQOS gây nghiện và khói tỏa có chứa nhiều chất độc. Khói tỏa từ sản phẩm này chứa ít nhất 80 loại hóa chất, một số có nồng độ cao hơn khói thuốc lá thông thường, cùng với bốn chất mới có khả năng gây ung thư. IQOS chưa được chứng minh là giúp mọi người cai thuốc lá; nhiều người dùng IQOS vẫn tiếp tục hút thuốc.
Bằng chứng cũng cho thấy “gã khổng lồ” thuốc lá, công ty Philip Morris International, đã lên kế hoạch chi tiết cho chiến dịch toàn cầu, có thể dẫn đến đại dịch thuốc lá mới, đe dọa sức khỏe người dân Việt Nam và trên toàn thế giới.
WHO sát cánh vùng Việt Nam
Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, TS Angela Pratt đã hoan nghênh những nỗ lực của Chính phủ trong việc thực hiện các biện pháp kiểm soát thuốc lá dựa trên bằng chứng - bất chấp các chiến thuật can thiệp tinh vi từ ngành công nghiệp thuốc lá.
“Các tài liệu đã tiết lộ cho chúng ta thấy ngành công nghiệp thuốc lá không đáng tin như thế nào. Chúng ta đã từng chứng kiến câu chuyện này: trong nhiều thập kỷ trước đây, ngành công nghiệp thuốc lá đã nói dối với chúng ta rằng sử dụng thuốc lá điếu không gây ung thư. Tại sao bây giờ chúng ta lại tin tưởng khi họ nói rằng các sản phẩm thuốc lá nung nóng không gây hại cho sức khỏe? Các tài liệu PMJ bị rò rỉ đã cho thấy rõ: chúng ta không bao giờ được tin vào ngành công nghiệp này.”
“Chúng ta cần phải bảo vệ giới trẻ khỏi các sản phẩm gây chết người của ngành công nghiệp thuốc lá. WHO sẽ tiếp tục sát cánh cùng Chính phủ và người dân Việt Nam chống lại một ngành công nghiệp đang nhắm vào những thanh, thiếu niên - là những người dễ bị tổn thương - bằng các sản phẩm nicotine và thuốc lá mới có nhiều tác hại, trong khi nói dối về tác động của chúng”.
“Bằng thông điệp mạnh mẽ nhất có thể, WHO kêu gọi Việt Nam hãy cấm nhập khẩu, sản xuất, phân phối, bán, quảng cáo và khuyến mại tất cả các sản phẩm này để bảo vệ sức khỏe của người dân, đặc biệt là trẻ em và thanh thiếu niên - nguồn lực quý giá nhất của đất nước”.
Hiện tại, có khoảng 40 quốc gia, bao gồm năm quốc gia trong ASEAN là Thái Lan, Singapore, Lào, Brunei Darussalam và Campuchia đã cấm hoàn toàn các sản phẩm này và ngày càng có nhiều nước chung tay vào công cuộc này.
Tiến sĩ Pratt cũng phát biểu về những tuyên bố dối trá của ngành công nghiệp thuốc lá: “Các sản phẩm nicotine và thuốc lá mới rất có hại cho sức khỏe. Chúng chứa các hóa chất độc hại đã được chứng minh là về lâu dài gây ung thư, bệnh tim và phổi. Trong thời gian ngắn, chúng cũng có thể gây ra các tổn thương phổi rất nghiêm trọng, thậm chí tử vong. Đối với trẻ em và thanh thiếu niên, những đối tượng bị ngành công nghiệp nhắm đến, các sản phẩm này có thể làm suy yếu nghiêm trọng sự phát triển của não bộ”.
“Không có bằng chứng nào cho thấy những sản phẩm này giúp mọi người cai thuốc lá. Trên thực tế, điều ngược lại mới đúng: chúng dẫn đường cho người dùng – đặc biệt là những người trẻ – đến với nicotin và làm cho họ nghiện cả các sản phẩm nicotine và thuốc lá mới và cả thuốc lá thông thường”.