Ngành công nghệ Việt Nam đang thiếu cả thầy lẫn thợ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Theo tiến sĩ Hà Minh Hoàng, Đại học Phenikaa, ngành công nghệ không hề “thừa thầy thiếu thợ” mà thực tế là thiếu cả “thầy” lẫn “thợ”, khó mời giáo viên, khó định dạng được tiêu chí đầu ra cho sản phẩm đào tạo.
Ngành học Công nghệ vốn được cho là có nhiều vị trí công việc “hot” và đang được các bạn trẻ yêu thích.
Ngành học Công nghệ vốn được cho là có nhiều vị trí công việc “hot” và đang được các bạn trẻ yêu thích.

Đó là quan điểm của TS. Hà Minh Hoàng - Phó trưởng Khoa CNTT, Đại học Phenikaa, đồng thời là Giám đốc Công ty cổ phần Chuyển đổi số Phenikaa - đưa ra những nhận định về thực trạng của ngành Công nghệ vốn được cho là có nhiều vị trí công việc “hot” và đang được các bạn trẻ yêu thích.

Chuyên gia Công nghệ khuyên: Không nên vội vàng chọn học công nghệ

Tại Hội thảo "Ngành nghề mới ở Việt Nam: Nhân lực sẽ đón đầu hay chờ đợi" trong chuỗi hoạt động tư vấn hướng nghiệp - tuyển sinh năm 2022 vừa diễn ra mới đây, Phó trưởng Khoa CNTT, Đại học Phenikaa cho rằng công nghệ là ngành có tốc độ phát triển và thay đổi quá nhanh, vì nhiều lý do mà các trường đại học, cao đẳng rất khó cập nhật kiến thức - thậm chí không thể theo kịp để điều chỉnh, bổ sung vào chương trình đào tạo. Kéo theo đó là khó mời giáo viên, khó định dạng được những tiêu chí đầu ra cho sản phẩm đào tạo.

TS. Hà Minh Hoàng khuyên các bạn trẻ chọn ngành học nên phù hợp với thực lực và tố chất của chính mình, tránh tình trạng học 1-2 năm lại tìm cách chuyển ngành.

TS. Hà Minh Hoàng khuyên các bạn trẻ chọn ngành học nên phù hợp với thực lực và tố chất của chính mình, tránh tình trạng học 1-2 năm lại tìm cách chuyển ngành.

Tuy nhiên, từ vị trí của người mang hai vai trò - vừa tham đào tạo và vừa tuyển nhân sự, ông Hoàng cho rằng, các bạn trẻ không nên đổ xô vào học công nghệ một cách vội vàng mà nên có sự cân nhắc, dựa trên thực lực và tố chất của chính mình, tránh tình trạng học 1-2 năm rồi lại tìm cách chuyển ngành vì không phù hợp, không yêu thích ngành nghề và công việc đó nữa.

Nhiều chuyên gia cho rằng, vấn đề quan trọng nhất vẫn không phải là học ngành gì, học thế nào, mà quan trọng hơn các bạn sinh viên cần chuẩn bị tâm thế, chọn thái độ học tập tích cực.

Điều này đồng nghĩa với việc dù học ở ngành nào, nhưng nếu bạn có quá trình học tập tốt, có đủ kỹ năng, thái độ làm việc tích cực thì bạn vẫn có thể thích ứng với sự đổi thay của công việc trong bối cảnh thị trường việc làm thay đổi liên tục.

Nếu chỉ chọn ngành hot mà bản thân cá nhân ấy sau khi ra trường không có kỹ năng, không có thái độ làm việc cầu tiến, không thể có sự thành công trong công việc.

Nói về xu thế chọn ngành nghề của thanh niên hiện nay, PGS.TS Nguyễn Phú Khánh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa - cho rằng mỗi người có ước mơ riêng, nên khi chọn ngành, chọn nghề phải dựa trên sở thích, năng lực bản thân, sở trường, ngành mà xã hội đang cần. Khi ấy, mỗi người mới có cơ hội phát triển.

Không chỉ đưa ra lời khuyên cho thí sinh, PGS.TS Khánh cho rằng mỗi trường cũng cần phải tự nâng dần chất lượng đào tạo.

Không chỉ đưa ra lời khuyên cho thí sinh, PGS.TS Khánh cho rằng mỗi trường cũng cần phải tự nâng dần chất lượng đào tạo.

“Tuy nhiên, trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ với cơ hội việc làm rộng thì thành công của mỗi người trong công việc không phụ thuộc hoàn toàn việc chọn nghề hot mà phụ thuộc vào thái độ và kỹ năng của mỗi người” - PGS.TS Nguyễn Phú Khánh nói.

Ông phân tích thêm, cha mẹ nào cũng muốn con mình học hành giỏi giang, vào được những trường đại học danh tiếng, rồi kiếm được công việc tốt, có thu nhập hậu hĩnh… Đó là cái “đích đến” được hình dung. Và nhìn vào đó, con trẻ miệt mài học tập, cha mẹ miệt mài đầu tư. Tuy nhiên, không ít vấn đề cụ thể khác đã bị bỏ qua: ngành học đó có phù hợp với tố chất của bạn trẻ hay không, khi tốt nghiệp thì ngành nghề đó có còn “đắt giá” hay không,... Chẻ nhỏ vấn đề hơn, lại có các tiêu chí chọn trường được cụ thể hóa theo từng gia cảnh, từng mục tiêu nghề nghiệp của cá nhân.

3 tiêu chí đánh giá ứng viên: Kiến thức, Kỹ năng và Thái độ

Là người đã trực tiếp phỏng vấn nhiều cấp độ nhân sự khác nhau, từ các bạn trẻ mới tốt nghiệp đại học cho đến những ứng viên đã có “bề dày” tích lũy, bà Trần Lan Phương - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Phenikaa - đã chia sẻ những điểm trọng yếu mà các ứng viên tương lai cần lưu ý.

Bà Trần Lan Phương cho rằng marketing, logistics, quản lý chuỗi cung ứng và các ngành học liên quan y tế sẽ được chuộng trong thời gian tới.

Bà Trần Lan Phương cho rằng marketing, logistics, quản lý chuỗi cung ứng và các ngành học liên quan y tế sẽ được chuộng trong thời gian tới.

Theo bà Phương, thông thường, tất cả các ứng viên đánh giá theo 3 tiêu chí: Kiến thức, Kỹ năng và Thái độ. Các kiến thức nền tốt, đáp ứng đúng theo lĩnh vực ứng tuyển là đương nhiên, nhưng để ghi điểm thêm hoặc làm căn cứ lựa chọn, thì các nhà tuyển dụng sẽ chú ý đến kỹ năng và thái độ của ứng viên.

Với các bạn mới ra trường, nhà tuyển dụng sẽ không quá chú trọng đến kinh nghiệm mà tập trung vào 2 yếu tố trên. Trong số các kỹ năng, kỹ năng phản biện được đánh giá cao. Người biết lắng nghe, tìm cách phản biện và tập hợp được luận điểm phản biện sẽ tự học hỏi được rất nhiều từ chính quá trình đặt câu hỏi đó.

Ngoài ra, khi phân tích thái độ của các ứng viên, nhân viên thử việc, nhà tuyển dụng sẽ nhìn nhận và đánh giá tinh thần ham học hỏi và sự nghiêm túc trong công việc. Một ứng viên cẩn trọng khi chuẩn bị CV, nghiêm túc khi lựa chọn công việc, chỉn chu khi chuẩn bị phỏng vấn,… sẽ cho thấy sự chuẩn bị kỹ càng và đặt ưu tiên cao vào vị trí mà bạn đó lựa chọn. Đấy là yếu tố “ghi điểm” rất cao với nhà tuyển dụng.

Dẫn ra các kết quả đúc kết từ các Báo cáo về thị trường lao động kết hợp với các khảo sát tự thực hiện, bà Phương cũng chia sẻ về xu hướng thị trường lao động trong thời gian tới.

"Bên cạnh các ngành có thế mạnh hiện nay, các ngành sẽ có nhu cầu phát triển mạnh, trong thời gian tới là Marketing, Logistics, Quản lý chuỗi cung ứng,… Cùng đó, lĩnh vực Y tế và chăm sóc sức khỏe cũng đang thiếu rất nhiều nhân sự, đặc biệt về điều dưỡng viên và người làm về dược. Đây là những nhu cầu gia tăng dựa trên sự phát triển của xã hội” - bà Phương dự đoán./.