Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), nguyên Chủ tịch Phòng Thương mại và CNVN (VCCI), thành viên Ban cố vấn Viện nghiên cứu Tech for Good (TFGI) Vũ Tiến Lộc đã có bài tham luận tại tọa đàm với chủ đề "Vai trò của nền tảng số trong phục hồi kinh tế sau đại dịch" do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức mới đây.
"Tiệm cơm bình dân chỉ mất 1-2 ngày để lên tảng số"
Theo ông Vũ Tiến Lộc, doanh nghiệp ở Việt Nam có vai trò rất lớn trong tổng thể kinh tế Việt Nam, với số lượng doanh nghiệp nhỏ chiếm trên 90% tổng số doanh nghiệp tại Việt Nam. Một mặt, nhóm doanh nghiệp này có sự năng động, linh hoạt nhất định, dễ thay đổi và thích nghi hơn các nhóm doanh nghiệp lớn. Tuy nhiên, đây là đối tượng dễ chịu ảnh hưởng nhất từ các biến động của thị trường.
Trong đại dịch Covid-19 vừa qua, doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) là đối tượng chịu nhiều khó khăn nhất và rất nhiều doanh nghiệp đã phải rút lui khỏi thị trường. Điều này cho thấy sức chống chịu của các doanh nghiệp SME Việt Nam còn yếu, hoạt động chưa hiệu quả. Do đó, chuyển đổi số là giải pháp sống còn cho doanh nghiệp SME Việt Nam.
Ông Vũ Tiến Lộc cho rằng khái niệm kinh tế số phải được hiểu theo nghĩa rộng nhất, kinh tế số đòi hỏi sự thay đổi căn bản mô hình kinh doanh của doanh nghiệp. |
"Trong quá trình hỗ trợ doanh nghiệp, tôi nhận thấy quá trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp SME còn gặp nhiều khó khăn. Điều này chủ yếu đến từ những hạn chế của họ trong việc tiếp cận, sử dụng các nguồn lực. Họ gặp khó khăn về chi phí, cơ sở hạ tầng và nhân lực công nghệ thông tin để thực hiện chuyển đổi số hiệu quả. Ví dụ, các doanh nghiệp, nhãn hàng lớn có thể dễ dàng đầu tư xây dựng web, app điện thoại, điều này cũng đòi hỏi thời gian và đầu tư nghiêm túc. Còn với doanh nghiệp SME, những đầu tư này là quá sức, chưa kể đến hiệu quả sử dụng do hạn chế về khả năng tiếp cận khách hàng" - ông Lộc nói
Như vậy, nền tảng số chính là giải pháp hiệu quả cho bài toán chuyển đổi số của doanh nghiệp SME Việt Nam. Các doanh nghiệp SME có thể ứng dụng nền tảng số và ngay lập tức tham gia giao dịch trực tuyến với chi phí và thời gian tối thiểu.
Để minh chứng điều này, ông Lộc đưa ra ví dụ thực tiễn: Một tiệm cơm bình dân có thể lên các app như Grab để bán hàng chỉ trong 1-2 ngày, thay vì mất hàng tháng trời và chi phí để tự làm web đặt hàng, mà chưa chắc chắn đã có khách nào biết để ghé thăm.
Rõ ràng, chuyển đổi số là vấn đề sống còn của các doanh nghiệp. Khái niệm kinh tế số phải được hiểu theo nghĩa rộng nhất, kinh tế số đòi hỏi sự thay đổi căn bản mô hình kinh doanh của doanh nghiệp. Nếu nhúng vào một nền kinh tế tuyến tính, vào môi trường số thì cũng sẽ giúp cho gia tăng hiệu suất, nhưng không tạo ra bước chuyển đổi nhảy vọt. Kinh tế số có cách gọi khác là nền kinh tế thông minh, thay đổi phương thức sản xuất, thay đổi nền kinh tế tuyến tính sang nền kinh tế tuần hoàn. Hệ thống pháp luật cũng phải thay đổi để thúc đẩy sự phát triển của kinh tế số.
Chuyển đổi số cần phải rất thức thời, bền bỉ
Đồng quan điểm với ông Vũ Tiến Lộc, ông Lê Trọng Tuấn - Giám đốc kinh doanh Novaon Tech, đại diện Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) - cho rằng đại dịch COVID-19 ảnh hưởng tới mọi doanh nghiệp. Trong đó, đối tượng doanh nghiệp SME có nguồn lực yếu nên dễ bị tổn thương. Tuy nhiên đây cũng là nhóm đối tượng có thể chuyển đổi và thích nghi nhanh bằng cách chuyển đổi số quy mô nhỏ.
Ông Lê Trọng Tuấn cho rằng trong giải pháp lâu dài thì công cụ chỉ chiếm 30%, còn 70% đến từ ý chí lãnh đạo, việc thay đổi quy trình làm việc, cách làm việc,... |
Doanh nghiệp SME dễ dàng đưa sản phẩm của họ lên các nền tảng online và quản lý bằng các công cụ số truyền thống. Ngược lại, doanh nghiệp lớn ưu tiên cho việc giữ doanh nghiệp "sống" bằng cách tối ưu chi phí vận hành, cắt giảm nhân sự, cơ cấu lại nguồn doanh thu của mình rồi mới từng bước thực hiện đổi mới trong vận hành. Ví dụ như các hãng lớn Sony, Samsung, LG đều mở gian hàng trên Lazada, Tiki và đẩy mạnh việc bán hàng online sau khi đã cơ cấu lại nguồn doanh thu. Do vậy bài toán họ gặp phải sẽ hoàn toàn khác.
Chỉ ra đòi hỏi đối với đơn vị cung cấp nền tảng, ông Tuấn dẫn chứng thực tế ở Novaon trước yêu cầu phải linh hoạt để phục vụ các nhóm khách hàng khác nhau. Với những doanh nghiệp SME, Novaon chủ yếu cung cấp đầy đủ bộ công cụ marketing, công cụ vận hành, quản lý kho, chăm sóc khách hàng, quản lý thông tin khách hàng,… để những doanh nghiệp này có sự cạnh tranh cao hơn. Còn với doanh nghiệp lớn, Novaon tập trung tư vấn chiến lược và hỗ trợ triển khai vận hành để quy trình chuyển đổi số diễn ra hiệu quả, tốc độ, đảm bảo đóng vai trò tất yếu giúp doanh nghiệp tăng trưởng, hơn là diễn ra do sự ép buộc của các yếu tố môi trường như dịch bệnh.
Ông Tuấn cho rằng, dịch bệnh là khó khăn nhưng đồng thời cũng để lại vô vàn cơ hội. Giai đoạn hiện tại đang là thời cơ vàng cho các doanh nghiệp chuyển đổi số để phục hồi và phát triển hậu COVID.
Trao đổi tại tọa đàm, đại diện Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam nhiều lần khẳng định, chuyển đổi số là quá trình bao gồm sự thay đổi ngắn hạn lẫn dài hạn. Câu chuyện chuyển đổi số không phải chỉ đơn giản là áp dụng các công cụ và thay đổi thói quen làm việc. Trong giải pháp lâu dài thì công cụ chỉ chiếm 30%, còn 70% đến từ ý chí lãnh đạo, việc thay đổi quy trình làm việc, cách làm việc,...
"Hiện tại các yếu tố như công nghệ, nhu cầu người tiêu dùng đều thay đổi rất nhanh chóng nên việc thực hiện chuyển đổi số cần phải rất thức thời, bền bỉ và mang giá trị thực tiễn cao. Đây là yếu tố quyết định dẫn tới sự thành công và… chưa thành công của các doanh nghiệp đã, đang chuyển đổi số' - Lê Trọng Tuấn cho biết thêm.