Ngành công nghệ tài chính có dấu hiệu chậm lại vì dư địa không còn nhiều

Ông Đàm Thanh Hiệp, Giám đốc điều hành New World Fintech cho rằng tốc độ phát triển ngành công nghệ tài chính (fintech) trong vài năm trở lại đây có dấu hiệu chậm lại vì dư địa phát triển không còn nhiều, một phần do hành lang pháp lý.

Tại tọa đàm cơ hội - thách thức trong ngành công nghệ tài chính do Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức sáng 14/5, ông Đàm Thanh Hiệp, Giám đốc điều hành New World Fintech cho rằng tốc độ phát triển ngành fintech trong vài năm trở lại đây có dấu hiệu chậm lại vì dư địa phát triển không còn nhiều, một phần do hành lang pháp lý.

Ông Đàm Thanh Hiệp, Giám đốc điều hành New World Fintech tại hội thảo. Ảnh: Hà An.

Lấy dẫn chứng, ông Hiệp nhận định dịch vụ quản lý tài sản đầu tư cá nhân do các công ty fintech cung cấp có dư địa phát triển tại Việt Nam. Dịch vụ quản lý tài sản đầu tư cá nhân (Wealth Management) là một dịch vụ tài chính chuyên nghiệp giúp cá nhân quản lý và đầu tư tài sản của họ một cách hiệu quả, nhằm đạt được mục tiêu tài chính và xây dựng nền tảng tài chính bền vững, đã phát triển mạnh ở nhiều quốc gia hàng chục năm qua.

Chia sẻ với Viettimes, ông Hiệp nói, quản lý tài sản đầu tư cá nhân được hiểu là việc doanh nghiệp cung cấp dịch vụ quản lý về tài khoản chứng khoán, tài khoản giao dịch hàng hóa… Ông nhận định tại Việt Nam, số lượng tài khoản đăng ký chứng khoán 5 năm trước khoảng 2 - 3 triệu người, nhưng đến nay tăng lên 8 triệu và tiếp tục tăng trong tương lai. Tuy nhiên, hiện chỉ có vài ba doanh nghiệp cung cấp dịch vụ quản lý tài sản đầu tư cá nhân.

Theo ông Hiệp, một trong những lý do trên, do đây là dịch vụ mới, chưa có hành lang pháp lý triển khai. Thực tế khi các công ty fintech cung cấp dịch vụ, họ có thể trả lãi suất tiền gửi hấp dẫn hơn so với ngân hàng.

Giám đốc New World Fintech kỳ vọng khi TP.HCM xây dựng trung tâm tài chính, các cơ chế pháp lý sẽ cởi mở hơn, nhà nước đứng vai trò đồng hành, bảo trợ các doanh nghiệp fintech để có nhiều mô hình đầu tư tài chính mới, thúc đẩy sự phát triển.

Còn ông Nguyễn Bá Diệp, đồng sáng lập Momo nói, các doanh nghiệp fintech muốn hoạt động đều phải dựa vào ngân hàng. Do đó, Momo coi ngân hàng là đối tác, đặt ra các yêu cầu dành cho nhau để cùng phát triển.

Theo đồng sáng lập Momo, ở nhiều nước trên thế giới một doanh nghiệp fintech có thể trở thành ngân hàng số. Tuy nhiên, tại Việt Nam, doanh nghiệp fintech không thể trở thành ngân hàng vì điều này ảnh hưởng đến kinh tế, xã hội khi gặp rủi ro.

Đồng sáng lập Momo cho rằng, với quy định pháp lý hiện hành, các công ty fintech lớn đã chiếm phần lớn không gian, thị phần. Do đó, để giúp ngành tăng trưởng với các mô hình tài chính mới, cần thiết có hệ thống pháp lý mang tính mở rộng hơn, với các điều kiện mang tính hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn để tạo khoảng không gian cho các dự án fintech phát triển.

Theo ông Nguyễn Khắc Huy, đại diện Sở Tài chính TP.HCM, hiện đề án Trung tâm tài chính TP.HCM được giao cho công ty đầu tư tài chính nhà nước thành phố chủ trì, phối hợp các bên liên quan xây dựng, đang trong quá trình lấy ý kiến để hoàn thiện và trình cấp có thẩm quyền.

Theo ông Huy, trong quá trình tháo gỡ vướng mắc về luật, UBND TP.HCM sẽ thành lập tổ công tác chuyên môn để xem xét lắng nghe ý kiến ở ngành, thay vì bằng trao đổi văn bản để đẩy nhanh tiến độ, giúp các doanh nghiệp tiếp cận các chính sách tốt từ phía nhà nước.