Nuôi béo để bán?
Trao đổi với báo Đầu tư, TS. Nguyễn Đức Kiên cho rằng, NHNN đã giao cho Vietcombank điều hành, Vietcombank sẽ "mổ xẻ" sức khỏe của ngân hàng này để có những quyết định tiếp theo.
Trong khi đó, một chuyên gia kinh tế khác lại cho rằng, có hai kịch bản xảy ra với VNCB. Kịch bản tệ nhất, ngân hàng này sẽ từ từ biến mất mà không ảnh hưởng đến hệ thống. Với kịch bản này, Nhà nước chấp nhận phải bỏ tiền ngân sách ra để chi trả cho người dân. Kịch bản tốt hơn, ngân hàng này sẽ dần dần hồi sinh, làm ăn có lãi, có tiền trả ngân sách. Sau đó, Nhà nước có thể bán đi để thu hồi nợ.
“Giải pháp êm đẹp nhất là bơm tiền vào để bù đắp những tổn thất của VNCB, thay đổi toàn bộ quản trị doanh nghiệp, quản trị rủi ro, thay đổi nhân sự chủ chốt, mô hình tổ chức… để hồi phục lại ngân hàng này. Một khi ngân hàng đã làm ăn tốt trở lại, NHNN có thể bán ra thị trường để thu hồi vốn, thậm chí là có thể có lời. Tôi tin rằng, một khi đã quốc hữu hóa, hướng xử lý của NHNN không phải là để ngân hàng phá sản”, chuyên gia này nói.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Phước Thanh cũng khẳng định, quốc hữu hóa là một động thái khôn khéo để ngân hàng tự phục hồi. Tuy nhiên, “khi ngân hàng phát triển ổn định trở lại, NHNN triển khai sáp nhập vào một ngân hàng khác để giảm đầu mối và cũng không loại trừ việc bán cho một ngân hàng khác thu hồi vốn Nhà nước về”, Phó Thống đốc nói.
Vietcombank có đủ sức “kéo” VNCB
Hiện nay, Vietcombank đang được NHNN giao cho nhiệm vụ điều hành VNCB. Theo nguồn tin của Báo Đầu tư, hiện một Phó Tổng giám đốc của VNCB đang được giao nhiệm vụ điều hành ngân hàng này.
Câu hỏi đặt ra là liệu Vietcombank có đủ sức vực dậy VNCB? Còn nhớ, tháng 8/2014, VNCB đã được NHNN giao nhiệm vụ hỗ trợ toàn diện cho VNCB tuy nhiên, sự hỗ trợ này không đủ sức kéo VNCB khỏi phá sản về mặt kỹ thuật.
Trao đổi với báo Đầu tư, lãnh đạo một ngân hàng TMCP Nhà nước phân tích: “Dù được giao nhiệm vụ hỗ trợ VNCB, song Vietcombank cũng không thể “trục vớt” ngân hàng này. Lý do, Vietcombank là một ngân hàng cổ phần, các cổ đông, nhất là cổ đông chiến lược nước ngoài sẽ không dễ dàng đồng ý cho Vietcombank cung cấp nhân lực và tài chính quá lớn cho một ngân hàng quá yếu kém như VNCB. Nói cách khác, sự hỗ trợ của Vietcombank thời gian qua với VNCB hầu như chỉ dừng lại ở góc độ nhân sự và giám sát, điều này là chưa đủ để trục vớt hồi sinh ngân hàng này”.
Chính Phó Thống đốc Nguyễn Phước Thanh cũng thừa nhận, NHNN buộc phải quốc hữu hóa ngân hàng này mà không lựa chọn giải pháp sáp nhập với ngân hàng khác là bởi “VNCB đang lỗ quá, nhập vào sẽ ảnh hưởng đến ngân hàng nhận sáp nhập”.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, với việc quốc hữu hóa VNCB, việc tái cơ cấu ngân hàng này là rất khả quan. Trong lịch sử, cách đây 14 năm, Vietcombank cũng đã từng đóng vai trò hỗ trợ cho một ngân hàng yếu kém (Eximbank) và đến nay, Eximbank đã trở thành một trong những ngân hàng lớn nhất tại Việt Nam.
Nguyên nhân khiến Vietcombank đã thất bại trong tái cơ cấu VNCB thời gian qua là do thiếu nguồn lực tài chính. Tuy nhiên, theo TS. Phan Minh Ngọc, chuyên gia kinh tế, khi VNCB đã được quốc hữu hóa, NHNN có thể cung cấp một lượng vốn dồi dào vào ngân hàng này.
Một khi bài toán khó nhất – tài chính- đã được giải, cộng thêm kinh nghiệm quản trị, điều hành của Vietcombank, theo các chuyên gia, khả năng hồi phục của VNCB là rất khả quan.
Có lẽ, câu hỏi cuối cùng đặt ra với VNCB là ngân hàng này khi nào sẽ phục hồi và cái giá bán ra để NHNN thu hồi vốn khi đó sẽ là bao nhiêu?
Theo Đầu tư