Đây là nỗi lo được không ít chuyên gia khuyến cáo tại Hội thảo “Phát triển kinh tế - xã hội và ngành ngân hàng Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế” vừa diễn ra mới đây.
TS. Phan Hồng Mai, Viện Ngân hàng - Tài chính, Đại học Kinh tế Quốc dân nhận định, cùng với những cơ hội mở rộng thị phần, nâng cao chất lượng sản phẩm thì một trong những thách thức lớn của các ngân hàng Việt là duy trì thị phần trong nước trước sự thâm nhập của các ngân hàng lớn trong khu vực.
Nguy cơ mất thị phần ngay trên “sân nhà”
Theo thống kê của NHNN, tính đến hết tháng 7/2015, Việt Nam có sự hiện diện của 5 ngân hàng thương mại 100% vốn nước ngoài, 4 ngân hàng liên doanh, 49 chi nhánh ngân hàng nước ngoài và 51 văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài.
Theo đó, tổng tài sản của khối ngân hàng nước ngoài và liên doanh là 715.250 tỷ đồng, chiếm 11,01% tổng tài sản toàn hệ thống ngân hàng tại Việt Nam. So với mức 3.065.159 tỷ đồng của khối ngân hàng do Nhà nước sở hữu chi phối và 2.713.250 tỷ đồng của khối ngân hàng cổ phần, con số trên là rất nhỏ.
Tuy nhiên, xét về vốn điều lệ, sự chênh lệch giữa 3 khối ngân hàng liên doanh và nước ngoài, NHTM quốc doanh, NHTM cổ phần lại không quá lớn, cơ cấu tại thời điểm cuối tháng 7/2015 lần lượt bằng 20,34%, 32,56% và 47,11%.
Do đó, tỷ trọng vốn điều lệ trên tổng tài sản của các ngân hàng nước ngoài và liên doanh lại nhiều nhất với 12,66%, nhóm NHTM cổ phần đứng thứ 2 với 7,73%, cuối cùng là khối NHTM Nhà nước với 4,73%.
Chịu ảnh hưởng từ những quy định hạn chế đối với TCTD nước ngoài tại Việt Nam, thị phần cho vay và huy động của nhóm ngân hàng ngoài còn khiêm tốn. Năm 2014, dư nợ cho vay chiếm 8,28% và giá trị huy động bằng 8,19% tổng quy mô cả thị trường.
Nhưng so về khả năng sinh lời trên tổng tài sản, nhóm này đạt giá trị cao hơn. Theo công bố của NHNN, ROA năm 2014 của các ngân hàng nước ngoài và liên doanh bằng 0,61%, cao hơn mức bình quân của cả hệ thống là 0,51%.
“Dù chiếm thị phần nhỏ song với mức độ an toàn vốn cao và khả năng khai thác tài sản hiệu quả, các ngân hàng nước ngoài sẽ là đối thủ cạnh tranh tiềm năng đối với những ngân hàng Việt trong tương lại gần. Tiếp sau AEC, Việt Nam phải nới lỏng, tiến tới xóa bỏ các hạn chế trên thị trường tài chính theo cam kết gia nhập WTO, TPP, FTA…”, TS. Mai bình luận.
TS. Mai cho rằng khi những hạn chế bị xóa bỏ, các ngân hàng nước ngoài được thực hiện hầu hết các nghiệp vụ như những ngân hàng trong nước. Điều này cũng mở đường cho nhiều ngân hàng trong khu vực tăng cường sự hiện diện tại Việt Nam.
Ví như MayBank (Malaysia), DBS (Singapore) sẽ mở thêm chi nhánh tại Việt Nam. Ngân hàng Public Bank Berhad (Malaysia) đã hoàn thiện thủ tục để trở thành ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam, còn ngân hàng UOB của Singapore đang xin cấp phép …
“Những ngân hàng này dù không có lợi thế địa phương nhưng đổi lại quy mô lớn, sản phẩm phong phú, chất lượng cao, quản trị nội bộ hiệu quả và chuyên nghiệp… nên khả năng thành công trong dài hạn rất lớn”, TS Mai phân tích.
Đối mặt với nguy cơ bị “thôn tính”
TS. Mai còn cho rằng các ngân hàng nội còn bị thách thức duy trì hoạt động độc lập, tránh bị mất quyền kiểm soát hoặc bị mua lại bởi các định chế tại chính lớn trong khu vực.
Theo cam kết gia nhập AEC, đến cuối năm 2015, Việt Nam phải điều chỉnh tăng sở hữu nước ngoài trong lĩnh vực tài chính từ mức hiện tại là 30% (đối với ngân hàng) và 49% (đối với bảo hiểm). Dù theo lộ trình hội nhập từng bước, tỷ lệ này chưa cần đạt ngay tới mức 70% như quy định nhưng mức 40 – 50% trong lĩnh vực ngân hàng là khó tránh khỏi.
Đây là nỗi lo mà cơ quan quản lý hay các ngân hàng đều hiểu, bởi vậy Chính phủ mới để mức sở hữu hiện tại nhằm giảm sự chi phối của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam theo cục bộ, không có khả năng thông tin.
“Vì theo Luật Doanh nghiệp, những quyết định quan trọng tại ĐHĐCĐ phải đạt được sự đồng thuận của 75% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết trở lên, đối với quyết định bán cổ phần cần đạt được sự đồng thuận 75% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết trở lại. Từ đó cho thấy cổ đông hoặc nhóm cổ đông nắm giữ trên 35% vốn điều lệ có quyền phủ quyết mọi quyết định quan trọng tại ĐHĐCĐ. Với quy định đó, đối tác nước ngoài hiện nay không có áp lực hay chi phối các hoạt động của NHTM trong nước”, TS. Nguyễn Quang Minh, Phó trưởng khoa Kế toán tài chính, Đại học Hải Phòng, bình luận.
Do vậy, hòa nhập một thị trường chung ASEAN mở ra cơ hội phát triển tầm khu vực đối với các NHTM Việt Nam nhưng cũng kèm theo nguy cơ phải thu hẹp hoạt động, tiến tới bị mất quyền kiểm soát hoặc mua lại.
“Theo đó, từ mức sở hữu cổ phần hiện tại đang bằng 0, khi các rào cản về sở hữu và pháp lý khác được dỡ bỏ, với tiềm lực rất lớn, khả năng các ngân hàng trong khu vực thôn tính các ngân hàng nội dù khó thực hiện nhanh chóng song vẫn có thể trở thành hiện thực”, TS. Mai phân tích.
Vậy nên, công việc hiện tại mà các ngân hàng cần làm đó là củng cố tiềm lực về quy mô vốn kinh doanh. Mục tiêu hướng tới là hình thành một số ngân hàng có mức vốn điều lệ bằng 5 tỷ USD để từ đó nâng tổng tài sản lên khoảng 50 tỷ USD. Các ngân hàng còn lại sẽ có vốn điều lệ quanh mức 1 tỷ USD.
Theo tính toán, hiện Agribank là ngân hàng có quy mô tài sản lớn nhất là 33,278 tỷ USD, chỉ nhỉnh hơn ngân hàng lớn thứ 4 tại Indonesia, đó là ngân hàng Bank Negara Indonesia với 31,784 tỷ USD và kém xa những ngân hàng lớn thứ 5 tại các nước trong khối như UOB của Singapore là 225.114 tỷ USD, Hong Leong Financial Gropup của Malaysia là 57,121 tỷ USD, Bank of Ayudhya của Thái Lan là 36,056 tỷ USD.
Để tăng vốn điều lệ, ngoài cách thức phát hành cổ phiếu mới, các ngân hàng cần phải đẩy nhanh quá trình sáp nhập, hợp nhất theo kế hoạch tái cơ cấu hệ thống của NHNN (kỳ vọng đến năm 2017 sẽ rút gọn hệ thống còn khoảng 15 ngân hàng).
“NHNN tiếp tục khuyến khích các hoạt động mua lại và sáp nhập ngân hàng, thông qua đó chấm dứt sự tồn tại của các ngân hàng yếu, không đủ sực cạnh tranh trên thị trường, tạo ra một tổ chức tài chính mới với quy mô lớn hơn, mạnh hơn. Theo đó, những ngân hàng có nợ xấu cao, tình hình tài chính có dấu hiệu chưa lành mạnh cần nhanh chóng tìm kiếm đối tác để thực hiện các thương vụ M&A”, TS. Minh phân tích.
Theo Bizlive