Ngân hàng nào chịu ít áp lực giảm NIM sau dịch Covid-19?

VietTimes -- CTCP Chứng khoán VNDirect (VNDS) dự báo tăng trưởng tín dụng trong năm 2020 chỉ ở mức 11%, NIM toàn ngành ngân hàng sẽ đi xuống.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Trong báo cáo về ngành ngân hàng công bố mới đây, CTCP Chứng khoán VNDriect (VNDS) dự báo tăng trưởng tín dụng có thể sẽ tăng trở lại từ Quý 3/2020 theo kịch bản cơ sở (dịch Covid-19 được kiểm soát trong Quý 2/2020).

Ngành ngân hàng Việt Nam đang có sự phân hóa rõ rệt giữa ngân hàng top 10 và các ngân hàng còn lại về quy mô, mạng lưới, chất lượng tài sản và thị phần. Tốc độ phục hồi của mỗi ngân hàng sau dịch Covid-19 sẽ khác nhau tùy thuộc vào chiến lược kinh doanh và khẩu vị rủi ro.

VNDS dự báo tăng trưởng tín dụng trong năm nay sẽ đạt mức 11%. Với kỳ vọng tăng trưởng GDP 5%, tỷ lệ tín dụng/GDP dự báo sẽ tăng từ 110% trong năm 2019 lên tới 116% trong năm 2020.

Cũng theo VNDS, dịch bệnh Covid-19 sẽ làm giảm tỷ lệ NIM (biên lãi suất ròng) của các nhà băng trong năm 2020 do lợi suất tài sản giảm nhiều hơn chi phí vốn.

Lợi suất tài sản giảm bởi hai lý do: 1) ngân hàng giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay mới để thúc đẩy tín dụng trong bối cảnh nhu cầu thấp; 2) việc miễn giảm lãi đối với các khoản nợ hiện hữu dẫn tới việc thoái thu thu nhập lãi, do đó làm giảm thu nhập từ hoạt động này.

Theo VNDS, sau khi dịch bệnh kết thúc, xu hướng của NIM sẽ khác nhau giữa các ngân hàng.

Cụ thể, đối với các ngân hàng có tỷ lệ thâm nhập thấp trong phân khúc bán lẻ, việc tiếp tục mở rộng mảng cho vay cá nhân với lãi suất cao hơn sẽ giúp cải thiện lợi suất tài sản, nhờ đó giảm áp lực lên NIM gây ra bởi dịch bệnh.

Các ngân hàng có tỷ lệ cho vay trên huy động vốn thấp sẽ có thanh khoản tốt hơn, và đây là yếu tố quan trọng trong thời kỳ khó khăn. Những ngân hàng này chịu ít áp lực hơn trong việc huy động thêm nguồn vốn mới để đảm bảo thanh khoản khi khách hàng không trả được nợ đúng hạn

Các ngân hàng với khẩu vị rủi ro thấp cũng sẽ chịu ít tác động giảm NIM do những ngân hàng này sẽ có nợ xấu tăng chậm hơn, giảm nguy cơ phải thoái thu thu nhập lãi.

Sau khi dịch bệnh qua đi, tăng trưởng tín dụng sẽ dần phục hồi và NIM có thể được cải thiện nhờ thay đổi cơ cấu cho vay và huy động, nhưng nợ xấu chỉ có thể được giải quyết nhanh gọn nếu ngân hàng thận trọng trong cho vay, xếp hạng nợ và dự phòng.

Việc thoái thu thu nhập lãi có thể sẽ tiếp diễn trong năm 2021 do hiện nay ngân hàng được phép giãn nợ tới tối đa 12 tháng, vì thế sẽ có độ trễ trong việc hình thành nợ xấu.

Mặc dù dự báo nợ xấu tăng, nhưng VNDS lưu ý điều này có thể sẽ không thể hiện trong báo cáo tài chính Quý 1 và 2 năm 2020 do ngân hàng có thể giãn nợ mà không thay đổi nhóm nợ tới tối đa 12 tháng kể từ ngày đến hạn. Tỷ lệ nợ xấu được dự báo sẽ bắt đầu tăng trong nửa cuối năm 2020 và tiếp tục tăng trong năm 2021.

Cũng theo VNDS, dịch bệnh Covid-19 có nguy cơ khiến nợ xấu tăng nhanh trong mảng tín dụng tiêu dùng song sẽ không mở rộng tới toàn bộ ngành ngân hàng. Nguyên nhân là do tỷ lệ thâm nhập của ngành trong lĩnh vực này còn thấp và hiện nay chỉ có 4 ngân hàng tích cực tham gia mảng tài chính tiêu dùng./.