|
Luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC. Ảnh: Đình Huy |
Quyền thu giữ tài sản bảo đảm - mấu chốt để xử lý nợ xấu
Quốc hội vừa đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng, trong đó kế thừa điểm cốt yếu nhất của Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, đó là quyền thu giữ tài sản bảo đảm.
Ngoài ra, còn 2 điểm khác cũng được luật hoá trở lại, thay vì văn bản dưới luật, đó là tài sản bảo đảm không bị kê biên trong thi hành án (trừ trường hợp đặc biệt) và được hoàn trả tài sản là tang vật trong các vụ án hình sự.
Việc kế thừa các nội dung trên của Nghị quyết 42 được đánh giá là bước tiến quan trọng trong việc xử lý nợ xấu. Bởi trong gần 6 năm tồn tại (từ 2017 đến 2023), Nghị quyết 42 đã góp phần quan trọng vào việc xử lý tới 444.000 tỷ đồng nợ xấu.
Tuy nhiên từ đầu năm 2024, khi Nghị quyết 42 hết hiệu lực đã không được gia hạn và cũng không được chuyển hoá vào Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024, tức 1,5 năm, quyền thu giữ tài sản bảo đảm không còn, các ngân hàng đã quay lại thất thế trong xử lý nợ xấu, vừa tốn kém, vừa chậm trễ.
Việc bị hết hiệu lực trong 1,5 năm khiến các ngân hàng hầu như mất đi khả năng chủ động trong xử lý tài sản bảo đảm, người vay và người có tài sản bảo đảm trở lại tâm lý chây ì, đối phó, lảng tránh nghĩa vụ trả nợ.
Đây là một trong những nguyên do khiến nợ xấu gia tăng và nguy cơ tăng mạnh. Ghi nhận cho thấy, tới tháng 1/2025, tỷ lệ nợ xấu nội bảng đã lên tới 4,3%, vượt xa ngưỡng an toàn 3%.
Trao đổi với VietTimes, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC, đánh giá: "Với mục tiêu tăng trưởng GDP 8% năm nay và hai con số trong giai đoạn tới, nếu không có cơ chế xử lý như Nghị quyết 42 thì nợ xấu chắc chắn tăng mạnh, không tăng về tỷ lệ (vì dư nợ tăng nhanh), cũng tăng về giá trị tuyệt đối.
Việc luật hóa các nội dung của Nghị quyết 42 là sự khẳng định nguyên tắc tất yếu ngàn đời có vay - có trả, là sự hỗ trợ rất cần thiết và tất yếu đối với hoạt động ngân hàng; biện pháp hữu hiệu tác động tới tâm lý, trách nhiệm của người đi vay, góp phần quan trọng để xử lý nợ xấu, đồng thời đạt mục tiêu tăng trưởng của nền kinh tế".
Đánh giá về "mặt trái" của việc thu giữ tài sản bảo đảm đối với người đi vay, luật sư Trương Thanh Đức cho rằng đây là điều không đáng ngại.
"Khi đồng ý ký vay thì người vay đã phải tính ra được khoản nợ phải trả trong hạn và quá hạn, khi ký hợp đồng bảo đảm, người có tài đã chấp nhận vô điều kiện dùng để phát mại nếu không trả được nợ. Về bản chất, khi ký hợp đồng cầm cố, thế chấp, đồng nghĩa với việc chủ sở hữu đã định đoạt định đoạt tài sản của mình theo luật nếu phải xử lý để trả nợ", ông nói.
Theo vị luật sư, vấn đề còn lại chỉ còn là sớm hay muộn, tự nguyện hay bắt buộc, giá cao hay giá thấp. Ngân hàng sẽ không phải (thậm chí là không có quyền) xử lý tài sản bảo đảm nếu như khoản nợ chưa xấu, hay chủ tài sản tích cực xử lý kịp thời để trả nợ.
Tất nhiên, yêu cầu đối với ngân hàng trong việc xử lý tài sản bảo đảm là phải đúng nguyên tắc, đúng thủ tục, đúng giá trị, không bắt chẹt, không ép buộc, không coi thường quyền lợi của chủ tài sản và không lợi dụng để trục lợi. Mà điều này phụ thuộc khá nhiều vào sự chuyên nghiệp, bài bản, mà sâu xa là sự tử tế, trung thực của ngân hàng.
Ngân hàng có đổi "khẩu vị" cho vay?
Với sự tái lập quyền thu giữ tài sản bảo đảm, các ngân hàng tập trung vào cho vay bán lẻ như ACB, VPBank, TPBank,… được đánh giá sẽ hưởng lợi lớn. Bên cạnh đó, các ngân hàng Vietcombank, MB, HD Bank, VPBank cũng được hỗ trợ đáng kể trong quá trình nhận trách nhiệm tái cấu trúc 4 ngân hàng yếu kém.
Theo nhìn nhận của luật sư Trương Thanh Đức, quy định mới sẽ khiến các ngân hàng thêm phần tự tin trong việc cho vay, "khẩu vị" rủi ro cũng được xác định lại theo hướng mạnh dạn hơn.
"Thực ra, các quy định về cho vay của ngân hàng ở thời điểm hiện tại đã khá chặt chẽ, thường là khắt khe hơn cả quy định của pháp luật. Đây là điều dễ hiểu, bởi thực tế thị trường tín dụng tồn tại quá nhiều rủi ro. Tuy vậy, với sự trở lại của quyền thu giữ tài sản bảo đảm, có thể kỳ vọng yên tâm hơn về việc tăng trưởng tín dụng, nhất là khi cộng đồng doanh nghiệp đang rất cần sự hỗ trợ về vốn", luật sư Đức bình luận.
Cũng theo Giám đốc Công ty Luật ANVI, cùng với việc các tổ chức tín dụng sẵn sàng cho vay ra, đồng thời người đi vay cũng thêm phần cân nhắc, thận trọng trước việc "bị" ngân hàng thu giữ và xử lý tài sản bảo đảm.
Và quan trọng hơn, người vay vốn cùng với chủ tài sản đồng thời thay đổi trong tâm lý, không còn trì hoãn, lẩn tránh nghĩa vụ trả nợ, cùng với ngân hàng gặp nhau nhanh chóng tìm cách xử lý nợ và tài sản bảo đảm.
"Như vậy, với tác động tích cực đến cả hai phía, luật mới sẽ giúp cho quan hệ tín dụng theo đúng bản chất, đồng thời góp phần vào việc phát triển an toàn, ổn định của hệ thống ngân hàng và nền kinh tế”, luật sư Trương Thanh Đức đánh giá.