
Trong bối cảnh tái cấu trúc địa giới hành chính thông qua việc sáp nhập các tỉnh, thành - một bước đi mang tính chiến lược trong cải cách thể chế và quản trị đô thị, giới đầu tư bất động sản kỳ vọng đây sẽ là lực đẩy mới cho một chu kỳ tăng trưởng. Đặc biệt, việc tái cấu trúc địa giới hành chính được kỳ vọng sẽ tạo ra những “vùng trũng” hút vốn đầu tư, hình thành các cực tăng trưởng mới trên bản đồ kinh tế - đô thị quốc gia.
Làn sóng quan tâm tăng mạnh sau sáp nhập
Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó tổng giám đốc PropertyGuru Việt Nam cho biết kể từ sau thời điểm sáp nhập chính thức vào ngày 1/7, nhiều khu vực đã ghi nhận mức độ quan tâm tăng vọt từ các nhà đầu tư bất động sản.
Cụ thể, ông cho biết khu vực Ninh Bình - Hà Nam (cũ), đặc biệt Ninh Bình ghi nhận mức độ quan tâm tới bất động sản tăng đến 96%, còn khu vực Hà Nam (cũ) tăng khoảng 30% so với thời điểm trước sáp nhập. Địa phương này có quy mô dân số, diện tích tương đồng và đang sở hữu hạ tầng giao thông cải thiện rõ rệt, tạo điều kiện lý tưởng cho phát triển đô thị, công nghiệp và du lịch.
Theo ghi nhận của PropertyGuru, làn sóng quan tâm tại khu vực này đã manh nha từ tháng 3/2025, tức sớm hơn 3–6 tháng so với thời điểm chính thức sáp nhập, cho thấy sự chủ động nắm bắt xu hướng của giới đầu tư.
Tiếp đó là cặp Đà Nẵng - Quảng Nam (cũ) được định hướng trở thành “cặp song sinh quốc tế”, khu vực này nổi bật với cảng biển, sân bay quốc tế, cùng khu kinh tế mở Chu Lai. Quảng Nam (cũ) bất ngờ vượt lên với mức tăng quan tâm tới 96%, trong khi Đà Nẵng (cũ) tăng 39% so với cùng kỳ.
Không kém phần sôi động, theo ông Quốc Anh, cặp Bắc Ninh - Bắc Giang (cũ) hưởng lợi trực tiếp từ các tuyến cao tốc và quy hoạch công nghiệp hiện đại. So với cùng kỳ, Bắc Giang (cũ) tăng tới 83%, Bắc Ninh (cũ) tăng 43% về mức độ quan tâm đầu tư.
Cuối cùng, tam giác siêu đô thị phía Nam - TP.HCM (cũ), Bình Dương (cũ) và Bà Rịa - Vũng Tàu (cũ) tiếp tục giữ vai trò “đầu tàu”, khi đóng góp gần 25% GDP và hơn 37% chỉ số phát triển thị trường bất động sản (MBI).
Theo Phó tổng giám đốc Guru Việt Nam, ba địa phương này cùng nhau hình thành trung tâm công nghiệp - cảng biển và trung tâm tài chính - dịch vụ, hứa hẹn sẽ tạo ra những tác động mạnh mẽ đến thị trường bất động sản trong thời gian tới.

Bất động sản tạo dòng tiền “lên ngôi”
Trong khi đó, ông Lê Đình Chung, Tổng giám đốc SGO Homes cho biết các nhà đầu tư hiện không chỉ nhìn vào cơ hội ngắn hạn mà đang đánh giá rất kỹ các chỉ số kinh tế vĩ mô, chiến lược phát triển địa phương, cùng yếu tố hạ tầng, di dân và tốc độ đô thị hóa.
“Sau giai đoạn điều chỉnh từ năm 2022, dòng tiền đang hướng về hai phân khúc chính: bất động sản tạo dòng tiền và bất động sản đô thị có thể khai thác lâu dài”, ông Chung cho biết.
Ông Chung nhận thấy ba khu vực tại phía Bắc được đánh giá sẽ trở thành cực tăng trưởng mới bao gồm: Hưng Yên (sau sáp nhập với Thái Bình), với hạ tầng giao thông ngày càng hoàn thiện, bao gồm cao tốc, đường sắt kết nối trực tiếp Hà Nội và các vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, địa phương này đang thu hút dòng vốn mạnh, đặc biệt vào lĩnh vực công nghiệp và nhà ở phục vụ chuyên gia, công nhân.
Tiếp theo là Bắc Ninh. Dẫn đầu cả nước về tốc độ phát triển các khu công nghiệp và chế xuất, Bắc Ninh tiếp tục khẳng định vị thế là điểm hút dòng vốn FDI và bất động sản công nghiệp.
Cuối cùng là Quảng Ninh - Hải Phòng. Sau giai đoạn trầm lắng, cặp địa phương này đang phục hồi mạnh mẽ nhờ vào hệ thống cảng biển, sân bay quốc tế, cùng chiến lược phát triển kinh tế biển, dịch vụ logistics và du lịch.
“Nhìn chung, ba khu vực trên đều đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về nhu cầu thị trường, hạ tầng kết nối, tiềm năng cho thuê và tốc độ đô thị hóa, những yếu tố then chốt để nhà đầu tư yên tâm “xuống tiền” ngay sau khi sáp nhập”, CEO SGO Homes nhìn nhận.
Dù nhiều khu vực được đánh giá tiềm năng, nhưng theo ông Lê Xuân Nga, Tổng giám đốc BHS Property, để thực sự đón đầu được làn sóng đầu tư, địa phương và doanh nghiệp cần định vị đúng loại hình bất động sản.
“Không thể phát triển khu đô thị rồi chỉ phân lô bán nền, thiếu tiện ích sống; hoặc làm bất động sản nghỉ dưỡng mà chỉ khai thác ngắn hạn dòng tiền”, ông Nga nói.
Theo Tổng giám đốc BHS Property, hạ tầng và khả năng đáp ứng nhu cầu sống thực (giáo dục, y tế, giao thông, việc làm…) mới là yếu tố quyết định người dân có đến sinh sống và đầu tư lâu dài hay không.
Trong bức tranh tái cấu trúc toàn diện, ông Nga cho rằng sáp nhập tỉnh không chỉ là bài toán hành chính, mà còn là cơ hội định hình lại không gian phát triển quốc gia. Với tầm nhìn chiến lược, các địa phương “trúng sóng” sẽ không chỉ tăng trưởng về quy mô, mà còn có thể bứt phá về chất lượng đô thị, thu hút đầu tư và nâng tầm vị thế trên bản đồ kinh tế Việt Nam.
“Dù vậy, đối với những khu vực mà kể cả không phải là địa phương được lựa chọn làm thủ phủ, nếu vị trí bất động sản và giá cả phù hợp thì tôi tin rằng nó vẫn có tính sinh lời, thanh khoản tốt thì không có vấn đề gì cả”, vị tổng giám đốc cho hay.

“Chia lại miếng bánh” thị trường bất động sản và lời khuyên cho người quyết định cuộc chơi

Bất động sản trước vận hội mới: Chuyên gia kiến nghị tất cả giao dịch phải qua sàn
