Ngân hàng do TQ khởi xướng bắt đầu cho vay từ giữa năm 2016

 Sau khi chính thức ra đời ngày 25/12, Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) đang thiết lập các quy tắc và tìm kiếm nhân sự cho những vị trí quan trọng nhất.
Ông Jin Liqun. Ảnh: Wall Street Journal
Ông Jin Liqun. Ảnh: Wall Street Journal

Ông Jin Liqun, chủ tịch mới được bầu của AIIB, cho hay ngân hàng sẽ bắt đầu cho vay từ giữa năm 2016. Trước thời điểm đó, AIIB sẽ thiết lập các quy tắc và tuyển dụng những vị trí quan trọng nhất, South China Morning Post đưa tin.

Theo ông Li, ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng trong khu vực do Trung Quốc khởi xướng sẽ hỗ trợ vốn cho các dự án liên quan tới năng lượng, giao thông vận tải, viễn thông, cơ sở hạ tầng nông thôn, cung cấp nước, bảo vệ môi trường và hậu cần quân sự. Ngân hàng cũng đang cân nhắc về việc cho các nhà máy sản xuất điện bằng than hay hạt nhân vay vốn.

“Trung Quốc rất chủ động tại AIIB. Với sự hỗ trợ từ Chủ tịch Tập Cận Bình và nguồn lực từ Bắc Kinh, Trung Quốc hoạt động nhiều hơn mọi thành viên khác trong việc đề ra chức năng của AIIB”, Shi Yinhong, một giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân, nói.

Thắng lợi ngoại giao

AIIB, có trụ sở tại Bắc Kinh, chính thức hoạt động vào năm 2016. Ảnh:Tân Hoa xã

AIIB, có trụ sở tại Bắc Kinh, chính thức hoạt động vào năm 2016. Ảnh:Tân Hoa xã

Ông Tập Cận Bình lần đầu tiên đưa ra ý tưởng về một ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng trong khu vực vào cuối năm 2013. Nó khởi đầu chậm chạp khi chỉ vài quốc gia châu Á quan tâm. Sự thờ ơ từ Mỹ và Nhật Bản đối với đề xuất lập ngân hàng khiến triển vọng càng mong manh. Thậm chí, Washington còn tìm cách khuyên các đồng minh châu Âu "suy nghĩ kỹ trước khi ký thỏa thuận hợp tác dự án AIIB", theo Reuters.

Tuy nhiên, tình hình đảo ngược hồi đầu năm nay khi Anh quyết định tham gia. Điều này khiến Mỹ bất ngờ. Các quốc gia châu Âu khác như Pháp, Đức, Italy cũng nối gót Anh. Đây được coi là chiến thắng ngoại giao của Trung Quốc. Cuối cùng, AIIB đã thu hút được 57 thành viên sáng lập, trong đó có Ấn Độ, Australia, Pháp, Đức và Nam Phi.

“Đây là một thắng lợi lớn mang tính chiến lược và ngoại giao đối với Trung Quốc”, Malcolm Cook, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, nhận định.

Các chuyên gia đánh giá AIIB là thách thức đối với các định chế tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) do Nhật Bản kiểm soát.

Trong khi đó, Japan Times dẫn nhận định của một nhà ngoại giao phương Tây tại Bắc Kinh cho rằng, Trung Quốc nhận thấy họ không có sự lựa chọn nào khác là tự thành lập một ngân hàng cho riêng mình sau những nỗ lực cải cách các định chế tài chính hiện thời như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhằm khẳng định vai trò của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vốn bị Mỹ ngăn cản lâu nay.

Ngân hàng AIIB với số vốn ban đầu 100 tỷ USD còn được coi là công cụ để Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng của họ trong khu vực. AIIB hiện là một trong những tổ chức kinh tế đa phương lớn nhất khu vực. Nó được xem là trở ngại đáng kể đối với Mỹ khi mở rộng ảnh hưởng trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong việc cân bằng sức mạnh kinh tế và sự quyết đoán của Trung Quốc. AIIB cũng là mối quan ngại lớn nhất của Nhật Bản trong việc cạnh tranh ảnh hưởng kinh tế ở khu vực.

Các cam kết

Trung Quốc nhiều lần cam kết AIIB sẽ là đối tác của WB và ADB, đồng thời khẳng định sẽ tránh tình trạng quan liêu ở AIIB. “AIIB là một tổ chức đa phương mới và sẽ hoạt động tốt hơn (những đơn vị hiện có)”, Song Guoyou, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về Mỹ tại Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải, nói.

Theo chủ tịch Jin, các giám đốc của AIIB sẽ không có văn phòng tại trụ sở ở Bắc Kinh. Họ sẽ họp theo quý và qua video nếu cần thiết. AIIB sẽ thuê “những người có đạo đức, chuyên môn và đam mê”, nhưng không cung cấp một “bát cơm sắt” – cụm từ mà người Trung Quốc dùng để ám chỉ một việc làm ổn định, đem lại thu nhập.

Trong lễ thành lập, AIIB công bố 23 vị trí nhân sự trên trang web, gồm các chuyên gia cao cấp trong ngành ngân hàng, đầu tư, phát triển xã hội, mua sắm và quản lý ngân quỹ.

Ứng viên cho vị trí chuyên viên môi trường đầu tư cần tối thiểu từ  8 đến 10 năm kinh nghiệm và phải sẵn sàng “dành nhiều thời gian công tác, thường là các nơi xa”.

Theo ông Song, Chủ tịch Jin của AIIB "ghét tệ quan liêu" và đã xác định nhổ tận gốc "căn bệnh của người giàu" thường thấy ở nhiều ngân hàng.

Nhưng theo nhận định của Song, thách thức thực sự đối với AIIB sẽ là thực tế kinh doanh. "Thỏa thuận về khoản vay đầu tiên rất quan trọng. Nếu nó lớn và giá trị, điều này mở đường cho những thành công trong tương lai. Nhưng rất khó xử nếu dự án đầu tiên không được như kỳ vọng”, Song nhận xét.

Còn theo nhà nghiên cứu Malcolm Cook, việc rất nhiều nước tham gia AIIB sẽ khiến khâu quản lý trở nên khó khăn. "Càng nhiều nước gia nhập, càng nhiều lợi ích được đặt ra và mỗi nước sẽ muốn hệ thống phục vụ lợi ích của riêng mình khiến tổ chức trở nên phức tạp", ông Cook nhận định.

Theo Zing