Ngăn chặn hơn 2 triệu nguy cơ tấn công mạng vào hệ thống trọng yếu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong số hơn 2 triệu nguy cơ tấn công mạng vào hệ thống trọng yếu, có hơn 1 triệu nguy cơ tấn công khai thác lỗ hổng bảo mật, hơn 500.000 nguy cơ tấn công đăng nhập, xác thực.

Đại tá Nguyễn Hữu Hùng, Phó Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ.
Đại tá Nguyễn Hữu Hùng, Phó Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ.

Ngày 4/7, Trung tâm Công nghệ thông tin và giám sát an ninh mạng, Ban Cơ yếu Chính phủ đã tổ chức Hội nghị sơ kết công tác giám sát an toàn thông tin cho các hệ thống công nghệ thông tin trọng yếu giai đoạn 2019 - 2024 nhằm đánh giá kết quả công tác và phương hướng nhiệm vụ trong giai đoạn tiếp theo.

Tại hội nghị, Đại tá Nguyễn Hữu Hùng, Phó Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ cho rằng hiểm họa, nguy cơ mất an toàn thông tin, các hình thức tấn công mạng nguy hiểm ngày càng gia tăng.

Theo ông Hùng, nhiều tổ chức tội phạm mạng, tổ chức phản động được thành lập, hoạt động tinh vi, gây hậu quả nghiêm trọng, đe dọa đến sự ổn định chính trị, an ninh quốc gia.

"Những thách thức này đòi hỏi chúng ta phải nâng cao nhận thức và tăng cường các biện pháp bảo vệ, an toàn thông tin một cách chặt chẽ, toàn diện hơn", Đại tá Hùng nói.

Ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động của nhiều cơ quan

Báo cáo công tác giám sát bảo đảm an toàn thông tin trên các mạng CNTT trọng yếu của Đảng và Chính phủ giai đoạn 2019 - 2024, ông Trương Thanh Tùng, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Công nghệ thông tin và giám sát an ninh mạng, nhận định: "Các hình thức tấn công mạng nguy hiểm nhằm phá hoại hệ thống thông tin, đánh cắp dữ liệu ngày càng trở nên tinh vi và phức tạp hơn".

Ông cho rằng vũ khí mạng được sử dụng phổ biến, các chiến dịch tấn công mạng gây hậu quả nghiêm trọng, đe dọa sự ổn định chính trị, an ninh quốc gia, thậm chí chiến tranh mạng đã gắn với chiến tranh truyền thống.

ảnh anh Tùng.JPG
Ông Trương Thanh Tùng, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Công nghệ thông tin và Giám sát An ninh mạng, Ban Cơ yếu Chính phủ.

Trong giai đoạn 2019-2024, qua nghiệp vụ giám sát, phân tích, Ban Cơ yếu Chính phủ đã phát hiện tổng số hơn 2 triệu nguy cơ liên quan đến các loại hình tấn công mạng nguy hiểm với nhiều hình thức và chủng loại khác nhau.

Đặc biệt, các loại hình tấn công có chủ đích (APT), các chiến dịch tấn công quy mô lớn, bài bản nhằm thu thập, đánh cắp thông tin diễn ra ngày càng phức tạp và tinh vi, gây ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động của nhiều cơ quan, đơn vị. Trong đó, hơn 1 triệu nguy cơ tấn công khai thác lỗ hổng bảo mật, hơn 200.000 nguy cơ tấn công mã độc, hơn 500.000 nguy cơ tấn công đăng nhập, xác thực...

Nói về những tồn tại trong việc giám sát đảm bảo an toàn an ninh mạng hệ thống trọng yếu trong 5 năm qua, ông Trương Thanh Tùng nhắc tới việc chưa tổ chức lực lượng trực giám sát 24/7 thường xuyên, mà chỉ mới tổ chức vào các dịp cao điểm, nên kết quả vẫn còn chưa được như mong muốn, chất lượng cảnh báo có lúc chưa có tính tức thời.

Ngoài ra, việc mất an toàn thông tin còn chi phối bởi "nhận thức về vai trò của giám sát an toàn thông tin trong việc đảm bảo an toàn thông tin của cán bộ quản lý, lãnh đạo của các cơ quan, đơn vị.

Cùng với đó, việc thiếu đội ngũ cán bộ chuyên trách về an toàn thông tin; Chưa được đầu tư đồng bộ, đầy đủ các thiết bị đảm bảo an toàn thông tin; Việc xử lý các cảnh báo mất an toàn thông tin tại cơ quan chủ quản mạng công nghệ thông tin chưa thực sự triệt để...”, ông Tùng chia sẻ.