|
Hệ thống tác chiến điện tử (EWS) của Nga đang ngày càng phát triển và được mệnh danh là sẽ tạo nên một “cuộc cách mạng toàn năng” với những dòng vũ khí hiện đại. Điển hình của hệ thống này là những chiếc tàu thế hệ mới thuộc lớp “Yuri Ivanov” Project 18280 vừa được thử nghiệm và sẽ trang bị trong các căn cứ của Hạm đội phương Bắc đóng tại bán đảo Kola từ năm 2016.
Lá chắn trinh sát hữu hiệu
Tin từ Hãng Ria Novosti cho biết, chiếc tàu trinh sát điện tử đầu tiên “Yuri Ivanov” Project 18280 của Nga đã được đưa tới căn cứ chính của Hạm đội phương Bắc từ cuối tháng 8. Ngay sau khi báo chí Nga đăng tải về việc di chuyển con tàu này tới căn cứ hải quân mới, tình báo Mỹ đã đưa ra những cảnh báo về thế hệ tác chiến mới của quân đội Nga.
Theo đó, “Yuri Ivanov” là một con tàu trinh sát với nhiệm vụ là hỗ trợ truyền thông và quản lý hạm đội, trinh sát vô tuyến và tác chiến điện tử (REB). Con tàu này được thiết kế để giám sát các hoạt động của hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ. Thiết bị trên boong tàu có thể phát hiện các tín hiệu vô tuyến trên một dải tần số rộng để xác định vị trí của các hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ.
|
“Yuri Ivanov” được đóng tại nhà máy đóng tàu phía Bắc ở thành phố St.Petersburg từ tháng 11/2013. Ảnh: Russiandefense. |
Việc xây dựng và chế tạo “Yuri Ivanov” được thực hiện tại nhà máy đóng tàu phía bắc ở thành phố St.Petersburg từ tháng 11/2013. Người đứng đầu bộ phận Mua sắm và thu nhận quốc phòng thuộc Tổng Công ty đóng tàu USC Anatoly Shlemov cho biết, sau 2 năm nằm trong xưởng, còn tàu này đã được đưa ra thử nghiệm từ tháng 1 năm nay và hiện sẵn sàng tác chiến.
Anatoly Shlemov nói: “Các thử nghiệm của “Yuri Ivanov” được tiến hành trong suốt 8 tháng qua và luôn đạt được thành công đúng như dự kiến. Bộ Quốc phòng đang thúc đẩy nhanh việc sản xuất loại tàu trinh sát điện tử này và định sẽ cấp cho Hạm đội phương Bắc một đội tàu trinh sát kiểu này vào cuối năm 2016”.
Cũng theo lời ông Anatoly Shlemov thì, tàu Yuri Ivanov có tính năng linh hoạt cao, tự động hóa và được tích hợp các hệ thống hiện đại. Chiếc tàu này có độ giãn nước khoảng 4.000 tấn, độ dài 95m, rộng 16m…
Được biết, ý tưởng về việc sử dụng hệ thống tác chiến điện tử trên các tàu trinh sát đã được Nga nhắc đến từ cách đây 20 năm, tại triển lãm MAKS 1997. Khi đó, một công ty của Nga là Aviakonversiya đã giới thiệu thiết bị làm nhiễu tín hiệu định vị vệ tinh GPS. Nhưng từ đó đến nay, Aviakonversiya chưa đạt thêm được nhiều tiến bộ khác so đối với thiết bị này.
|
Hệ thống Richag-AV gắn trên các trực thăng Mi-8MTPR1 được thiết kế để tránh rađa, sonar hoặc các hệ thống phát hiện khác. Ảnh: Sputnik. |
Còn đối với USC, phải mất 5 năm nghiên cứu trước khi tổng công ty này chấp nhận đóng tàu “Yuri Ivanov”. Các chuyên gia của USC đã cố gắng tích hợp làm sao để “Yuri Ivanov” có thể giám sát cùng lúc kho vũ khí của nhiều quốc gia khác nhau bao gồm cả các hệ thống tên lửa đánh chặn tên lửa đạn đạo liên lục địa và mục tiêu của chúng.
“Yuri Ivanov” cũng sẽ có khả năng điều khiển các tên lửa đạn đạo bao gồm cả những tên lửa xuất phát từ tàu ngầm và lẫn từ các bệ phóng trên mặt đất. Hiện Nga cũng đang phát triển tàu “Ivan Khurs” thế hệ mới hơn “Yuri Ivanov” với những tính năng nhạy bén hơn và dự kiến cung cấp cho Hạm đội biển Đen và Hạm đội Thái Bình Dương.
Con át chủ bài trong tương lai
Trên thực tế, “Yuri Ivanov” chỉ là một trong 20 loại hệ thống tác chiến điện tử thế hệ mới đang được Nga phát triển. 10 loại trong hệ thống này như Krasukha-2, Murmansk-BN, Borisoglebsk-2, Krasukha-S4, Borisoglebsk-2V, Moskva-1 và Svet-KU… đã được đưa vào sử dụng tại các lữ đoàn bộ binh cơ giới. Tạp chí Armyrecognition cho biết, Nga phát triển hệ thống tác chiến điện tử với mục tiêu vô hiệu hóa bất cứ khí tài quân sự nào sử dụng liên lạc, thông tin vô tuyến, từ vệ tinh, tàu chiến đến tên lửa và vũ khí bội siêu thanh thế hệ tương lai. Hệ thống sẽ nhằm vào các dòng máy bay chiến lược, chiến thuật tầm xa, các phương tiện điện tử và chặn các thiết bị truyền thông vô tuyến của vệ tinh quân sự nước ngoài.
Nhiệm vụ của EW gồm: Vô hiệu hóa các hệ thống C3I: Chỉ huy (Command), Điều khiển (Control), Truyền tin (Communications) và Tình báo (Intelligence); C4IRS: Chỉ huy, Điều khiển, Truyền tin, Máy tính (Computers), Tình báo, Cảnh giới (Surveillance) và Trinh sát (Reconnaissance) của đối phương.
|
Trạm trinh sát gây nhiễu mặt đất phạm vi rộng 1RL257 Krasuha-4 được thiết kế để bảo vệ các mục tiêu tĩnh trước rađa của các máy bay rađa trinh sát. Ảnh: darkpolitricks. |
Song song với đó, EW duy trì khả năng tác chiến của hệ thống chỉ huy, điều khiển, trinh sát và thông tin liên lạc của “quân nhà”. Cả NATO và Mỹ đều đã không dưới một lần bị “dính đòn” vũ khí mới này nên rất lo ngại về khả năng phát triển hơn nữa của các hệ thống tác chiến điện tử của Nga.
Trung tướng Ben Hodges, Chỉ huy quân đội Mỹ ở châu Âu, đánh giá: "Không có thiết bị vũ khí nào của Mỹ thoát khỏi tầm ngắm của tên lửa hay pháo binh Nga cũng như hệ thống tác chiến điện tử, gây nhiễu hoặc thu thập thông tin của Nga”. Vì thế, hồi tháng 3, Mỹ đã vội vàng lập ngay một Ủy ban tác chiến điện tử do Thứ trưởng Quốc phòng Frank Kendall và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân, Đô đốc James Winnefeld cùng đứng đầu.
Tháng 8 vừa qua, Bộ Quốc phòng Mỹ đã giao một hợp đồng trị giá 1 tỉ USD cho 4 công ty công nghệ an ninh gồm: Adams Communication and Engineering Technology, Eoir Technologies, Praxis Engineering và DHPC Technologies nhằm hỗ trợ Ủy ban tác chiến điện tử phát triển các công nghệ mạng, tác chiến điện tử, rađa và tín hiệu tình báo hiện đại.
Phải nói rằng, tại triển lãm MAKS 2015 tháng 8 vừa qua, Nga đã gây sửng sốt khi giới thiệu một loạt phương tiện chiến tranh đặc biệt, mới và có tính hiệu quả cao. Cả các quan chức cao cấp của Mỹ và NATO đều thừa nhận Nga có khả năng tác chiến điện tử rộng, có thể dập tắt bất cứ hệ thống truyền thông nào của kẻ địch.
Các hệ thống tác chiến điện tử Nga gồm hệ thống Richag-AV gắn trên các trực thăng Mi-8MTPR1 được thiết kế để tránh rađa, sonar hoặc các hệ thống phát hiện khác nhằm bảo vệ máy bay, trực thăng, máy bay không người lái, lực lượng bộ binh cũng như hải quân tránh khỏi các tên lửa không đối không hoặc hệ thống phòng không trong phạm vi vài trăm kilômét; hệ thống đạn pháo thông minh có đầu nổ được lập trình, cho phép bắn hạ các tàu của đối phương chỉ bằng một viên đạn; hệ thống phòng thủ “Vitebsk” sử dụng các nguyên tắc hoạt động vật lý để bảo vệ máy bay bằng tên lửa dẫn hồng ngoại được thiết lập trên trực thăng Ka-52, tiêm kích chiến đấu Su-25 và máy bay vận tải hạng nặng Mi-26.
|
“Yuri Ivanov” trang bị cho Hạm đội phương Bắc từ cuối tháng 8. Ảnh: globalsecurity. |
Ngoài ra, còn có một số hệ thống khác như trạm trinh sát và gây nhiễu 1L269 Krasukha-2 chế áp được các đài rađa quan sát trên không, bức xạ sóng vô tuyến làm thay đổi chất lượng thông tin thu được, “chọc mù”các rađa trên các máy bay cảnh báo sớm AWACS và máy bay không người lái, khiến chúng không thể giám sát các hoạt động bên dưới của lực lượng phòng không mặt đất; trạm trinh sát gây nhiễu mặt đất phạm vi rộng 1RL257 Krasuha-4 được thiết kế để bảo vệ các mục tiêu tĩnh trước rađa của các máy bay rađa trinh sát như E-8C, rađa của máy bay tấn công, trinh sát đa chức năng, máy bay không người lái trinh sát-tấn công như Global Hawk hay Predator và và vệ tinh do thám rađa; tổ hợp gây nhiễu “Leer-2” được sử dụng để trinh sát điện tử, gây nhiễu chế áp các thiết bị điện tử của đối phương.
Ngọc Khuê theo Công an nhân dân