Từ ngày 21 - 28/7/2017, Trung Quốc và Nga tổ chức cuộc tập trận “Liên hợp trên biển - 2017” ở biển Baltic. Trung Quốc đã cử tàu khu trục tên lửa tiên tiến nhất của họ là tàu Trường Sa, tàu khu trục Type 052D thứ hai của Hải quân Trung Quốc tham gia.
Tàu khu trục Trường Sa có thể độc lập hoặc hiệp đồng với lực lượng khác của hải quân để tấn công tàu chiến mặt nước, tàu ngầm, có khả năng phòng không khu vực và tác chiến đối hải khá tốt.
Tàu hộ vệ tên lửa Vận Thành và tàu tiếp tế tổng hợp mới Lạc Mã Hồ của Trung Quốc cũng tham gia cuộc tập trận lần này.
Đây là lần đầu tiên tàu chiến Trung Quốc tham gia tập trận ở biển Baltic, vùng biển có ý nghĩa chiến lược quan trọng. Tuần trước, hạm đội Hải quân Trung Quốc đã tiến hành diễn tập bắn đạn thật khi đang trên đường đi qua Địa Trung Hải, một vùng biển cũng có ý nghĩa chiến lược quan trọng.
Sau cuộc tập trận ở biển Baltic, Hải quân Trung Quốc sẽ tham gia cuộc tập trận giai đoạn 2 tổ chức ở biển Nhật Bản và biển Okhotsk vào tháng 9/2017. Mục đích chính của cuộc tập trận là tăng cường hợp tác có hiệu quả để đối phó với các mối đe dọa an ninh trên biển giữa hạm đội hai nước Trung Quốc và Nga.
Sự xuất hiện của hạm đội Trung Quốc tại vùng biển này đã gây cảnh giác cho các nước NATO. Các nước đồng minh NATO ở châu Âu cảm thấy lo ngại đối với ý đồ thực sự của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Họ nghi ngờ nội dung thực sự của cuộc tập trận do Moscow tiết lộ.
Ngày 18/7, Bộ Tư lệnh Hàng hải NATO đã công bố một chùm ảnh tàu chiến NATO “chạm mặt” với biên đội tàu chiến Trung Quốc ở vùng biển đông bắc Đại Tây Dương. Tàu chỉ huy của hạm đội mặt nước NATO, tàu hộ vệ của Hải quân Na Uy đã “bày tỏ hoan nghênh” đối với hạm đội Trung Quốc.
Mặc dù bày tỏ hoan nghênh, nhưng báo chí Anh cho hay Hải quân hoàng gia Anh đã khẩn cấp điều động một chiếc tàu chiến giám sát hạm đội Hải quân Trung Quốc khi nó đi qua eo biển Manche. Sau đó Hải quân NATO bám sát tàu chiến đi qua vùng biển đông bắc Đại Tây Dương.
Tháng 6/2017, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã cho biết rõ là NATO “sẽ giám sát chặt chẽ mọi hoạt động quân sự ở lân cận lãnh thổ và lãnh hải của NATO, đương nhiên bao gồm cuộc tập trận hải quân ở biển Baltic có sự tham gia của Trung Quốc”. Ông kêu gọi cuộc tập trận chung Trung - Nga cần minh bạch.
Một số chính khách và phương tiện truyền thông phương Tây coi sự hiện diện của tàu chiến Trung Quốc là “mối đe dọa”. Tờ Daily Star của Anh cho rằng tàu chiến Trung Quốc hoạt động ở vùng biển xung quanh Anh là một việc rất hiếm có, điều này cho thấy “Trung Quốc có tham vọng hiện diện sức mạnh trên toàn cầu”.
Trước dư luận trái chiều của phương Tây về cuộc tập trận này, hãng tin RIA Novosti Nga ngày 18/7 cho rằng trong tình hình hiện nay, cuộc tập trận này không chỉ có ý nghĩa quân sự, mà còn có ý nghĩa chính trị.
Trước hết đây là đáp trả phương Tây gây sức ép chính trị đối với hai nước Nga và Trung Quốc gần đây. Mục đích gây sức ép của phương Tây là muốn chia tách Nga và Trung Quốc – hai đối thủ cạnh tranh của phương Tây.
Theo RIA Novosti, Trung Quốc và Nga ủng hộ lẫn nhau phù hợp với lợi ích của hai nước. Mặc dù hai nước không có quan hệ đồng minh quân sự, nhưng hai nước có liên hệ quân sự chặt chẽ. Điều này làm cho các nước phương Tây có ý đồ gây sức ép với Nga và Trung Quốc cảm thấy lo ngại.
Tờ Nezavisimaya Gazeta Nga cho rằng cuộc tập trận này đã gây bất an cho NATO. Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan vừa chỉ trích “liên minh chiến lược Trung - Nga là một mối đe dọa đối với thế giới tự do”. Một số phương tiện truyền thông phương Tây tuyên truyền đây là “sự khiêu khích đối với NATO ở biển Baltic”.
Báo Nga cho rằng cuộc tập trận này tổ chức ở “cửa nhà” của châu Âu, phát đi tín hiệu chính trị đối với Mỹ và NATO: “Hai nước Nga và Trung Quốc ủng hộ lẫn nhau”. Nga và Trung Quốc sẽ kiên quyết bảo vệ lợi ích của họ ở phương Tây và Viễn Đông trước NATO và Mỹ.
Trong khi đó, Nghê Lạc Hùng, chuyên gia quân sự ở Thượng Hải, Trung Quốc cho rằng mục tiêu tập trận ở biển Baltic là NATO, nhưng là phản ứng đối với cuộc tập trận giữa Mỹ - Ấn - Nhật ở Ấn Độ Dương gần đây. Bởi vì, đối tượng của cuộc tập trận trên Ấn Độ Dương này chính là Trung Quốc.
Giáo sư Nghê Lạc Hùng, khoa quản lý công và các vấn đề quốc tế, Học viện Chính pháp Thượng Hải cho rằng: “Trung Quốc và Nga cam kết muốn thông qua tổ chức các cuộc tập trận định kỳ để tăng cường quan hệ chiến lược hai nước”. Trung Quốc có kế hoạch của mình, đó chính là muốn khẳng định Trung Quốc là cường quốc biển chủ yếu trên thế giới.