Nga trở lại vũ đài quốc tế, phương Tây muốn hiểu Putin

Nga có vẻ đang trở lại hùng mạnh trên trường quốc tế, trong khi quan hệ phương Tây với Matxcơva ngày càng xấu đi. Báo Pháp Les Echos có bài viết đề cập đến quan hệ giữa phương Tây và nước Nga của tổng thống Vladimir Putin.
Ảnh minh họa

Bài phân tích có tựa đề «Hiểu Putin để xử lý tốt hơn» của tác giả Robert Skidelsky, giáo sư kinh tế chính trị thuộc đại học Warwick (Anh), xung quanh quan hệ căng thẳng giữa các nước phương Tây và Nga trong thời gian gần đây.

Theo Les Echos, mối quan hệ giữa phương Tây và nước Nga ngày càng thêm căng thẳng. Những căng thẳng đó được ăn sâu bám rễ trong quan niệm theo đó phương Tây (đặc biệt là Mỹ), luôn có những ý đồ gây hấn tỏ ra hung hăng với Nga.

Les Echos dẫn nhận định ông Dmitri Trenin, giám đốc viện nghiên cứu chính trị Carnegie Center Moscow về việc chính cựu giám đốc tình báo Mỹ CIA thập niên 1990 Robert Gate đã thừa nhận phương Tây mà chủ chốt là Mỹ đã đánh giá thấp Nga sau thất bại của họ thời chiến tranh lạnh, rằng người Nga sẽ còn phải ngậm đắng nuốt cay về thất bại đó lâu dài.

Trong bối cảnh đó, theo tác giả bài viết, chủ trương mở rộng NATO ra tới khu vực Baltic năm 2004 là một sai lầm. Sau khi Liên Xô sụp đổ, mục tiêu cốt yếu của Liên minh Bắc Đại Tây Dương là bảo vệ Đông Âu trước sự phục thù của Nga. Sai lầm đó thể hiện ở chỗ năm 2008, tổng thư ký NATO khi đó là Jaao Hoop Scheffer tuyên bố: Rồi trong ngày một ngày hai Ukraine sẽ ra nhập NATO. Tiếp đó đến sự kiện tổng thống Ukraine Victor Yanoukovitch bị phong trào Maidan dấy loạn lật đổ, chỉ vì từ chối ký hiệp định thành viên liên kết với EU. Nước Nga nhìn thấy trong cuộc nổi dậy đó có bàn tay của phương Tây.

Tuy nhiên sự sai lầm đó của phương Tây cũng kéo theo những hành động khó lường của ông Putin, đó là quyết định can thiệp vào Ukraine và sáp nhập bán đảo Crimea. Những việc làm này dẫn đến Nga bị trừng phạt kinh tế, còn Ukraine bị đẩy hẳn sang phía phương Tây.

Để cải thiện quan hệ với Nga, các nước phương Tây phải hiểu được 3 vấn đề chính:

Thứ nhất trong các đòn về chính sách đối ngoại, tổng thống Nga Putin luôn thận trọng. Ông Putin có thể tuyên bố rất mạnh mẽ nhưng ông cũng hiểu được giới hạn của mình, không liều lĩnh. Thứ hai là luận điểm thế giới đa cực chỉ nhằm khẳng định nước Nga phải đóng vai trò tích cực trong việc xem xét lại trật tự thế giới do Mỹ chiếm lĩnh từ lâu nay.

Điểm thứ ba là Nga cho thấy sẵn sàng hợp tác với Mỹ, vì lợi ích chung của cả hai. Les Echos kết luận: «Cuộc xung đột giá trị giữa hai bên sẽ còn kéo dài. Nhưng nếu phương Tây tỏ tôn trọng đối với nước Nga và các mối quan tâm của họ, thì các mối quan hệ sẽ được cải thiện».