|
SCO có tiềm năng mở rộng thành viên. Ảnh: Sina |
SCO sắp mở rộng thành viên
Tờ Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) ngày 24/4 cho biết, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước thành viên Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) ngày 21/4 đã bế mạc tại thủ đô Astana (Kazakhstan). Hội nghị quyết định sẽ hoàn thành thủ tục tiếp nhận Ấn Độ và Pakistan gia nhập SCO, đồng thời đệ trình vấn đề dành cho hai nước này tư cách thành viên SCO lên Hội đồng nguyên thủ xem xét.
Theo tờ Kommersant (Nga) ngày 22/4, điều này cho thấy, Bộ trưởng Ngoại giao các nước đã đạt được nhất trí về vấn đề này.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho biết, sau khi kết nạp Ấn Độ và Pakistan,SCO sẽ thực hiện mở rộng thành viên lần đầu tiên, trở thành tổ chức quốc tế mang tính khu vực, có dân số đông nhất, tiềm lực lớn nhất thế giới.
Hội nghị cũng đã thảo luận tiến trình trở thành thành viên chính thức của Iran, nhưng kiến nghị này bị Tajikistan phản đối.
Theo tờ Izvestia Nga, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, tại Hội nghị thượng đỉnh SCO tổ chức vào tháng 6/2017 sẽ thảo luận vấn đề tiến trình Iran trở thành thành viên chính thức.
Ngoài Tajikistan, các nước thành viên khác đều bày tỏ ủng hộ. Lý do phản đối của Tajikistan là chính quyền Iran bao che cho một nhà lãnh đạo phe đối lập Hồi giáo của Tajikistan, đồng thời tìm cách phá hoại chính quyền hiện nay của Tajikistan.
Vai trò ảnh hưởng của Trung Quốc sẽ yếu đi?
Theo VOA Mỹ ngày 23/4, tháng 6/2017, Ấn Độ và Pakistan sẽ chính thức trở thành thành viên của SCO. Đồng thời, Nga bắt đầu tích cực thúc đẩy Iran gia nhập SCO.
Trong đó, Ấn Độ là nước có dân số lớn thứ hai thế giới, việc gia nhập SCO của Ấn Độ có thể làm thay đổi tổ chức này. Bởi vì, mâu thuẫn giữa Ấn Độ và Trung Quốc, xung đột giữa Ấn Độ và Pakistan, sự không tin cậy giữa Trung Quốc và Ấn Độ và giữa Ấn Độ và Pakistan cũng sẽ đưa vào SCO.
Tất cả các quyết sách của SCO đều được đưa ra trên cơ sở các bên thảo luận và thỏa hiệp. Sau khi Ấn Độ và Pakistan gia nhập sẽ làm cho hoạt động của SCO trở nên phức tạp.
Những năm gần đây, SCO đặc biệt nhấn mạnh tăng cường hợp tác an ninh và tấn công chủ nghĩa khủng bố, tăng cường trao đổi tình báo giữa các nước thành viên trong cuộc chiến chống khủng bố, nhưng Ấn Độ và Pakistan đều lần lượt chỉ trích đối phương hỗ trợ chủ nghĩa khủng bố. Trong tương lai, việc điều phối trao đổi tình báo của SCO sẽ như thế nào còn chưa rõ.
Nga và Trung Quốc đều giữ thái độ lạc quan đối với việc gia nhập SCO của Ấn Độ và Pakistan, cho rằng việc này sẽ làm cho SCO mạnh hơn. Theo Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, với sự gia nhập của Ấn Độ và Pakistan, SCO sẽ chiếm 43% dân số thế giới, 24% tổng lượng kinh tế toàn cầu.
Ngoài ra, Nga còn đang tích cực thúc đẩy tiến trình gia nhập SCO của Iran. Hiện nay, Nga hợp tác chặt chẽ với Iran trên chiến trường Syria. Nga và Iran ngày càng xích lại gần nhau. Nga khẳng định Iran hiện hoàn toàn có đủ điều kiện gia nhập SCO.
Tuy nhiên, việc gia nhập SCO của Iran có thể làm cho tương lai của tổ chức này trở nên không sáng sủa hơn – VOA bình luận. Hiện nay, Iran đang tìm cách mở rộng ảnh hưởng ở khu vực Trung Á. Iran có bối cảnh tương đồng về dân tộc, ngôn ngữ và văn hóa với Tajikistan, một nước thành viên SCO. Nhưng, Iran lại ủng hộ phe đối lập chính ở Tajikistan, điều này làm cho quan hệ hai nước xấu đi trong hai năm qua.
Trong chuyến thăm Nga gần đây của Tổng thống Iran, người đồng cấp Nga Vladimir Putin đã cam kết “kiên quyết ủng hộ” Iran gia nhập SCO cũng như gia nhập Cộng đồng kinh tế Âu-Á.
Một nước có ảnh hưởng lớn khác ở khu vực Trung Đông là Thổ Nhĩ Kỹ cũng muốn gia nhập SCO. Thổ Nhĩ Kỳ đã nhận được sự ủng hộ của Nga và Kazakhstan.
Một số nhà phân tích Nga cho rằng Trung Quốc vốn không muốn mở rộng SCO. Nhưng Nga lo ngại Trung Quốc không ngừng mở rộng vai trò ảnh hưởng ở Trung Á và trong SCO, hy vọng dựa vào mở rộng SCO để làm giảm vai trò ảnh hưởng của Trung Quốc.
Vì vậy, Nga tích cực thúc đẩy Ấn Độ trở thành thành viên chính thức, qua đó để cân bằng với Trung Quốc. Trong khi đó, Trung Quốc muốn thông qua Pakistan để kiềm chế Ấn Độ.
Nga cũng tích cực dựa vào các tổ chức kinh tế khu vực như Cộng đồng kinh tế Âu-Á để có thể thay thế SCO. Trung Quốc cũng tăng cường hợp tác song phương với các nước Trung Á để sẵn sàng cho tương lai phát triển hay đi xuống của SCO. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đi đầu trong việc thiết lập cơ chế hợp tác giữa Trung Quốc – Tajikistan – Afghanistan.