Nga tham gia vào cuộc đua chatbot AI, châu Âu siết chặt kiểm soát dữ liệu với OpenAI

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Các doanh nghiệp Nga Sberbank và Sistemma đã ra mắt các mô hình AI, tham gia vào cuộc đua AI sáng tạo trên toàn cầu. Đồng thời, các quốc gia châu Âu bắt xem xét các quy định pháp lý nhằm kiểm soát ChatGPT.
Sberbank Nga phát hành chatbot AI, có tên GigaChat, đối thủ của ChatGPT. Ảnh Infotechlead
Sberbank Nga phát hành chatbot AI, có tên GigaChat, đối thủ của ChatGPT. Ảnh Infotechlead

Sberbank, tổ chức tài chính lớn nhất của Nga, đặt mục tiêu trở thành công ty công nghệ lớn nhất của đất nước phát hành GigaChat, một chatbot Trí tuệ Nhân tạo (AI) cạnh tranh với ChatGPT.

Động thái này được tiến hành trong cuộc chạy đua các mô hình AI trên toàn thế giới, được thực hiện khi công ty cho vay tài chính khổng lồ của Nga lên kế hoạch cho một cuộc cải cách quan trọng nhất trong lịch sử 182 năm phát triển nhằm gia nhập hệ thống Big Tech quốc tế.

Sberbank đã loại bỏ từ “ngân hàng” khỏi logo của doanh nghiệp vào năm 2020 trong khuôn khổ của nỗ lực chuyển đổi kỹ thuật số, thực hiện hàng loạt các hạng mục đầu tư vào công nghệ, từ dịch vụ đám mây đến ô tô không người lái trong 3 năm qua. Do đó, động thái phát hành AI sáng tạo không phải là vấn đề đáng ngạc nhiên. Theo một bản tin của Reuters , công ty cho vay tài chính Nga cho biết, hiện GigaChat đang hoạt động chế độ thử nghiệm, chỉ dành cho những người được mời, không chính thức đưa ứng dụng vào cuộc đua chatbot AI.

Kiến trúc GigaChat dựa trên mô hình tập hợp mạng nơ-ron có tên NeONKA (Mạng đa phương thức nơ-ron với nhận thức tri thức), bao gồm một số mô hình mạng nơ-ron cùng với quá trình Máy học tăng cường, tinh chỉnh có giám sát với phản hồi của con người.

Mạng thần kinh mới của Sber có khả năng giải quyết nhiều nhiệm vụ trí tuệ: hỗ trợ trò chuyện, soạn thảo văn bản và trả lời các câu hỏi trên thực tế. Kết hợp mô hình AI Kandinsky 2.1 vào hệ thống, mạng thần kinh có thể tạo ra hình ảnh. Tập đoàn cho vay tài chính lớn nhất nước Nga có kế hoạch cung cấp công khai NeONKA 3.5 với 13 tỷ tham số để thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng nguồn mở và trí tuệ nhân tạo.

Kể từ khi ra mắt vào tháng 11, ChatGPT đã tự tạo hàng rào địa lý ở Nga, ngăn người dùng truy cập những dịch vụ của OpenAI từ quốc gia này. Theo Sberbank, điều khiến GigaChat khác biệt so với ChatGPT là khả năng giao tiếp bằng tiếng Nga thông minh hơn so với các mạng thần kinh nước ngoài khác.

Theo tuyên bố của OpenAI, ChatGPT hiểu biết ít nhất 95 ngôn ngữ tự nhiên, bao gồm cả tiếng Nga. Trước khi Sberbank tuyên bố ra mắt GigaChat, các phương tiện truyền thông nước Nga cho biết, công ty phân tích, lập mô hình và xử lý dữ liệu Sistemma của Nga tung ra một mô hình AI ngôn ngữ lớn có tên là SistemmaGPT, chatbot có chức năng tương tự ChatGPT của OpenAI.

Truyền thông Nga, dẫn tuyên bố của Sistemma ngày 26/3 cho biết, mô hình AI của nước Nga được phát triển bằng phương pháp sử dụng nghiên cứu và phát triển của công ty kết hợp với những kết quả nghiên cứu do Đại học Stanford thực hiện. SistemmaGPT đã được cung cấp cho các doanh nghiệp thử nghiệm từ cuối tháng 3.

Sistemma lưu ý rằng, mô hình AI hoạt động hoàn toàn trên các máy chủ Nga, được điều chỉnh cụ thể để đáp ứng nhu cầu của những doanh nghiệp và người dùng Nga. SistemmaGPT có thể phân tích khối lượng lớn dữ liệu để tìm thông tin chi tiết, đóng vai trò là trợ lý ảo giao tiếp với khách hàng và tạo các đề xuất tùy chỉnh cũng như cung cấp các thông tin khác.

Công ty cho biết, SistemmaGPT sẽ tích hợp vào những quy trình văn phòng trong các tổ chức thương mại và chính phủ. Sistemma cũng sẽ tích cực phát triển một chương trình xử lý hình ảnh và video, giải quyết các nhiệm vụ ảnh phức tạp, sẽ được phát hành chính thức vào tháng 6/ 2023.

Sự xuất hiện mạnh mẽ của ChatGPT dẫn đến sự gia tăng của những chatbot AI, bao gồm GigaChat, Ernie Bot và Google Bard, cuộc chiến đưa ra những quy định pháp lý đang trở nên gay gắt hơn. Gần đây nhất, Đức cùng với những quốc gia châu Âu khác xem xét kỹ lưỡng các phương thức sử dụng dữ liệu cá nhân của ChatGPT và yêu cầu câu trả lời từ công ty OpenAI.

Marit Hansen, Ủy viên Bảo vệ Dữ liệu Tiểu bang miền bắc Schleswig-Holstein cho biết, các cơ quan bảo vệ dữ liệu khu vực của nền kinh tế hàng đầu châu Âu đã biên soạn một danh sách các câu hỏi cho OpenAI và chờ đợi câu trả lời trước ngày 11/6. Bà nói thêm : “Chúng tôi đang yêu cầu OpenAI cung cấp thông tin về những vấn đề, xuất phát từ Quy định bảo vệ dữ liệu chung của châu Âu (GDPR)”.

Trước Đức, Ý đã tạm thời cấm ChatGPT vào tháng 3 với cáo buộc, quá trình thu thập dữ liệu của GPT đã vi phạm luật riêng tư. Kể từ đó, chính phủ Ý yêu cầu OpenAI điều chỉnh chatbot AI để ChatGPT có thể trực tuyến trở lại tại quốc gia này vào cuối tháng 4. Cơ quan quản lý của Pháp cũng cho biết đã khởi động một thủ tục pháp lý chính thức sau khi nhận được 5 khiếu nại vào đầu tháng 4. Đồng thời, cơ quan bảo vệ dữ liệu AEPD của Tây Ban Nha cũng cho biết đã mở cuộc điều tra về phần mềm ứng dụng ChatGPT và công ty OpenAI, chủ sở hữu tại Mỹ.

Theo Tech Wire Asia