Đáng chú ý là ở Nga đã xuất hiện những mẫu tàu ngầm hoàn toàn mới, cả loại diesel và loại hạt nhân. Tàu ngầm của Nga có vũ trang tốt hơn và khó nhận biết hơn. Cũng gia tăng trình độ chuyên nghiệp của thủy thủ đoàn.
Theo lời Đô đốc Mark Ferguson, tàu ngầm của Nga thực hiện tuần tra thường xuyên gấp đôi so với trước đây. "Chúng ta đã trở lại cuộc cạnh tranh của những cường quốc lớn", New York Times dẫn tuyên bố của chỉ huy Hải quân Đô đốc John Richardson.
Các tàu ngầm của Hải quân Nga luôn tiềm ẩn "sức mạnh chiến đấu đáng gờm", đó là đánh giá của nhà phân tích Magnus Nordenman từ Hội đồng Đại Tây Dương của Mỹ (Atlantic Council). Theo lời ông này, Mỹ và NATO trong những năm gần đây không mấy quan tâm đến hoạt động chống tàu ngầm và hệ quả là đã đánh mất một số kỹ năng quan trọng trong lĩnh vực này. Trong khi đó, Nga đã khôi phục sức mạnh của mình một cách nhanh chóng.
Mỹ cho rằng trong trường hợp xảy ra xung đột, Nga có thể tấn công vào đường cáp ngầm cung cấp kết nối Internet hầu như ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Washington cũng tin chắc là Matxcơva đang cố gắng chế tạo tàu ngầm không người lái có mang theo vũ khí hạt nhân trên khoang.
Đối với Bộ Quốc phòng Mỹ đây lại thêm một lập luận có lợi cho hướng gia tăng kinh phí cho hạm đội tàu ngầm và các vũ khí chống tàu ngầm. "Chúng ta chưa quay lại thời Chiến tranh lạnh, nhưng đã có thể nhìn thấy sự khởi đầu của nó", New York Times dẫn lời viên Đô đốc về hưu James Stavridis, cựu chỉ huy lực lượng NATO ở châu Âu.
Theo Sputnik