|
Theo đòi hỏi của IAEA, nhân sự của nhà máy điện hạt nhân mới phải được bố trí đầy đủ ít nhất một năm trước khi nó bắt đầu hoạt động. Đồng thời, cán bộ trình độ đại học trong biên chế của nhà máy ít nhất phải chiếm 50%. Lãnh đạo ngành công nghiệp hạt nhân Nga đảm bảo rằng, liên quan đến nhà máy điện hạt nhân mà "Rosatom" sẽ xây dựng ở Việt Nam, các yêu cầu này chắc chắn sẽ được đáp ứng.
Các trường đại học hàng đầu của Nga đang tham gia đào tạo cán bộ tương lai của nhà máy điện hạt nhân Việt Nam. Tại trường Đại học Liên bang Viễn Đông đang có hai khóa sinh viên Việt Nam theo học, trong năm nay sẽ nhận thêm 60 người nữa. Trường đại học điện Moskva cũng đang đào tạo sinh viên Việt Nam. Nhưng trọng tâm đào tạo chính là Đại học tổng hợp nghiên cứu hạt nhân quốc gia.
Sinh viên Việt Nam đang thực tập tại Volgodonsk (nhà máy điện hạt nhân Rostov)
Trường này có hai chi nhánh. Tại Moskva là Trường đại học MIFI, hiện nay có 48 sinh viên Việt Nam đang học năm thứ nhất và năm thứ hai. Nhà trường tổ chức cho họ nhóm đặc biệt chỉ gồm sinh viên Việt Nam. Các bài giảng được tiến hành theo thực tế là họ mới chỉ học tiếng Nga một năm trước khi vào đại học. Nhóm thứ hai gồm 149 sinh viên Việt Nam năm thứ ba, thứ tư và thứ năm đang học tại Obninsk ở ngoại ô Moskva. Các sinh viên này học trong các nhóm nghiên cứu quốc tế.
Sinh viên Việt Nam năm thứ 4 và thứ 5 được tổ chức những khóa đi thực tập đặc biệt. Họ không phải đi thực tập tại các nhà máy điện hạt nhân của Nga như sinh viên Nga, mà đến những nơi có lò phản ứng tương tự như lò sẽ được lắp đặt tại nhà máy điện hạt nhân Việt Nam. Năm ngoái, nhóm đầu tiên gồm 28 người đã thực tập tại nhà máy điện hạt nhân Novovoronezh, tháng Chín năm nay nhóm thứ hai sẽ lên đường. Trong những ngày này, 20 sinh viên Việt Nam đang thực tập tại nhà máy điện hạt nhân Rostov. Họ đến đó không phải như những quan sát viên, mà được giao thi hành một số trách nhiệm cụ thể tại nhà máy, ví dụ như kiểm tra siêu âm các khớp hàn của lò phản ứng hạt nhân.
Sinh viên Việt Nam đang thực tập tại Volgodonsk (nhà máy điện hạt nhân Rostov)
Đưa sinh viên Việt Nam đến các công trình như vậy là việc hoàn toàn có cơ sở. Phó giám đốc Trung tâm năng lượng nguyên tử Vladimir Kondakov cho biết:
"Sinh viên Việt Nam tập trung học tập có hiệu quả và đạt kết quả xuất sắc. Họ học tập tốt và chuẩn bị cho công việc thực tập. Nếu ở các năm dưới họ gặp khó khăn về tiếng Nga, thì lên các năm trên họ đã khắc phục được vấn đề đó. Sinh viên Việt Nam nắm được tất cả mọi chi tiết thiết kế và hoạt động của nhà máy, hệ thống kiểm soát và vận hành, cũng như vấn đề an toàn bức xạ hạt nhân."
Sinh viên Việt Nam đang thực tập tại Volgodonsk (nhà máy điện hạt nhân Rostov)
Năm 2017, nhóm sinh viên hạt nhân Việt Nam đầu tiên sẽ tốt nghiệp. Sinh viên năm thứ nhất hôm nay sẽ nhận được bằng tốt nghiệp vào năm 2021. Sau khi tốt nghiệp, các nhân viên nhà máy điện hạt nhân tương lai phải đi lao động thực tế 2-3 năm. Hoặc tại các nhà máy điện hạt nhân của Nga, hoặc ở trung tâm đào tạo, mà Rosatom sẽ xây dựng ở Việt Nam. Những người qua thực tập sẽ nhận cấp giấy phép để làm việc tại các nhà máy điện hạt nhân.
Theo ông Kondakov, hai trăm chuyên gia gần như là toàn bộ nhân viên trình độ đại học cho nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam.
Theo Sputnik