Mỹ “biểu diễn” ủng hộ Thổ
Vào tháng 11/2016, Mỹ tuyên bố sẽ không hỗ trợ quân sự cho quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và phe nổi loạn được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn ở miền bắc Syria nữa. Mỹ làm như vậy vì không hài lòng với việc quân Thổ ở Syria tấn công dữ dội vào SDF- lực lượng dân chủ Syria do người Kurd thành lập (là lực lượng ủy thác chính của quân đội Mỹ trong cuộc chiến chống IS).
Tuy nhiên, sau đó Mỹ cũng đã trở lại yểm trợ cho quân đội Thổ Nhĩ Kỳ. Vào hôm 30/12, Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố Mỹ đã tấn công IS ở al-Bab ngay sau lời đề nghị của Thổ. Mỹ không xác nhận hay phủ nhận thông tin này. Nhưng sau đó người phát ngôn Lầu Năm Góc đã giải thích rằng không quân Mỹ quả thực đã xuất kích hỗ trợ quân Thổ.
Khi được hỏi là liên minh của Mỹ hay máy bay của Mỹ đã hỗ trợ chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ ở al-Bab, ông Peter Cook, Thư ký báo chí của Lầu Năm Góc trả lời rằng: “Theo như tôi biết, tuần trước đã có một lời đề nghị từ phía Thổ Nhĩ Kỳ, khi quân Thổ bị chỉ trích vì hậu thuẫn trên không thì cùng lúc đó, liên minh đã tiến hành những chuyến bay hỗ trợ”.
Tuy nhiên điều thú vị là Mỹ cũng tuyên bố chiến đấu cơ nước điều đi thực sự chưa ném một quả bom nào mà chỉ hỗ trợ cho quân đội Thổ Nhĩ Kỳ bằng cách tiến hành phô trương lực lượng ủng hộ quân Thổ. Như vậy, Peter Cook khẳng định đó chỉ là một chuyến bay biểu diễn hơn là hành vi tấn công. Và thực tế người ta cũng chưa chứng kiến vụ tấn công nào vào al-Bab theo dữ liệu từ liên quân.
Ông Peter Cook nói Mỹ vẫn tiếp tục đàm phán với chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ về mức độ ủng hộ phù hợp đối với những hoạt động ở al-Bab và đó là một cuộc đối thoại vẫn còn chưa có hồi kết.
Theo Russia Insider, điều này khá kỳ cục. Đầu tiên Mỹ yểm hộ đường không cho quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, sau đó họ ngừng hỗ trợ, và giờ đây Washington lại quay trợ lại yểm trợ trên không bằng cách bay qua chiến trường để biểu dương sức mạnh.
Trong bất kỳ trường hợp nào, người phát ngôn Lầu Năm Góc cũng nhắc đi nhắc lại rằng Mỹ tiếp tục đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ về al-Bab, tiếp tục hợp tác với Thổ chống lại IS trên mọi cấp độ, đánh giá cao sự hi sinh của quân Thổ trong cuộc chiến chống IS và Mỹ muốn làm tất cả những gì có thể để giúp đỡ Thổ Nhĩ Kỳ trong việc này. Nói cách khác, Mỹ đang cân nhắc tái khởi động nhiệm vụ tấn công để hỗ trợ quân đội Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria (đặc biệt nếu như Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý sẽ nhân nhượng về vấn đề người Kurd).
Toan tính của Nga
Ngoài việc tuyên bố các cuộc không kích của Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ cũng liên tục nhắc lại sự ủng hộ của Nga đối với nước này thông qua những cuộc không kích vào IS ở ngoại ô thành phố al-Bab.
Tin tức về việc Nga yểm trợ hỏa lực không quân cho Thổ Nhĩ Kỳ và lực lượng phiến quân được Thổ hậu thuẫn quanh al-Bab cũng phù hợp với lệnh ngừng bắn mà Nga-Thổ làm trung gian giữa quân đội Syria và tất cả các nhóm phiến quân khác trừ IS và Al-Qaeda.
Đây là một thỏa thuận có lợi cho chính phủ Syria và Nga vì họ được rảnh tay đối phó với al-Qaeda và IS, và do đó họ có thể trừ khử sức mạnh của phiến quân mà không xâm phạm đến hiệp định ngừng bắn.
Có khả năng động thái thể hiện ủng hộ quân sự cho Thổ Nhĩ Kỳ và các lực lượng nổi dậy trong cuộc chiến chống IS ở al-Bab là một cái giá phải trả.
Đồng thời dễ hiểu rằng Matxcơva sẽ không muốn quảng bá điều này. Điều đó có nghĩa Nga hiện đang hỗ trợ cho chính lực lượng đã phục kích, bắn rơi máy bay Su-24 của Nga ở biên giới Syria-Thổ vào năm 2015 và hiện cũng đang hỗ trợ cho cuộc xâm chiếm bất hợp pháp vào lãnh thổ của đồng minh Syria.
Điều này cũng có nghĩa là Nga đang hỗ trợ đường không cho cả nhóm phiến quân Ahrar al-Sham, lực lượng mà mới tháng 9/2016, Nga còn coi là một nhóm khủng bố và bị loại trừ ra khỏi hiệp định ngừng bắn vì mối quan hệ với nhánh của al-Qaeda ở Syria. Cho dù vậy, cuối cùng để công bằng thì Matxcơva đã nhượng bộ điều này theo yêu cầu của Mỹ trong thỏa thuận ngừng bắn tháng 2/2016 và 9/2016, và Nga có thể đưa ra những điều khoản tệ cho Thổ Nhĩ Kỳ hơn cả những điều đồng ý với Mỹ. (hỗ trợ trên không cho các lực lượng phiến quân khác chống lại IS không phải là vấn đề. Matxcơva đã thể hiện sự sẵn sàng hành động như vậy kể từ năm 2015 và thậm chí còn tuyên bố thực hiện nhiều nhiệm vụ như vậy).
Người ta nhận thấy Nga đang bị ràng buộc vào một số thỏa hiệp ở Syria mà Mỹ cũng bị ràng buộc tương tự. Nga cần sự hợp tác của Thổ Nhĩ Kỳ nhưng các điều khoản của Thổ lại làm phức tạp mối quan hệ với chính phủ Syria. Mỹ cũng cần lôi kéo Thổ Nhĩ Kỳ về phía mình nhưng các điều kiện của Ankara khiến quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với người Kurd trở nên bất khả thi.
Tuy nhiên, Nga vẫn có khoảng thời gian dễ thở hơn vì tuy sự can thiệp của Thổ Nhĩ Kỳ xâm phạm đến chủ quyền của Syria nhưng mục đích chính lại là nhằm vào người Kurd. Người Kurd ở Syria coi sự xâm lược của Thổ Nhĩ Kỳ là một lời đe dọa tới tham vọng thành lập một nhà nước độc lập của họ trong khi Damacus có thể sẽ tạm thời làm ngơ việc này và biến đó thành một lợi thế.
Còn Mỹ gặp giai đoan khó khăn trong hành động vì họ đã theo đuổi nhiều mục đích cùng một lúc và do đó phải cùng lúc vừa ủng hộ và vừa chống lại các phía trong cuộc nội chiến nhiều bên ở Syria.
Nga-Mỹ - Đồng minh bất đắc dĩ?
Lần duy nhất và là gần đây nhất Mỹ và Nga sát cánh chiến đấu chống lại một kẻ thù chung là trong hai cuộc chiến tranh thế giới, khi họ vô tình trở thành đồng minh của nhau. Thậm chí sau đó hai quốc gia không bao giờ chiến đấu cùng nhau mà chiến đấu trên những chiến trường tách biệt, ở những nơi khác nhau.
Kể từ khi Nga tham gia vào cuộc chiến ở Syria, họ đã dội bom vào cùng một đối thủ, đôi khi còn cùng chung trên một chiến trường với Mỹ. Tuy nhiên, họ làm như vậy không phải để ủng hộ cho cùng một lực lượng. Nga ủng hộ cho SDF nhưng chỉ ở trên khu vực Afrin, trong khi Mỹ hỗ trợ cho SDF ở mọi nơi trừ Afrin.
Hiện nay, việc không quân Nga bay hỗ trợ chiến đấu cho quân đội Thổ Nhĩ Kỳ chống IS và việc quân đội Mỹ giúp Thổ biểu dương sức mạnh cho thấy Nga và Mỹ đang cùng ủng hộ một lực lượng. Họ không phải là bạn bè cũng không phải đồng minh, nhưng dù muốn hay không thì ít nhất tình thế thúc đẩy họ đang cùng ở al-Bab, lần đầu tiên đứng cùng một phía trong cuộc chiến.
Một khi ông Donald Trump chính thức tiếp nhận quyền lực, nếu ông Trump theo đúng như những ý định đã tuyên bố để xem liệu quan hệ với Nga có được cải thiện hay không, ông chắc chắn sẽ vấp phải sự chỉ trích gay gắt từ Đảng Dân chủ.
Những quan chức ở Matxcơva và Washington có thể chỉ là đang cạnh tranh để giành thiện cảm của Ankara. Nhưng lúc mà phi công Nga và Mỹ nhận ra họ đang mạo hiểm tính mạng và các máy bay trị giá hàng triệu USD để cùng giúp cho một quân đội tiến đánh một thành phố bé nhỏ ở Syria, có cớ gì để quan hệ giữa họ ở mức thấp nhất trong 30 năm qua?