Nga ra tay khiến đối thủ choáng váng, Mỹ thất thế ở Trung Đông

VietTimes -- Những sự kiện gần đây đã kiểm chứng sự thật rằng thời đại Mỹ thống trị Trung Đông đã kết thúc. Sự trở lại của Nga ở khu vực này trong vai trò một nhân tố trung gian mới nhất đã mang lại thành công đáng kinh ngạc, phản ánh ưu thế ngày càng tăng lên của Nga trên trường quốc tế.
Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Ai Cập A. Sisi
Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Ai Cập A. Sisi

Dù thích hay không thì ai cũng phải thừa nhận rằng ảnh hưởng của Nga ở Trung Đông cũng đang tăng lên nhanh chóng. Khi tổng hợp các sự kiện lại, ta sẽ có một bức tranh toàn cảnh rõ ràng, đó là ảnh hưởng của Nga đang ngày càng mạnh lên, trở thành một nước buộc các nước trong khu vực phải hợp tác.

Mátxcơva vừa ký một thỏa thuận mang tính đột phá xây dựng hai lò phản ứng hạt nhân ở Ả Rập Xê-út. Bốn nước khác bao gồm cả Mỹ cũng đã tham gia đấu thầu những đã thất bại vì Nga đưa ra giá rẻ hơn, hiệu quả cao hơn và các điều khoản cũng tốt hơn.

Trong buổi tiếp Bộ trưởng Bộ năng lượng Nga Aleksandr Novak, vua Saudi Salman cho rằng hai nước cần tăng cường hợp tác. Được biết Mátxcơva đã ký hợp đồng xây dựng lò phản ứng hạt nhân ở Jordan (2015) và Ai Cập (2017). Aramco, công ty dầu mỏ quốc doanh của Ả-rập Xê-út, đang có kế hoạch đầu tư 20 tỷ USD vào các dự án khí đốt hóa lỏng của Nga.

Trong tháng này, Bộ Quốc phòng Nga đang tiến hành đàm phán với Li-băng về một thỏa thuận hợp tác quân sự, bao gồm cho các tàu hải quân thăm cảng, hoạt động tìm kiếm và cứu hộ hải quân, cuộc chiến chống cướp biển, sử dụng các sân bay làm điểm dừng chuyển tiếp cho các máy bay quân sự, các cuộc tập trận chung, trao đổi thông tin, và các chuyên gia quân sự Nga đào tạo cho binh lính Li-băng.

Căng thẳng hiện nay đang gia tăng khi Israel và Li-băng không giải quyết được những khác biệt về biên giới trên biển. Cho đến nay những nỗ lực hòa giải do Mỹ dẫn đầu chưa đem lại kết quả gì. Có lẽ cơ hội đàm phán thành công sẽ cao hơn nếu Mátxcơva tiếp nhận vai trò trung gian hòa giải - sứ mệnh mà Nga từng phô diễn kỹ năng ở Trung Đông. Và thỏa thuận có thể sẽ dễ dàng đạt được vì có các công ty của Nga tham gia vào dự án.

Các nước có liên quan đến việc khai thác các mỏ khí ngoài khơi, chẳng hạn như Israel, Li-băng, Síp và Thổ Nhĩ Kỳ, đang hợp tác hết sức tốt đẹp với Mátxcơva. Đó là lợi thế duy nhất mà Mỹ lại không có. Nga không ủng hộ bên nào cả và duy trì một mối quan hệ hữu nghị với tất cả các bên để tạo cơ hội tốt hơn cho các giải pháp ngoại giao.

Mùa hè năm ngoái, Mátxcơva và Baghdad ký một thỏa thuận mua bán vũ khí lớn. Theo Bộ Quốc phòng Iraq, lô đầu tiên của xe tăng chiến đấu hiện đại T-90 đã đến Iraq hôm 15/2. Theo thỏa thuận, cả thảy có 73 chiếc xe tăng như vậy. Thỏa thuận này được hai bên thúc đẩy nhờ sự phô diễn thành công của T-90 trong cuộc nội chiến Syria.

Được biết chính phủ Iraq đã yêu cầu Nga đưa Iraq vào tiến trình hòa bình Astana để chấm dứt cuộc chiến tại Syria. Nước này cũng đã đạt được một thỏa thuận với Mỹ về việc cắt giảm mạnh sự hiện diện quân sự của Mỹ trên đất Iraq.

Ngay trước khi Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson thăm Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố đã tiến hành thêm một cuộc thương lượng với Nga để mua lô hệ thống tên lửa phòng thủ tầm xa S-400 thứ hai vào năm 2021. Hệ thống này không tương thích về mặt kỹ thuật với thiết bị của NATO, vì vậy nó sẽ phải tách rời khỏi cơ sở hạ tầng của liên minh.

Tên lửa S-400 Nga được nhiều nước quan tâm
Tên lửa S-400 Nga được nhiều nước quan tâm

Gần đây, các nhà lãnh đạo trong phong trào giành quyền tự trị cho Palestine đã tới Nga với mong muốn tìm một nhà đàm phán mới cho Trung Đông thay cho Mỹ. Khu vực đang phải đối diện với nhiều vấn đề cần phải được giải quyết bằng các biện pháp quốc tế. Nga có thể làm những điều không ai đủ khả năng hay sẵn sàng thực hiện, đó là tổ chức và chủ trì một hội nghị quốc tế bao trùm để thúc đẩy hòa bình giữa Israel và Palestine.

Đại hội đối thoại dân tộc Syria do Nga bảo trợ được tổ chức vào cuối tháng 1/2018 là một bước đi tiến đến ổn định cuộc xung đột Syria. Vai trò ngoại giao của Mỹ ở Syria hiện nay rất nhỏ. Mỹ thậm chí còn không phải là một đối tác tích cực trên diễn đàn duy nhất mà nước này tham gia, chính là cuộc đàm phán Geneva do Liên Hợp Quốc làm trung gian.

Nga hiện nay đang kêu gọi sự hưởng ứng hòa giải ở Syria. Đây là bên duy nhất có thể ngăn chặn cuộc xung đột sắp diễn ra giữa Israel và Iran, đồng thời giúp đưa ra một thỏa thuận cho hai nước. Nga cũng có thể làm trung gian hòa giải giữa Iran và Ả-rập Xê-út.

Sochi có vẻ là một nơi quan trọng đối với các sáng kiến hòa bình mang tính ngoại giao. Nga gần đây đã đề nghị tổ chức các cuộc đàm phán giữa chính phủ Afghanistan và Taliban ở thành phố này. Có lẽ trong thời gian sắp tới Sochi sẽ được đón nhiều nhà ngoại giao và phóng viên nước ngoài tới thành phố này.

Một sự kiện quan trọng khác đã trôi qua mà hầu như không được truyền thông chú ý. Đó là vào ngày 13/2, Giám đốc cục tình báo nước ngoài của Nga, ông Sergey Naryshkin đã tọa đàm với Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi tại Cairo để thảo luận về hợp tác an ninh.

Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh Ai Cập đang tiến hành chiến dịch quân sự quy mô lớn nhằm dập tắt các hoạt động khủng bố trên bán đảo Sinai. Nó diễn ra đúng một ngày sau khi Tổng thống Ai Cập gặp Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson. Nga và Ai Cập cũng đang đàm phán về thỏa thuận quân sự có thể cho phép hai nước tiếp cận không phận và căn cứ hải quân của nhau.

Ngoài ra, tình hình ở Libya lúc này hết sức phù hợp với chương trình nghị sự song phương. Nga đang có những bước tiến lớn trong việc đưa tất cả các phe phái ở Libya tham gia vào cuộc đối thoại hòa bình..

Những sự kiện gần đây đã kiểm chứng sự thật rằng thời đại Mỹ thống trị Trung Đông đã kết thúc. Sự trở lại của Nga ở khu vực này trong vai trò một nhân tố trung gian mới nhất đã mang lại thành công đáng kinh ngạc, phản ánh ưu thế ngày càng tăng lên của Nga trên trường quốc tế.