Phe nổi dậy trong gần hai năm qua đã liên tục bị máy bay Nga ném bom và khu vực kiểm soát ngày càng bị thu hẹp do sự đàn áp của quân đội chính phủ. Chương trình tài trợ trong bốn năm qua của CIA đã lên tới 1 tỷ USD và một số vũ khí do CIA cung cấp đã rơi vào tay của nhóm phiến quân có quan hệ mật thiết với Al Qaeda, do đó Quốc hội Mỹ đã lên án gay gắt về chương trình tốn kém lại không hiệu quả này.
Cho dù một số người phê phán ông Trump là chấm dứt chương trình hành động này chỉ để xoa dịu Putin, nhưng trên thực tế chính quyền ông Trump và ông Obama đã đồng quan điểm về chương trình này, và đó là điểm hợp nhau hiếm hoi giữa hai chính quyền về chính sách an ninh quốc gia.
Trước khi chấm dứt chương trình hành động của CIA, một trong những chương trình đắt đỏ nhất nhằm trang bị vũ khí và huấn luyện phe đối lập ở Syria, chính quyền ông Trump cũng đã phải tính đến những thành công và thất bại của chương trình này.
Phe phản đối cho rằng chương trình này quá tốn kém lại không hiệu quả. Trong khi đó những người ủng hộ lại bao biện rằng những thành tựu của chương trình này mang lại hết sức to lớn trong điều kiện chính quyền ông Obama trước đây đặt qua nhiều hạn chế lên kế hoạch ngay từ khi bắt đầu.
Phe diều hâu Mỹ cho rằng trong một số thời điểm thì chương trình này cũng mang lại "thành công" nhất định cho phía Mỹ. Năm 2015, phiến quân đã dùng tên lửa tiêu diệt xe tăng do CIA và Ả Rập Xê-út cung cấp khiến quân đội chính phủ phải bỏ chạy ở miền bắc Syria.
Nhưng vào cuối năm 2015, quân đội Nga đã bắt đầu triển khai chiến dịch tấn công ở Syria, tập trung vào phiến quân được CIA hậu thuẫn chống đối quân đội chính phủ Syria. Kể từ đó vận mệnh của phe nổi dậy ở Syria đã bị đảo ngược.
Charles Lister, một chuyên gia Syria tại Viện Trung Đông, cho biết ông không ngạc nhiên khi chính quyền ông Trump lại nhanh chóng chấm dứt chương trình huấn luyện và trang bị vũ khí cho hàng nghìn phiến quân Syria. (Trước đây, Lầu Năm Góc cũng triển khai một chương trình trị giá 500 triệu USD để huấn luyện và trang bị cho 15.000 quân nổi dậy của Syria trong ba năm, nhưng chương trình này cũng đã bị hủy bỏ vào năm 2015 sau khi chỉ đào tạo được vài chục tay súng).
“Tôi sẽ đổ lỗi cho chính quyền ông Obama. Họ chưa bao giờ cung cấp đủ nguồn lực hay không gian để tạo động lực trên chiến trường. Họ chỉ tài trợ đủ để phiến quân có thể sống sót chứ không đủ để trở thành một nhân tố thống trị trên chiến trường", Lister nói.
Ông Trump đã hai lần công khai chỉ trích kế hoạch này. Sau khi Washington Post công bố quyết định của ông Trump, ông đã đăng tải trên trang Twitter rằng ông đã chấm dứt “một khoản chi trả lớn, nguy hiểm và lãng phí cho phiến quân chống lại Assad". Lần khác, trong một cuộc phỏng vấn với tờ Wall Street Journal hồi tháng trước, ông Trump cũng cho biết rất nhiều vũ khí do CIA hậu thuẫn đã rơi vào tay Al Qaeda, hay là Mặt trận Al Nursa - lực lượng thường chiến đấu cùng phiến quân được CIA hậu thuẫn.
Michael V. Hayden, cựu giám đốc C.I.A. Giám đốc, cho rằng lời bình luận của Tổng thống Trump có thể khiến cơ quan này tạm dừng hoạt động vì không biết ông sẽ quyết chi bao nhiêu cho các hoạt động bí mật trong tương lai.
Tướng Raymond A. Thomas III, Chỉ huy Bộ Chỉ huy Hoạt động Đặc biệt của Mỹ, trong một cuộc hội nghị vào tháng trước cho biết việc chấm dứt Chiến dịch của C.I.A ở Syria là một "quyết định hết sức cứng rắn".
"Ít nhất là từ những gì tôi biết về chương trình đó và quyết định chấm dứt nó, đó không hoàn toàn là một phần thưởng dành cho Nga", ông Raymond nhận định. “Điều này là dựa trên đánh giá bản chất của chương trình và mục đích mà chúng ta đang cố gắng đạt được".
Trong khi đó phát ngôn viên của CIA từ chối bình luận về vấn đề này.
Trước đây, Tổng thống Barack Obama đã miễn cưỡng chấp thuận chương trình vào năm 2013 vì chính quyền Obama đã phải rất vất vả để ngăn chặn đà chiến thắng của lực lượng quân đội trung thành với Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Và chương trình này đã nhanh chóng trở thành nạn nhân của các liên minh thay đổi liên tục trong cuộc nội chiến đã kéo dài 6 năm ở Syria và cũng do tầm nhìn hạn chế của quân đội và tình báo Mỹ về những gì đang diễn ra.
Một khi các tay súng do CIA huấn luyện tiến vào Syria, các nhân viên CIA rất khó kiểm soát họ. Việc một số vũ khí của CIA trang bị cho phiến quân đã rơi vào tay lực lượng Mặt trận Al Nursa đã cho thấy nỗi lo sợ của một số thành viên Nhà Trắng khi chương trình này được triển khai là hoàn toàn chính xác.
Cho dù Mặt trận Al Nursa được coi là lực lượng chiến đấu hiệu quả chống lại quân đội chính phủ nhưng vì đó là phiến quân liên minh với nhóm khủng bố Al Qaeda nên chính quyền Obama không thể trực tiếp ủng hộ cho nhóm vũ trang này.
Các sĩ quan tình báo Mỹ ước tính rằng Mặt trận Nusra hiện có tới 20.000 chiến binh tại Syria, và cũng là liên minh lớn nhất của Al Qaeda. Không giống như các tổ chức liên minh khác của Qaeda như Al Qaeda ở bán đảo Ả Rập, Mặt trận Nusra từ lâu đã tập trung vào cuộc chiến với chính phủ Syria hơn là lên kế hoạch cho các cuộc tấn công khủng bố vào Mỹ và châu Âu, nhưng nguy cơ vẫn rất cao.
Trước đó, vào mùa hè năm 2012, ông David H. Petraeus, người sau này trở thành Giám đốc C.I.A, lần đầu tiên đề xuất một chương trình bí mật về trang bị vũ khí và đào tạo phiến quân. Đề xuất gây ra một cuộc tranh luận trong chính quyền của ông Obama. Một số trợ lý hàng đầu của ông Obama cho rằng chiến trường hỗn loạn của Syria sẽ khiến CIA gần như không thể đảm bảo được rằng vũ khí do họ cung cấp sẽ không rơi vào tay các lực lượng như Mặt trận Al Nursa. Và ông Obama cũng đã bác bỏ kế hoạch này.
Nhưng một năm sau ông lại đột ngột thay đổi quyết định khi cho phép CIA bí mật trang bị vũ khí và huấn luyện các nhóm phiến quân nhỏ tại các căn cứ ở Jordan. Quyết định này một phần là do sự vận động mạnh mẽ của các lãnh đạo nước ngoài như Vua Abdullah II của Jordan và Thủ tướng Benjamin Netanyahu của Israel, những người cho rằng Mỹ nên đóng vai trò chủ động hơn trong nỗ lực chấm dứt xung đột.
Với mật danh là Timber Sycamore, chương trình bí mật này bắt đầu một cách chậm chạp, nhưng đến năm 2015, các nhóm nổi dậy được C.I.A hậu thuẫn đã có những tiến bộ đáng kể, tiến vào các khu vực vốn được coi là thành trì của quân đội chính phủ. Động lực chiến đấu này là nhờ CIA và Ả Rập Xê-út đã bắt đầu cung cấp các vũ khí hủy diệt xe tăng uy lực đối với các nhóm phiến quân.
Nhưng phiến quân khi tiến vào các tỉnh Idlib, Hama và Latakia ở miền bắc Syria cũng gây ra những rắc rối cho Washington. Mặt trận Al Nursa thường chiến đấu cùng nhóm phiến quân do CIA hỗ trợ đã chiếm lấy những khu vực này.
Và đó là cái cớ để Tổng thống Nga Putin đưa quân vào Syria từ năm 2015. Chiến dịch ném bom không thương tiếc của ông Putin vào các lực lượng do CIA hậu thuẫn và Al Nursa đã đánh tan phiến quân và buộc chúng phải rút lui.
Chương trình này cũng phải chịu một số trở ngại khác. Việc trang bị vũ khí và huấn luyện cho lực lượng đối lập diễn ra ở Jordan và Thổ Nhĩ Kỳ và có lúc các sĩ quan tình báo của Jordan đã ăn cắp các vũ khí của CIA và bán ở chợ đen. Không chỉ vậy, vào tháng 11, một lính Jordan đã bắn chết 3 lính Mỹ, những người từng huấn luyện phe nổi dậy trong chương trình của CIA.
Các quan chức Nhà Trắng cũng nhận được báo cáo định kỳ rằng lực lượng đối lập được CIA huấn luyện đã vi phạm các luật xung đột vũ trang. Đôi lúc báo cáo còn khiến CIA phải tạm thời ngừng hợp tác với các nhóm phiến quân bị cáo buộc hành động sai trái.
Ông John O. Brennan, Giám đốc CIA cuối cùng của chính quyền Obama vẫn hết sức bảo vệ chương trình này cho dù có những chia rẽ bên trong cơ quan tình báo này về tính hiệu quả của dự án. Nhưng vào năm cuối cùng của nhiệm kỳ Obama, rất nhiều người trong Nhà Trắng đã ngừng ủng hộ chương trình này, đặc biệt là sau khi ưu tiên hàng đầu của Mỹ ở Syria là chống IS hơn là lật đổ chế độ Assad.
Trong một cuộc họp tại Phòng Tình huống ở Nhà Trắng vào cuối nhiệm kỳ của ông Obama, trong khi những nhóm đối lập do CIA hậu thuẫn tiếp tục mất lãnh thổ chiếm đóng khi bị Nga dội bom, ông Brennan vẫn cho rằng Mỹ nên tiếp tục ủng hộ nỗ lực lật đổ Assad. Nhưng bà Susan E.Rice, cố vấn an ninh quốc gia đã phản đối. “Đừng nhầm lẫn nữa. Ưu tiên của tổng thống ở Syria là chống IS".
Với sự trợ giúp của máy bay Nga, quân đội chính phủ Syria đang dần giành lại được các khu vực gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và cuối cùng cũng đánh đuổi được nhiều nhóm phiến quân, chiếm lại nhiều khu vực lãnh thổ quan trọng.