|
Hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga ở Syria |
“Mỗi ngày, chúng tôi đều suýt nhầm lẫn giữa máy bay thông thường với những vũ khí tân tiến và điều này có thể dẫn đến leo thang xung đột", tướng James M. Mike Holmes phát biểu tại một sự kiện của Liên hiệp Không quân hồi đầu tuần này.
Cuộc chiến ở Syria đã trở nên nguy hiểm và phức tạp hơn kể từ tháng 9/2015, với sự tham gia của quân đội Nga hỗ trợ cho chính phủ tổng thống Syria Assad. Quân đội Nga và Mỹ ngay sau đó đã thiết lập đường dây liên lạc ngăn xung đột ở Trung tâm hoạt động không vận của Mỹ kết nối trực tiếp với căn cứ của Nga. Nhưng từ tháng 4 vừa qua, tình hình đã trở nên căng thẳng hơn khi Mỹ phóng 59 quả tên lửa Tomahawk tấn công căn cứ không quân al-Shayrat của Syria.
Vào tháng 6/2017, chiến đấu cơ F/A-18 Super Hornet của hải quân Mỹ đã bắn hạ máy bay cường kích Su-22 của Syria trong khi đang hoạt động ở Syira. Chính phủ Nga ngay sau đó đã đe dọa sẽ coi bất kỳ máy bay nào của Mỹ và liên quân xuất hiện ở phía tây sông Euphrates là mục tiêu. Theo Defense One, bờ tây sông Euphrates là khu vực mà Nga và chính phủ Syria đang triển khai các chiến dịch trấn áp lực lượng phiến quân. Còn Mỹ đang chủ yếu hoạt động ở bờ đông với mục tiêu tuyên bố là chống IS.
Hiện nay, Nga đang khiến Mỹ khó khăn hơn ở Syria. Nga đã triển khai một số hệ thống phòng không tối tân nhất tới Syria, trong đó có các khẩu đội tên lửa chống máy bay S-300 và S-400 mà Nga tuyên bố là có thể bắn hạ tên lửa Tomahawk của Mỹ. Ngoài ra, radar trang bị trên các máy bay phản lực cũng càng làm tăng nguy cơ xảy ra xung đột giữa hai bên.
“Khi Nga mang đến Syria những hệ thống tiên tiến hơn, chúng tôi đã luôn phải bay trong tầm bắn của các hệ thống này. Giờ đây, nếu bạn đang bay dọc tuyến phi xung đột và nhìn thấy quân đội Iran đang uy hiếp các máy bay liên quân ở Syria, bạn sẽ bị các hệ thống phòng không cùng các radar không đối không của Nga và Syria chiếu xạ và rất khó để phân biệt được hiểm họa”, ông Homes trình bày.
Mỹ cũng phải đối mặt với nguy cơ ngày càng cao về việc xác định nhầm mục tiêu vì cả Nga và Syria đều triển khai máy bay cường kích Su-24 tấn công phiến quân, cũng như dùng chung các thiết bị và công cụ tình báo khác.
“Nếu có một máy bay tiến về phía liên quân, đó có thể là máy bay do cả Nga và Syria cùng sử dụng. Nếu đó là máy bay của Nga, nó sẽ chỉ quan sát. Còn nếu đó là máy bay của Syria, có thể nó sẽ tấn công liên quân. Do đó chúng tôi không có đến nửa giây để quyết định xem có nên tấn công máy bay đó hay không", ông Homes bộc bạch những khó khăn của Mỹ.
Ông Holmes cũng bày tỏ sự khen ngợi rằng các phi công Mỹ đang làm rất tốt trong một môi trường hết sức phức tạp như vậy. Và dù đường dây nóng ngăn ngừa xung đột với Nga vẫn còn hoạt động, tình hình vẫn nguy hiểm và còn có chiều hướng tệ hơn.
Theo Defense One, phi công Mỹ ở Syria hiện nay chẳng khác nào con ếch trong nồi nước đang đun sôi, buộc phải quen với nguy hiểm đến mức chẳng biết cái chết đang cận kề.