|
Phi công Nga tham chiến tại Syria |
Với nhiệm kỳ tổng thống của Barack Obama sắp kết thúc, nước Mỹ bận bịu công việc bầu cử, và lợi dụng thời cơ chính sách Syria của Washington lâm vào bế tắc, nước Nga của Vladimir Putin đang tăng gia nỗ lực giúp đồng minh Bashar al-Assad tiếp tục nắm quyền tại Damas. Vấn đề là dù biết rõ điều đó, nhưng phía Mỹ như vẫn bất lực trong việc đề ra một chính sách mới thỏa đáng hơn cho Syria.
Trong nhiều tuần lễ qua, bấp chấp sự phản đối của Mỹ và các nước phương Tây, lực lượng của chính quyền Syria, được Mátxcơva yểm trợ đã tăng cường chiến dịch tấn công nhằm đánh chiếm phần còn lại của thành phố lớn Aleppo còn nằm trong tay lực lượng đối lập Syria.
Về phần mình, nước Nga cũng tăng cường chi viện cho đồng minh Assad, với hai động thái mang tính chất biểu tượng cao là đưa dàn tên lửa phòng không hiện đại S-300 đến Syria, tạo nên một mối đe dọa không nhỏ cho chiến đấu cơ Mỹ đang thực hiện nhiệm vụ trong vùng, đồng thời phái hàng không mẫu hạm đến vùng biển ngoài khơi Syria để tăng cường cho lực lượng hải quân của mình.
Trên bình diện ngoại giao, một thỏa thuận ngừng bắn mà Washington dày công thương thuyết với Mátxcơva đã nhanh chóng tan vỡ trong thực tế, với cả hai bên đều quy trách nhiệm cho nhau về sự đổ vỡ. Điện Kremlin vẫn tiếp tục khẳng định rằng Nga vẫn sẵn sàng đối thoại để vãn hồi hưu chiến, nhưng quan chức Mỹ không mấy tin tưởng vì cho rằng mục tiêu thực thụ của Mátxcơva là giúp tổng thống Assad chiếm lại được Aleppo để giành thế thượng phong để có thể bước vào đàm phán với chính quyền mới tại Washington trong thế mạnh.
Dù biết được điều đó, nhưng Mỹ vẫn tỏ ra rất lúng túng trong việc tìm giải pháp, nhất là khi từ trước đến nay, chính quyền Obama đã cho thấy rõ thái độ e ngại, không muốn dấn sâu hơn vào Syria, cũng như ưu tiên cho ngoại giao hơn là vũ lực.
Trong những ngày qua, các ứng viên tổng thống Mỹ đều đòi chính quyền Obama phải mạnh tay hơn với Mátxcơva và Damascus, nhưng vấn không nói được là cụ thể là phải làm như thế nào. Ứng viên đảng Dân chủ Hillary Clinton đã gợi lên vấn đề thiết lập một vùng cấm bay, nhưng giới phân tích cho rằng khó có thể thực hiện điều này trong thực tế.
Theo AFP, hầu hết các nhà quan sát đều cho rằng nếu trở thành tổng thống, bà Clinton có thể sẽ cứng rắn hơn tổng thống Obama trong đối sách nhắm vào Mátxcơva và Damas.
Còn lập trường của ông Trump rất mù mờ. Ông từng nêu lên một chủ trương dứt khoát, có thể phái đến 30.000 lính Mỹ qua tiệu diệt lực lượng thánh chiến IS ngay tại Iraq và Syria. Tuy nhiên, ông lại rất mơ hồ về trường hợp tổng thống Assad, và đã nhấn mạnh ông sẵn sàng làm việc với ông Putin, cho rằng Mỹ phải tách xa khỏi các đồng minh cố hữu, và thôi đóng vai trò của một sen đầm quốc tế.
Đối với bà Danielle Pletka thuộc viện nghiên cứu Mỹ American Enterprise, hiện nay không một ứng cử viên tổng thống nào có một đối sách chặt chẽ và thuần nhất nhằm đối phó với cả Nga lẫn Trung Quốc. Trong bối cảnh đó, dĩ nhiên là cả Mátxcơva và Bắc Kinh đều sẵn sàng tận dụng lợi thế.
Chuyên gia này cho rằng nếu ông Putin đã cảm thấy được khuyến khích để tung hoành trong 8 năm vừa qua, thì sẽ không có lý do gì mà ông không tiếp tục đi xa hơn nữa trước thái đô mập mờ, thiếu quyết đoán mà tổng thống tương lại của nước Mỹ đã bộc lộ.