Nga quyết định công nhận hai nước cộng hòa ly khai ở đông Ukraine và phản ứng của các bên

VietTimes – Tổng thống Nga Putin đã ký lệnh công nhận hai nước cộng hòa ly khai ở đông Ukraine và đưa quân vào giúp; Ukraine, Liên Hợp Quốc và các nước phương Tây phản đối mạnh mẽ.
Ngày 21/2, Tổng thống Nga Putin đã kí lệnh công nhận nền độc lập của hai nước cộng hòa tự xưng ở đông Ukraine (Ảnh: AP).

Tình hình Nga và Ukraine tiếp tục nóng lên và có sự phát triển mới, tối ngày thứ Hai (21/2) Tổng thống Nga Putin đã có bài phát biểu và ký lệnh công nhận hai nước Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) và Cộng hòa Nhân dân Luhansk (LPR) ở miền Đông Ukraine là các quốc gia độc lập. Sau đó ông đã ra lệnh cho quân đội Nga tiến vào thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình ở hai nước cộng hòa này.

Ông Putin đã nói chuyện qua điện thoại với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm thứ Hai để thông báo trước về quyết định này. Ông đã có bài phát biểu dài gần một giờ đồng hồ, ôn lại lịch sử của Ukraine và Nga, nói rằng nước Ukraine hiện tại hoàn toàn được tạo ra bởi Nga, tức Đảng Bolshevik, nước Nga cộng sản; Lenin, lãnh tụ của Đảng Cộng sản Liên Xô, chính là "tác giả và người sáng lập" của Ukraine. Ông Putin cũng chỉ ra rằng Ukraine không có truyền thống của quốc gia mình. Ông cũng cảnh báo rằng Ukraine phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về những sự kiện đẫm máu có thể tiếp diễn nếu nước này không ngừng các hoạt động quân sự ở miền đông.

Vị trí của hai nước cộng hòa Luhansk và Donetsk vừa được Nga công nhận

Trước đó, ngày thứ Hai (21/2), ông Putin đã tổ chức một cuộc họp của Hội đồng An ninh Liên bang Nga tại Moscow; tại đó ông thông báo rằng quyết định sẽ được đưa ra trong ngày về việc có công nhận nền độc lập của Donetsk và Luhansk hay không. Các nguồn tin cho biết, Bộ trưởng Nội vụ Nga nói với ông Putin, Nga nên công nhận toàn bộ khu vực Donetsk và Luhansk là lãnh thổ hai nước cộng hòa. Phân tích cho rằng một khi Donetsk và Luhansk được Nga công nhận độc lập, quân đội Nga sẽ có đầy đủ lý do để đưa quân vào hai nước cộng hòa này.

Tổng thống Pháp cho biết trong một tuyên bố trước đó rằng Tổng thống Mỹ Biden và ông Putin đã chấp nhận về nguyên tắc lời mời của Tổng thống Macron tổ chức một cuộc họp trực tuyến để thảo luận về các vấn đề an ninh chiến lược của châu Âu. Tuy nhiên, Điện Kremlin hôm thứ Hai cho biết không có kế hoạch cụ thể nào cho cuộc gặp giữa hai người.

Ngày 21/2, ông Putin chủ trì cuộc họp Hội đồng An ninh Quốc gia Nga bàn việc công nhận DPR và LPR (Ảnh: AP).

Sau khi Nga công nhận nền độc lập của DPR và LPR, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã có bài phát biểu vào thứ Hai (21/2), nhấn mạnh rằng Ukraine sẽ không sợ hãi và sẽ không nhượng bộ bất cứ điều gì và đường biên giới được quốc tế công nhận của Ukraine sẽ được duy trì không đổi. Ông cáo buộc Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh cho quân đội Ukraine đồng nghĩa với việc chính thức rút khỏi "Thỏa thuận ngừng bắn Minsk" và kêu gọi Tổ chức Hợp tác An ninh châu Âu tổ chức một cuộc họp khẩn cấp kiểu Normandy và Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc triệu tập hội nghị khẩn cấp để bàn bạc.

Trong một bài phát biểu trên đài truyền hình quốc gia kéo dài hơn năm phút, ông Zelensky nhắc lại rằng Ukraine kiên trì hòa bình và vận dụng ngoại giao, sẽ không sợ bất cứ ai hay bất cứ điều gì, sẽ không giao bất cứ thứ gì cho bất kỳ ai. Ông nói: "Bây giờ không phải là tháng 2/2014, mà là tháng 2/2022 ", ý nói các lực lượng Quân đội chính phủ Ukraine không còn yếu ớt như khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014.

Bắn pháo hoa tại Donetsk mừng được Nga công nhận độc lập (Ảnh: AP).

Ngày 21/2, tướng Zaluzhny, Tổng tư lệnh Lực lượng vũ trang Ukraine, đã có cuộc điện đàm với Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley để đánh giá tình hình an ninh xung quanh Ukraine và thề sẽ bảo vệ đất nước.

Sau cuộc điện đàm, ông Zaluzhny cho biết trên trang mạng xã hội rằng Nga tiếp tục đóng quân gần biên giới Ukraine và gia tăng các hành động thù địch ở miền đông Ukraine, cũng như tăng cường hoạt động trong không gian mạng và thông tin. Zaluzhny nói ông đảm bảo với Milley rằng ông và cấp dưới của mình sẽ bảo vệ đất nước và gắng hết sức mình chống trả sức ép lên biên giới và quân đội Nga ở miền đông Ukraine.

Zaluzhny cũng nói rằng cuộc chiến bắt đầu từ năm 2014, (tức năm Nga sáp nhập Crimea), nói quân đội Ukraine "biết và sẽ làm tốt công việc của chúng tôi”. Nhưng ông cũng nhấn mạnh rằng cần phải đưa ra quyết định ngoại giao để đối phó với tình hình, tránh thương vong lớn.

Tướng Zaluzhny, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Ukraine (trái) tối 21/2 đã điện đàm với Chủ tịch Hội đồng TMT liên quân Mỹ Milley (Ảnh: Getty).

Trước tình hình ở miền đông Ukraine nhanh chóng diễn biến theo chiều hướng xấu vào thứ Hai (21/2, truyền thông Mỹ dẫn thông tin rằng chính quyền Biden đã thảo luận với chính phủ Ukraine rằng nếu Nga xâm lược Ukraine, Tổng thống Ukraine Zelenskiy đã được sơ tán khỏi thủ đô Kiev về thành phố Liv ở miền Tây chỉ cách biên giới Ba Lan 80 km.

Tuy nhiên, người phát ngôn của Tổng thống Ukraine nói, ông Zelensky và Tổng thống Mỹ Biden đã không thảo luận về khả năng thực hiện kế hoạch trên trong cuộc điện đàm hôm thứ Hai (21/2), không biết có các cuộc thảo luận giữa các quan chức Mỹ và Ukraine về vấn đề này hay không, Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ cũng từ chối bình luận. Các quan chức Washington cho rằng ông Zelensky đã thiếu khôn ngoan khi rời Kiev hôm thứ Bảy (19/2) để tới tham dự Hội nghị An ninh Munich ở Đức, không rõ liệu ông có thảo luận về vấn đề này khi gặp Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris hay không.

Các nguồn tin cho biết Kiev đã bí mật chuẩn bị để đáp trả hành động xâm lược của Nga, di chuyển cơ sở hạ tầng CNTT nhạy cảm và các yếu tố chỉ huy quân sự ra bên ngoài Kiev. Cựu đại sứ Mỹ tại Ukraine John Herbst cho biết Kiev đã có sẵn các kế hoạch dự phòng để chính phủ tiếp tục nắm quyền nhằm đảm bảo rằng trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công, chính phủ có thể hoạt động không bị xáo trộn, nhưng không nêu rõ nội các sẽ di chuyển đến nơi nào ở Ukraine.

Tổng thống Ukraine Zelensky phát biểu trên truyền hình hôm 21/2 lên án quyết định của Nga công nhận khu vực ly khai (Ảnh: Getty).

Các nhà lãnh đạo Pháp và Đức bày tỏ sự thất vọng trước quyết định của ông Putin, nhưng đồng thời cho biết họ sẵn sàng tiếp tục liên lạc với Nga. Tổng thư ký LHQ António Guterres lên án việc Nga vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine là không phù hợp với các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc.

Tổng thống Mỹ Biden cùng ngày ký lệnh hành pháp, cấm công dân Mỹ tiến hành các hoạt động giao dịch đầu tư, thương mại và tài chính mới với các khu vực Donetsk và Luhansk. Ngoài ra, chính phủ Mỹ đã yêu cầu Bộ Ngoại giao rút hết những nhân viên còn lại ở Ukraine.

Người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki nói Mỹ đã dự liệu Nga sẽ công nhận nền độc lập của Donetsk và Luhansk, đồng thời nhấn mạnh rằng các hạn chế mới đối với hai khu vực thân Nga sẽ không giống như những biện pháp trừng phạt đã đề cập trước đó nếu Nga xâm lược Ukraine.

Một quan chức cấp cao của chính phủ Mỹ cũng nói rằng chỉ với việc họ vào Donetsk và Luhansk để thực hiện các hoạt động gìn giữ hòa bình Mỹ có thể không nhất thiết áp đặt các biện pháp trừng phạt "nhanh chóng và nghiêm khắc" đối với Nga. Quan chức này nói rằng đó là do quân đội Nga đã đóng quân ở khu vực Donbass trong 8 năm qua, nhưng Mỹ sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga vào thứ Ba (22/2).

Quân đội Nga tiến vào miền đông Ukraine sau khi Tổng thống Putin tuyên bố công nhận nền độc lập của LPR và DPR (Nguồn: Dongfang).

Liên minh châu Âu chỉ trích việc Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố sẽ công nhận nền độc lập của hai khu vực thân Nga ở miền đông Ukraine là vi phạm luật pháp quốc tế. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đã ra tuyên bố chung lên án mạnh mẽ hành động của Nga. Tuyên bố chỉ trích quyết định này là vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế và thỏa thuận Minsk. EU sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với những người liên quan đến hành động bất hợp pháp này. Ngoại trưởng Anh Liz Truss cho biết các lệnh trừng phạt chống lại Nga cũng sẽ được Anh công bố vào thứ Ba (22/2).

Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin cho biết Điện Kremlin đã chuẩn bị cho việc ứng phó hậu quả của việc công nhận Donetsk và Luhansk từ nhiều tháng trước, như tìm nguồn nhập khẩu thay thế, phân tích các rủi ro liên quan đến quyết định này; tất cả các rủi ro đều đã được nghiên cứu kỹ lưỡng, đặc biệt là nhập khẩu công nghệ cao và những việc liên quan khác.