Nga phô trương sức mạnh, Trung Quốc “kề vai chiến đấu“

VietTimes -- Sự thân mật trong quan hệ Trung - Nga bao gồm tiến hành tập trận chung định kỳ là để đáp trả ảnh hưởng của Mỹ và NATO ở châu Âu và ảnh hưởng của Mỹ ở châu Á.
Hải quân Nga tổ chức tiếp đón biên đội tàu chiến Hải quân Trung Quốc đến Vladivostok, Nga để tham gia cuộc tập trận chung Joint Sea - 2017 giai đoạn hai. Ảnh: China.com.cn.

Từ ngày 18 - 26/9/2017, cuộc diễn tập Joint Sea 2017 giai đoạn hai giữa hải quân Trung Quốc và Nga được tổ chức ở biển Nhật Bản và vùng biển phía nam biển Okhotsk.

Theo tờ Nhật báo phố Wall Mỹ ngày 19/9, cuộc tập trận chung này vừa phản ánh quan hệ mới của hợp tác quân sự hai nước, vừa tạo cơ sở để Nga tăng cường phô diễn sức mạnh quân sự.

Giữa Nga và Trung Quốc hoàn toàn không tồn tại quan hệ đồng minh quân sự chính thức, nhưng hai nước đang phát triển công nghệ và trang bị thông dụng có thể sử dụng cho huấn luyện và tác chiến liên hợp Trung - Nga.

Chuyên gia vấn đề Trung Quốc Vasilii Cashin cho rằng hai nước Trung Quốc và Nga hy vọng tìm được phương thức hợp tác giữa quân đội hai bên từ "chi tiết".

Đồng thời, cuộc diễn tập quân sự "Phía Tây 2017" của Nga vẫn đang được tiến hành. Đây là một trong những cuộc tập trận có quy mô lớn nhất kể từ Chiến tranh Lạnh đến nay.

Đối với Nga, các cuộc tập trận gần đây cũng là một trong những thủ đoạn ngoại giao. Nga đang đối mặt với một số khó khăn trong những vấn đề còn để lại, chẳng hạn sau sự kiện Crimea năm 2014, phương Tây vẫn từ chối thừa nhận chủ quyền của Nga đối với Crimea, ngoài ra Nga còn đối mặt với sự trừng phạt rộng lớn của Mỹ.

Quân đội Nga cho biết cuộc tập trận chung Joint Sea - 2017 giai đoạn hai bắt đầu từ ngày 18/9/2017. Cuộc tập trận chung này đã cho thấy quan hệ mật thiết giữa Moscow với đối tác Trung Quốc.

Khi quan hệ căng thẳng giữa Nga với phương Tây ngày càng trầm trọng hơn, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày càng tìm cách kéo gần quan hệ với Trung Quốc.

Hải quân Nga tổ chức tiếp đón biên đội tàu chiến Hải quân Trung Quốc đến Vladivostok, Nga để tham gia cuộc tập trận chung Joint Sea - 2017 giai đoạn hai. Ảnh: China.com.cn.

Cùng với việc Mỹ gia tăng hiện diện quân sự ở khu vực Thái Bình Dương, Nga và Trung Quốc cũng đang tăng cường hợp tác quân sự song phương.

Năm 2016, Nga điều 2 tàu khu trục săn ngầm và 1 tàu đổ bộ tiến hành tập trận với Trung Quốc ở Biển Đông.

Sự thân mật trong quan hệ Trung - Nga phần nào là để đáp trả ảnh hưởng của Mỹ và NATO ở châu Âu và ảnh hưởng của Mỹ ở châu Á.

Chuyên gia quan hệ Trung - Nga Alexander Gabuyev từ Trung tâm Carnegie Moscow cho rằng mặc dù các nước thành viên NATO có sự phân công, nhưng Trung Quốc và Nga sẽ không như vậy, mà là tập làm thế nào để "kề vai chiến đấu".

Đối với quân đội Trung Quốc đang không ngừng mở rộng phạm vi hoạt động, cuộc tập trận ở Thái Bình Dương lần này cũng đã cung cấp cho họ kinh nghiệm triển khai hành động quân sự ở cách xa lãnh thổ.

Những năm gần đây, quy mô tàu ngầm tấn công hiện đại của Trung Quốc mở rộng nhanh chóng. Số lần tuần tra ngày càng thường xuyên, hành trình ngày càng xa, có thể xâm nhập các vùng biển của Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, nhưng thiếu kinh nghiệm tác chiến.

Nhà nghiên cứu Trương Quân Xã, Viện nghiên cứu học thuật quân sự hải quân Trung Quốc cho rằng cuộc tập trận lần này sẽ nâng cao rất lớn khả năng tác chiến phòng thủ trên biển và khả năng hành động biển xa cho Hải quân Trung Quốc.

Tàu chiến Hải quân Trung Quốc đến Nga tham gia tập trận chung. Ảnh: China.com.cn.

Ngoài ra, tác chiến dưới mặt nước là trọng điểm phát triển được Trung Quốc ngày càng coi trọng, cũng là một lĩnh vực Trung Quốc phải tích cực học tập từ Nga.