Theo AFP, Phó đại sứ Nga tại LHQ Petr Iliichev mô tả dự thảo nghị quyết của Malaysia là “không đúng thời điểm và phản tác dụng”. Ông Iliichev khẳng định Nga quyết chặn dự thảo này. Một ngày trước đó, Malaysia đã trình dự thảo lên Hội đồng Bảo an LHQ về việc lập tòa án.
Đại sứ Malaysia cũng họp với đại diện Nga và Trung Quốc để tìm kiếm sự ủng hộ. Dự thảo kêu gọi thành lập tòa án theo chương 7 của hiến chương LHQ. Điều đó có nghĩa là LHQ có thể cấm vận những kẻ bị tòa án truy tố.
Dự thảo khẳng định: “Tòa án sẽ là sự đảm bảo có hiệu quả cho một quy trình độc lập và công bằng”. Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cũng cho rằng một tòa án quốc tế là “sự lựa chọn tốt nhất” để truy tố các thủ phạm vụ MH17.
Tuy nhiên ông Rutte cũng cho biết các nước đã có “kế hoạch dự phòng” nếu Nga chặn dự thảo nghị quyết này tại HĐBA. Hiện Malaysia đang hợp tác với Úc, Bỉ, Hà Lan và Ukraine (các thành viên nhóm điều tra chung vụ MH17) để lập tòa án quốc tế.
Một nguồn tin của AFP tiết lộ hôm 8-7 đại sứ các nước Malaysia và Hà Lan tại LHQ đã gặp Đại sứ Nga Vitaly Churkin để thảo luận về dự thảo nghị quyết. Tuy nhiên ông Churkin nói họ cần phải chờ đợi kết quả cuộc điều tra vụ MH17 trước khi lập tòa án quốc tế.
Đại sứ Churkin cho rằng việc bỏ phiếu về dự thảo nghị quyết này tại HĐBA trong tháng này, nhân dịp tròn một năm thảm họa xảy ra, là “phi thực tế“. Trong khi đó, Trung Quốc nói với đai diện Hà Lan và Malaysia rằng nước này chỉ ủng hộ lập tòa án nếu 15 thành viên HĐBA đạt được sự đồng thuận chung.
Toàn bộ 298 hành khách và nhân viên phi hành đoàn trên chuyến bay MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines đã thiệt mạng khi máy bay bị bắn rơi ngày 17-7-2014. Chính quyền Ukraine và phương Tây cáo buộc quân ly khai thân Nga đã thực hiện tội ác này.
Nga bác bỏ cáo buộc trên và cho rằng chính quân đội Ukraine đã bắn rơi máy bay. Cuộc điều tra quốc tế do Hà Lan lãnh đạo sẽ công bố báo cáo điều tra cuối cùng vào tháng 10 tới.
Theo: Tuổi Trẻ