|
Bản đồ tình hình chiến trường chống IS, quân đội Syria kiểm soát 52% lãnh thổ - ảnh South Front |
Tác chiến phi tiếp xúc, phương án tối ưu chống sa lầy
Giai đoạn đầu tiên của cuộc chiến, nắm rất chắc nguồn gốc, nguyên nhân và tình hình diễn biến cuộc chiến Syria, tương quan lực lượng giữa các bên tham chiến, những tình huống có thể trên chiến trường từ phía kẻ thù, Nga lựa chọn giải phóng chiến tranh phi tiếp xúc, giới hạn bằng chiến dịch không kích yểm trợ quân đội Syria và tránh không bị lôi cuốn vào cuộc chiến.
Ý đồ chiến dịch can thiệp vũ trang phi tiếp xúc và tuyên bố của tổng thống Nga “Không quân Nga sẽ không không kích nếu quân đội Syria không tấn công” bị ràng buộc bởi mối quan ngại sâu sắc từ những kinh nghiệm đẫm máu của chiến trường Afghanistan.
Hơn nữa, theo mô tả từ phía tướng Qasem Soleimani, tư lệnh trưởng lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, khả năng hoạt động độc lập và năng lực tác chiến đấu quân đội Syria nếu có sự hỗ trợ từ lực lượng không quân Nga ở Khmeimim được đánh giá khá cao.
Nhưng ngay lập tức, thực tế chiến trường của những tháng đầu tiên cuộc chiến tranh cho thấy, năng lực tác chiến của quân đội Syria nằm ngoài cả dự đoán tồi tệ nhất của Bộ tổng tham mưu quân đội Nga. Quân đội Syria hoàn toàn không tồn tại như một lực lượng vũ trang có cơ cấu tổ chức, chỉ huy thống nhất, năng lực tổ chức chỉ huy, điều hành tác chiến của các sĩ quan quân đội Syria từ cấp chiến thuật đến cấp chiến lược chiến dịch rất thấp.
Trong chiến đấu, các đơn vị thuộc các quân binh chủng và các lực lượng hoàn toàn không thể liên kết phối hợp với nhau trong một hoạt động thống nhất, dù chỉ là ở cấp độ thống nhất về thời gian. Có những vấn đề đặc biệt nghiêm trọng trong liên kết phối hợp giữa lực lượng tiến công mặt đất, lực lượng yểm trợ đường không và pháo binh chiến trường chi viện hỏa lực. Hoàn toàn không có sự liên kết phối hợp giữa các phân đội tăng thiết giáp với bộ binh, giữa quân đội chủ lực với lực lượng vũ trang địa phương và các nhóm quân tình nguyện.
Mặc dù có các đơn vị thuộc các quân binh chủng khác nhau, các đơn vị binh chủng hợp thành vùng chiến thuật, nhưng mối quan hệ cơ cấu tổ chức thuần túy mang tính vùng miền, dân tộc và tôn giáo. Do hệ thống chính trị phức tạp, cơ cấu tổ chức quân đội cũng rất phức tạp, trong đó nhờ có sự ủng hộ của các quan chức, các thủ lĩnh chính trị mà có lực lượng được trang bị rất tốt, nhưng có nhiều lực lượng trang bị kém. Thậm chí vũ khí trang bị hiện đại cung cấp cho các đơn vị khác nhau cũng có hiện tượng phân chia theo vị thế xã hội, dựa trên sự ủng hộ của các thủ lĩnh chính trị và những người có ảnh hưởng lớn trong cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước.
Từ việc tổ chức quân đội Syria trong một thời gian dài bị phân rã thành cơ cấu quân sự vùng miền và là sức mạnh của các lực lượng chính trị trong bộ máy nhà nước nên các đơn vị quân đội Syria cũng hoạt động gần giống như các tổ chức bán vũ trang hoặc vũ trang tự phát. Hoàn toàn không sử dụng các nguyên tắc lý luận và thực tiễn chiến dịch chiến thuật
Trong chiến đấu tấn công, các cụm binh lực quân đội Syria hoàn toàn không bố trí lực lượng phòng ngự bên sườn, thường xuyên bỏ qua các hoạt động trinh sát, theo dõi tình hình địch và không tổ chức cảnh giới từ xa. Do đó các nhóm chiến binh khủng bố, dù quân số ít hơn, vẫn có thể tiến công vu hồi, đánh tiêu hao sinh lực quân đội Syria và phá vỡ các chiến dịch tiến công.
Trên các tuyến phòng ngự, không có các điểm trinh sát cảnh giới tiền tiêu, phản ứng trước những cuộc tấn công rất chậm. Nhược điểm này khiến quân đội Syria liên tục mất trận địa, tổn thất binh lực và mất địa bàn trước các đòn đột kích tốc độ cao, đánh chiếm trận địa đầu cầu và phát triển sâu vào khu vực đã giành được quyền kiểm soát.
Những nhược điểm này khiến hình thái chiến trường thay đổi liên tục, các đơn vị quân đội Syria dễ dàng để mất địa bàn nhanh chóng. Nhưng họ lại cần rất nhiều thời gian tập trung lực lượng, thống nhất cơ cấu tổ chức chỉ huy và tiến hành các cuộc phản công.
Do năng lực tác chiến của các đơn vị quân đội Syria rất thấp, nguyên nhân bắt nguồn từ giai đoạn cạnh tranh quyền lực trước chiến tranh và sự tổn thất hàng ngũ sĩ quan có năng lực, kinh nghiệm trong trong cuộc chiến kéo dài, tổ chức chỉ huy cao cấp của quân đội Syria đã xé tan cơ cấu biên chế tổ chức lực lượng quân đội trên chiến trường. Bất kỳ nỗ lực tổ chức xây dựng một lực lượng "đặc biệt" nào có năng lực tác chiến tốt, lập tức diễn ra âm mưu: tất cả các tướng lĩnh chỉ huy chiến trường đều muốn nắm quyền chỉ huy lực lượng này. Tuyệt đối tách biệt và hoạt động độc lập trong cuộc chiến tranh này chỉ có các đơn vị lực lượng đặc biệt Syria (Mukhabarat).
Những nhược điểm cơ bản về cơ cấu tổ chức lực lượng vũ trang Syria, một tập hợp các đơn vị vũ trang rời rạc này đã khiến các hoạt động yểm trợ hỏa lực đường không của quân đội Nga không mang lại những hiệu quả cụ thể làm thay đổi hình thái chiến trường.
Trước tình hình đó, Nga buộc phải tiêu diệt nguồn tài chính từ dầu mỏ của IS để làm suy giảm sức chiến đấu của tổ chức khủng bố, tạo điều kiện thuận lợi cho sự thay đổi cơ cấu tổ chức quân đội Syria bằng những chiến thắng – dù không chắc chắn.
Mùa thu năm 2016, tình hình chiến trường Syria rất không ổn định. Sự can thiệp mạnh mẽ và quyết liệt của không quân Nga khiến tương quan lực lượng có lợi hơn cho quân đội Syria, củng cố vị thế của chính quyền Damascus, tạo điều kiện hình thành bước ngoặt trong chiến tranh.
Nhưng các lực lượng vũ trang Syria, cơ cấu tổ chức bộ máy chiến tranh của Syria chưa sẵn sàng phát triển những kết quả đạt được. Đây là giai đoạn khó khăn nhất của các cố vấn quân sự Nga. Những kiến nghị, đề xuất từ phía Bộ quốc phòng Nga, yêu cầu cho phép các cố vấn quân sự Nga tham gia trực tiếp vào công tác chỉ huy, điều hành các đơn vị chiến đấu, đang tiến hành các chiến dịch tấn công không được sự nhất trí từ phía Bộ tư lệnh Tối cao quân đội Syria.
Một tình huống tương tự cũng diễn ra với công tác huấn luyện chiến đấu sĩ quan, binh sĩ Syria. Cho đến mùa xuân năm 2016, các cố vấn và chuyên gia quân sự Nga chỉ huấn luyện đào tạo các sĩ quan chỉ huy kỹ thuật. Nước Nga viện trợ vũ khí trang thiết bị, tiến hành huấn luyện khai thác sử dụng các chuyên gia Syria, không can thiệp sâu vào công tác lãnh đạo, chỉ huy và điều hành của quân đội Syria.
Moscow trong sự phức tạp hệ thống tổ chức chính trị các nước Trung Đông không có ý định can thiệp vào công việc nội bộ của Damascus. Nhưng kết quả gây nhiều tranh cãi và đe dọa thất bại.
Tháng 04.2016, bằng những nỗ lực đặc biệt, không quân, lực lượng đặc nhiệm Nga và quân đội Syria giải phóng Palmyra lần thứ nhất. Nhưng đến tháng 06.2016, cụm binh lực quân đội Syria, phát triển tấn công về hướng thị trận Al-Sukhnah trong tình huống hoàn toàn không phù hợp với điều kiện chiến trường. Cụm binh lực này trúng đòn phản kích mãnh liệt của lực lượng khủng bố, thiệt hại nặng nề về sinh lực và vũ khí trang bị, thành phố Palmyra đối mặt với nguy cơ bị bao vây phong tỏa.
Nhận định rằng, IS chỉ là một đám đông những kẻ cực đoan cuồng tín là sai lầm nghiêm trọng về bản chất. Lực lượng vũ trang này, chỉ trong một thời gian ngắn từ năm 2014 – 2015 tiến công đánh chiếm một vùng lãnh thổ rộng lớn ở Syria và Iraq, dễ dành đánh bại các đơn vị quân sự được trang bị đầy đủ, đánh chiếm những địa bàn chiến lược then chốt. Điều đó cho thấy, trong hàng ngũ lãnh đạo chỉ huy của IS là những sĩ quan chuyên nghiệp, được đào tạo rất tốt từ các nước phương Tây và có nguồn gốc xuất thân từ quân đội Syria và Iraq.
Tháng 07.2017, một bình luân viên quân sự cao cấp Nga, đại tá dự bị hạng 1 Viktor Murakhovsky, tổng biên tập tạp chí “Tiềm lực Tổ quốc” nhận xét: nghiên cứu các video, ghi lại hoạt động chiến đấu của các nhóm chiến binh khủng bố, ví dụ như cuộc tiến công vào Khan Touman cho thấy, các tay súng IS như một đội đặc nhiệm, hành động chuẩn xác theo điều lệnh của quân đội Xô viết. Từ cơ động hành quân chiến đấu, triển khai đội hình cấp đại đội, trung đội trên tuyến chiến đấu, đánh chiếm vị trí đầu cầu, hỏa lực chế áp. Hầu như không có sai sót đáng kể. Ngược lại phía quân đội Syria là cả một sự hỗn loạn. Không hàng rào vật cản, không có các trận địa mìn, không có cả các hỏa điểm phòng ngự thường trực. Hoàn toàn là một đội quân phong trào.
Khắc phục những nhược điểm cố hữu của quân đội Syria
Nhằm thay đổi hình thái chiến trường, tạo bước ngoặt cho một cuộc chiến tranh, quân đội Syria dưới sự hỗ trợ hiệu quả của không quân Nga, tiến hành chiến dịch giải phóng Aleppo. Đây là cuộc chiến gian lao nhất mà quân đội Syria phải vượt qua. Ngay cả tướng Suheit al-Hassan, chỉ huy lực lượng Tiger, gắn bó chặt chẽ với các cố vấn quân sự Nga cũng cảm thấy thực sự căng thẳng và mệt mỏi.
Cuộc chiến dẫn đến những tổn thất đáng kể và không giải quyết được triệt để vấn đề Aleppo dù giải phóng được khu vực nội thị. Tháng 12.2016, lực lượng khủng bố IS bằng một cuộc tấn công bất ngờ tái chiếm lại Palmyra trong sự tháo chạy hỗn loạn của quân đội Syria.
Trước tình hình đó, chính quyền Damascus, đặc biệt là bộ tư lệnh tối cao quân đội Syria buộc phải đồng ý với một loạt những đề xuất của các cố vấn quân sự cao cấp quân đội Nga, trước những nguy cơ mà nhà nước và quân đội Syria phải đối mặt.
Một trong những kết quả đó có sự thúc đẩy mạnh mẽ của tổng thống Nga Putin. Ông đã liên tiếp 2 lần ra lệnh rút 1 phần binh lực ra khỏi Syria, đặt các quan chức bảo thủ Damascus đối mặt với thực tế, quân đội Nga hoàn toàn có thể triệt thoái khỏi Syria bất cứ lúc nào.
Nhờ có những nỗ lực không mệt mỏi của các nhà ngoại giao quân sự, các cố vấn Nga thay vì tập huấn sĩ quan chỉ huy, bắt đầu chuyển sang huấn luyện các đơn vị chiến đấu, đầu tiên là lữ đoàn tình nguyện Lá chắn Qalamoun. Những thành tích đạt được của lực lượng Lá chắn Qalamoun, vốn có nguồn gốc từ các sĩ quan và cựu binh của tổ chức Hồi giáo Quân đội Syria tự do đã tạo điều kiện cho các cố vấn quân sự Nga xây dựng một lực lượng tấn công mới.
Từ tháng 10.2016, các cố vấn Nga xây dựng được quân đoàn tình nguyện số 5, có cơ cấu tổ chức và hoạt động tác chiến tương tự như các đơn vị tấn công chủ lực quân đội Xô viết. Cơ cấu biên chế tổ chức có khoảng gần 10.000 tay súng, chủ yếu là những người tình nguyện, đã phục vụ trong quân đội và có lý tưởng bảo vệ tổ quốc rõ ràng.
Các sĩ quan tham mưu Nga chính thức được tham gia lên kế hoạch các chiến dịch, trực tiếp tham gia hội thảo và chỉ huy điều hành các đơn vị tấn công của quân đội Syria trên các hướng chủ yếu. Trong tổng hành dinh và Bộ tổng tham mưu quân đội Syria, các hướng tấn công trọng tâm của quân đội Syria có các nhóm sĩ quan tham mưu cao cấp, tham gia cùng làm việc với sĩ quan chỉ huy, tham mưu tác chiến Syria. Đây thực sự là một công việc địa ngục, các cố vấn quân sự Nga không chỉ phải thuyết phục 1 chỉ huy trưởng cao cấp, mà cả một nhóm các sĩ quan, chỉ huy chiến trường của nhiều lực lượng khác nhau trong điều kiện ngoài chiến hào, trên sở chỉ huy tiền phương, nguy cơ thương vong rất cao.
Hàng chục sĩ quan, cố vấn quân sự cấp tá quân đội Nga đã hy sinh trực tiếp trên chiến trường. Chiến dịch giải phóng được Deir Ezzor, trung tướng cố vấn tham mưu trưởng Valery Asapov – thiệt mạng tại tại chiến hào tháng 09.2017. Ngay bản thân thiếu tướng Suheil Al-Hassan, tư lệnh trưởng lực lượng Tiger cũng buộc phải do một nhóm đặc nhiệm Nga trực tiếp bảo vệ.
Nhờ những nỗ lực không mệt mỏi và những cố gắng vượt chính bản thân mình của cả hai phía Nga và Syria, những đơn vị có năng lực tác chiến tốt hơn trở thành lực lượng nòng cốt trong việc tổ chức các cụm binh lực tấn công trên những chiến trường chiến lược. Đã có sự tiến bộ đáng kể trong việc khai thác sử dụng lực lượng tăng thiết giáp và pháo binh chiến trường trong các cuộc tấn công. Các đơn vị phát triển tốt là sư đoàn Tiger, sư đoàn cơ giới số 4, quân đoàn tình nguyện số 5 và lữ đoàn Lá chắn Qalamoun.
Mặc dù để trở thành một quân đội chính quy, chuyên nghiệp, quân đội Syria và hàng ngũ sĩ quan còn cần thời gian rất dài, nhưng những chiến dịch gần đây của lực lượng tấn công chủ lực cũng có những chuyển biến rõ rệt. Nổi bật nhất vẫn là lực lượng Tiger trong chiến dịch Deir Ezzor, sư đoàn cơ giới số 4 trong chiến dịch giải phóng thung lũng Beit Jinn. Mặc dù trước đó không lâu, lữ đoàn 42 thuộc sư đoàn cơ giới số 4 thất bại trong chiến dịch giải phóng quận Jobar ở Đông Ghouta.
Lực lượng hậu cần kỹ thuật quân đội Syria cũng có những tiến bộ lớn. Đặc biệt là binh chủng công binh trong chiến dịch giải phóng bờ tây và bờ đông sông Euphrates, tiến dọc theo thung lũng bờ tây Euphrates đến thành phố Albukamal sát với biên giới Iraq cuối năm 2017.
Trong chiến dịch can thiệp của quân đội Nga, kéo dài 2 năm liên tiếp ở Syria, ngoài mục đích then chốt là đánh quỵ tiềm năng chiến tranh của IS, quân đội Nga đã hỗ trợ được lực lượng vũ trang Syria tiến một bước dài trên con đường phát triển lực lượng để bảo vệ chủ quyền, chống chủ nghĩa khủng bố.
Tuyên bố rút quân của tổng thống Nga Putin không có nghĩa là lực lượng khủng bố hoàn toàn bị đánh bại trên lãnh thổ Syria mà chỉ khẳng định một vấn đề then chốt: quân đội Syria đã có được điều kiện tiên quyết để giành thắng lợi trong cuộc chiến chống khủng bố và hoàn toàn có thể chiến thắng.
Rút phần lớn binh lực ra khỏi chiến trường Syria, Nga muốn các lực lượng vũ trang Syria phải đứng trên đôi chân của mình, chiến đấu và trưởng thành bằng chính năng lực của mình. Đánh sụp đổ lực lượng khủng bố nguy hiểm nhất thế giới, quân đội Syria đã có niềm tin vào chiến thắng, một chiến thắng không thể đảo ngược.
Vấn đề khi nào quân đội Syria có thể đủ sức mạnh đánh đuổi hoàn toàn các thế lực nước ngoài, núp bóng các nhóm chiến binh Hồi giáo cực đoan và khủng bố nhằm xé nát lãnh thổ Syria, bảo vệ thành công chủ quyền quốc gia, lúc đó mới thực sự là chiến thắng hoàn toàn chủ nghĩa khủng bố.