|
Việc thành lập các lực lượng quân sự ở Crimea không chỉ nhằm bảo vệ các lợi ích của Nga trên bán đảo mà cả ở Biển Đen. Các lực lượng đó cũng có khả năng thực hiện nhiệm vụ ở những vùng biển xa bờ, Bộ trưởng Quốc phòng Shoigu cho biết.
Theo vị quan chức quân sự hàng đầu của Nga, gần 100 đơn vị và tổ chức quân sự đã được thiết lập ở Crimea tính đến cuối năm ngoái. Hoạt động này diễn ra theo một chương trình nhằm triển khai một nhóm lực lượng độc lập, đủ năng lực ở Crimea.
"Theo lệnh của Tổng thống, chúng tôi được chỉ đạo phải triển khai một nhóm các lực lượng độc lập ở bán đảo Crimea có đủ năng lực để bảo vệ các lợi ích của Nga trong khu vực. Nhiệm vụ đó đã được hoàn thành vào cuối năm 2014. Một bản báo cáo về công việc trên đã được trình lên Tư lệnh tối cao của quân đội. 96 đơn vị và các tổ chức quân sự đã được thành lập”, Bộ trưởng Shoigu cho hay.
Cụ thể, theo ông Shoigu, “năm ngoái các lực lượng của Hạm đội Biển Đen, Hạm đội Baltic và Hạm đội Biển Bắc bao gồm 6 tàu chiến đã bảo đảm sự hiện diện thường xuyên và liên tục của Hải quân Nga ở Địa Trung Hải".
Ngoài ra, "chúng tôi đã tổ chức cuộc huấn luyện toàn diện về không quân cho nhóm quân sự ở Crimea đồng thời sức mạnh của các lực lượng có nhiệm vụ phòng không cũng đã được tăng cường", ông Shoigu cho biết. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Nga, việc xây dựng các cơ sở mới trong 5 khu vực quân sự trên bán đảo Crimea đang diễn ra và các toà nhà có sẵn đang được tu sửa.
NATO phát sốt vì sức mạnh quân sự của Crimea được củng cố
Tướng 4 sao của Mỹ - ông Philip Breedlove cũng là Chỉ huy tối cao của quân liên minh NATO ở Châu Âu, đã bày tỏ sự quan ngại trước những nỗ lực của Nga nhằm tăng cường năng lực quân sự trên bán đảo Crimea. Tại cuộc họp gần đây với giới phóng viên báo chí, Tướng Breedlove nói rằng, NATO đã theo dõi những thay đổi đáng kể trong hoạt động triển khai vũ khí ở bán đảo Crimea. Các hệ thống phòng không của Nga đang kiểm soát gần như một nửa Biển Đen trong khi các tên lửa “đất đối đất” đang bao phủ hoàn toàn khu vực. Theo ông Breedlove, những hệ thống phòng không đó đã biến Crimea thành một đầu cầu đảm bảo cho sức mạnh của Nga trong khu vực.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu công khai tuyên bố, cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng ở Ukraine cùng với sự hiện diện quân sự của nước ngoài ngày càng tăng ở ngay biên giới Nga đã thúc ép, buộc Nga phải có sự điều chỉnh, thay đổi trong việc bố trí, sắp xếp của Quân khu Phía Nam, bao gồm cả bán đảo Crimea. Đó là lý do giải thích tại sao việc thực hiện chỉ đạo thiết lập, triển khai các đơn vị quân sự độc lập và đủ mạnh trên bán đảo Crimea trở thành một nhiệm vụ ưu tiên đối với giới lãnh đạo quân sự Nga.
Crimea và Sevastopol đã chính thức trở thành một phần của nước Nga sau khi Tổng thống Putin ký sắc lệnh hoàn tất tiến trình sáp nhập hôm 21/3. Việc Crimea sáp nhập vào Nga xuất phát từ nguyên nhân là một cuộc đảo chính vũ trang ở Kiev, trong đó Tổng thống Viktor Yanukovich bị lật đổ. Crimea – một bán đảo tự trị thuộc Ukraine, đã từ chối không thừa nhận tính hợp pháp của chính phủ lâm thời mới ở Kiev . Chính vì thế, Crimea đã tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý để quyết định tương lai của họ với Ukraine và Nga. Kết quả cuộc trưng cầu dân ý cho thấy, hơn 96,77% người dân Crimea và 95,6% người dân Sevastopol lựa chọn ly khai khỏi Ukraine và sáp nhập trở lại Nga – nơi họ vẫn luôn coi là “mái nhà” của mình. Kết quả là Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chính thức ký thỏa thuận sáp nhập hôm 18/3/2014.
Thời Liên Xô, Crimea từng là một phần của Nga cho đến năm 1954. Sau đó, ông Nikita Khrushchev – Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Liên Xô, đã tặng cho Ukraine bán đảo xinh đẹp này.
Công việc sáp nhập bán đảo Crimea vào các hệ thống tài chính, kinh tế, tín dụng, luật pháp, hành chính, quản lý, quân sự và cơ sở hạ tầng của Nga đang được thực hiện một cách tích cực bởi Crimea hiện giờ đã trở thành một vùng đất của Liên bang Nga.
Bất chấp việc Moscow liên tục nhấn mạnh cuộc trưng cầu dân ý ở bán đảo Crimea nhằm tách ra khỏi Ukraine là phù hợp với luật quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc, cũng như giống với tiền lệ trước đó trong vụ Kosovo tách ra khỏi Serbia năm 2008, phương Tây và Kiev vẫn kiên quyết không chịu công nhận tính hợp pháp trong vụ sáp nhập bán đảo Crimea vào Nga.
Chính quyền Kiev không ít lần mạnh miệng tuyên bố sẽ tìm mọi cách để lấy lại bán đảo Crimea. Tổng thống Petro Poroshenko từng khẳng định sẽ xây dựng quân đội Ukraine thành một lực lượng quân sự mạnh nhất Châu Âu để quay trở lại giành bán đảo Crimea.
Đáp lại, Nga ra sức tăng cường sức mạnh quân sự trên bán đảo Crimea bằng việc triển khai hàng loạt vũ khí tối tân, thiện chiến của mình, trong đó có tên lửa đất đối không S-300PMU, tên lửa Iskander, Su-27 và mới đây là cả máy bay ném bom chiến lược.
Theo: VnMedia