|
Biên đội tiêm kích Su-30SM của Nga hạ cánh sau khi thực hiện nhiệm vụ tại Syria |
Đó là nhận định của Voice of America. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry khi đối mặt với báo chí đã buộc phải thừa nhận rằng, các hoạt động của Nga tại Aleppo và trong khu vực hiện đang “gây rất nhiều khó khăn để bước vào bàn đàm phán và có thể thương lượng nghiêm túc”.
Ông Kerry tự hào vì có quan hệ khăng khít với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, đã kêu gọi Moscow gia nhập nỗ lực để đạt được một thỏa thuận ngừng bắn ngay lập tức. Và sau đó, Ngoại trưởng Mỹ còn gặp lại ông Lavrov một lần nữa bên lề Hội nghị an ninh Munich để bàn thảo về vấn đề này. Rốt cuộc Nga-Mỹ cũng đã đạt được một thỏa thuận hưu chiến đầy thử thách.
Fred Hof, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ từng tổ chức lực lượng đối lập chống Assad trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Barack Obama hôm 10/2 thừa nhận. triển vọng chiến thắng quân sự của chính phủ Syria mở khu vực tây bắc Syria khá sáng sủa.
Phát biểu tại Hội đồng Atlantic, ông Hof dự báo rằng liên quân Nga-Iran-Syria sắp tới sẽ tập trung chú ý vào khu vực tây nam Syria, gây nên một làn sóng người tị nạn ồ ạt chạy sang Jordan. Theo Voice of America, Nga đã chứng tỏ là bậc thầy trong việc sử dụng các cuộc đàm phán như một bức bình phong cho hành động quân sự nhằm thay đổi thực địa trong nỗ lực giành lại những phần lãnh thổ chiến lược cho Assad.
Thỏa thuận đạt được vào đêm 11/2 tại Hội nghị An ninh Munich thường niên giữa John Kerry, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ, và Sergei Lavrov, Ngoại trưởng Nga và một số đại diện các nước trong khu vực và các tổ chức quốc tế, hứa hẹn sẽ cung cấp các hàng cứu trợ nhân đạo trong vài ngày tới cho các thị trấn bị bao vây của Syria, nơi nhiều người dân tuyệt vọng đối mặt với nạn đói. Theo dự kiến, trong vòng một tuần sau đó sẽ là một giai đoạn “chấm dứt thù địch”, điều sẽ giúp chuẩn bị điều kiện cho một lệnh ngừng bắn chính thức.
Các cuộc đàm phán hòa bình bị tạm ngưng ở Geneva được lên kế hoạch sẽ nhóm họp lại vào ngày 25/2, nhưng sẽ chỉ diễn ra nếu phe đối lập Syria tin rằng tất cả các bên tham gia đàm phán, trong đó bao gồm chính quyền Assad với những người bảo trợ là Nga và Iran, sẽ tuân thủ các điều khoản của Nghị quyết số 2254 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc được thông qua hồi tháng 12/2015.
Theo the Economist, nghị quyết này được nhất trí thông qua, thiết lập một thời gian biểu cho các cuộc đàm phán trong đó việc chấm dứt bao vây, cung cấp viện trợ và ngừng bắn sẽ là khúc dạo đầu cho một quá trình chuyển đổi chính trị.
Tuy nhiên, vẫn còn sự hoài nghi lớn về việc liệu Nga có định chấm dứt hay không việc ném bom các vị trí của phiến quân trong và xung quanh Aleppo, thành phố lớn nhất của đất nước trước chiến tranh, điều giúp các lực lượng bộ binh của chế độ Assad (chủ yếu là lực lượng dân quân người Shia do Iran hậu thuẫn và một số đơn vị người Alawite của quân đội chính phủ Syria) gần như hoàn toàn cắt đứt liên lạc giữa thành phố này với biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.
Hai nhóm mà tất cả đều đồng ý xác định là khủng bố, gồm Nhà nước Hồi giáo (IS) và Jabhat al-Nusra (chi nhánh al-Qaeda tại Syria), bị loại trừ một cách rõ ràng khỏi các thỏa thuận ngừng bắn. Vấn đề là kể từ sau sự can thiệp 4 tháng trước, sức mạnh không quân của Nga đã giúp biến đổi tình hình quân sự theo hướng có lợi cho chính quyền Assad, và Nga đã mở rộng định nghĩa khái niệm “khủng bố”, không kích dữ dội các nhóm nổi dậy được hỗ trợ bởi Thổ Nhĩ Kỳ, các quốc gia Ả Rập và phương Tây.
Và thậm chí nếu Nga tuân thủ các thỏa thuận đạt được, sẽ vẫn khó hoặc thậm chí không thể phân biệt được giữa những kẻ khủng bố và các nhóm phi khủng bố do mạng lưới phức tạp của các liên minh quân nổi dậy. Trong đó nhóm phiến quân Jabhat al-Nusra thường chiến đấu bên cạnh các nhóm ôn hòa hơn. Đối với một số nhà ngoại giao, thỏa thuận này chỉ đơn thuần là nhằm chia rẽ hàng ngũ quân nổi loạn.
Nga đã đề xuất một lệnh ngừng bắn sẽ bắt đầu vào ngày 1/3. Các quan chức Mỹ coi điều này là nhằm tạo cho ông Assad và những người ủng hộ mình thêm hơn ba tuần nữa nhằm gia tăng và củng cố các vùng lãnh thổ giành được trước khi nối lại các cuộc đàm phán.
Thực tế này phản ánh thế yếu trong vị thế đàm phán của ông Kerry và sự phá sản của chính sách Syria nhút nhát của ông Barack Obama, khiến nước Mỹ giờ đây dường như sẵn sàng chấp thuận bất kỳ đề nghị giữ thể diện nào mà ông Lavrov đưa ra thay mặt ông Putin. Ngay cả ông Kerry dường như cũng ít hi vọng vào thỏa thuận này khi nói rằng đó mới chỉ là một thỏa thuận trên giấy.
Nếu như Nga vẫn tiếp tục không kích các vị trí của phiến quân xung quanh Aleppo, hành động mà Nga có thể dừng ngay lập tức nếu muốn, thì thỏa thuận này sẽ đổ vỡ trên thực tế trước cả khi các quan chức tụ họp tại Munich ra về, the Economist nhận xét.
Trong khi đó theo Voice of America, nhà lãnh đạo Nga đang thưởng thức dư vị chiến thắng trước kẻ thù cũ thời Chiến tranh Lạnh. “Với Putin, động lực để đánh bại điều mà ông ta xác định là mưu đồ thay đổi chế độ trên toàn thế giới và dân chủ hóa thánh chiến của Mỹ. Ông Putin nghĩ rằng nếu ông ta có thể đánh bại nó tại Syria…bằng cách duy trì được Assad tại ghế quyền lực, nó sẽ đánh tín hiệu về việc Nga đã hoàn toàn trở lại với tư cách một siêu cường”, ông Hof nói.
T.N