Nga được gì sau 2 năm ra đòn Syria?

VietTimes -- Lực lượng khủng bố IS về cơ bản đã hoàn toàn sụp đổ, theo mệnh lệnh của tổng thống V.Putin, một bộ phận lớn cụm binh lực viễn chinh Nga đã rút ra khỏi chiến trường Trung Đông. Thực tế lực lượng vũ trang Nga được gì từ cuộc chiến chống khủng bố?
Bộ khí tài chống tên lửa chống tăng thế hệ II TOW của Mỹ Sarab-1 - ảnh truyền thông quân đội Syria

Còn quá sớm để khẳng định, chủ nghĩa khủng bố đã hoàn toàn bị đánh bại ở Syria. Chính xác hơn, quân đội Nga kết thúc giai đoạn đầu tiên, can thiệp tích cực vào cuộc chiến chống khủng bố ở Syria và Iraq, giành lại ưu thế chiến trường cho quân đội Syria trong tình huống hiểm nghèo của cuộc chiến mà chính quyền Damascus đối mặt với sự sụp đổ. Rất cần phải nhìn lại những gì được và không được trong cuộc chiến đặc biệt này.

Không chỉ có chiến trường, vấn đề then chốt là hậu cần kỹ thuật

Quyết định can thiệp vào chiến trường Syria để ngăn chặn làn sóng khủng bố sẽ tràn ngập nước Nga và các quốc gia đồng minh, các nhà quân sự Nga đã quyết bỏ lại đằng sau những bài học đẫm máu của chiến trường Afghanistan và Chechnya. Bộ tổng tham mưu quân đội Nga khẳng định, chỉ bằng một cụm binh lực tương đối nhỏ, có thể “tác chiến hiệu quả” trong một cuộc chiến tranh kiểu “Trung Đông” và giành được những kết quả đáng kể. Lần đầu tiên kể từ sau chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên, lực lượng quân đội viễn chinh Nga thể hiện được tốt khả năng tiến hành các hoạt động quân sự công khai trên một chiến trường xa tổ quốc.

Nhằm có được những đánh giá chính xác về số lượng và chất lượng vũ khí trang bị, quân đội Nga đã quyết định sử dụng như một phương thức thử nghiệm thực tế những loại vũ khí trang bị mới nhất. Đồng thời, quân đội Nga tận dụng chiến trường Syria như thao trường thực tế chiến đấu để đưa vào thực hiện các phương thức tác chiến “không – bộ” mới với sự tham gia của các loại vũ khí trang bị đường không công nghệ cao.

Đặc biệt, lần đầu tiên quân đội Nga sử dụng quy mô lớn các loại máy bay không người lái trong nhiệm vụ trinh sát, giám sát và chỉ thị mục tiêu. Đồng thời chủ động sử dụng lực lượng đặc nhiệm thực hiện nhiệm vụ chỉ thị mục tiêu, dẫn đường cho lực lượng không quân trong đội hình chiến đấu tiến công trên tiền duyên quân đội Syria. Họ cũng sử dụng các bộ khí tài trinh sát – truyền thông kỹ thuất số, cho phép liên kết phối hợp giữa lực lượng bộ binh trên chiến trường với lực lượng không quân và pháo binh tên lửa các tầm, từ hệ thống tên lửa tầm xa Hải quân đến lực lượng pháo binh tên lửa tầm xa và không quân chiến dịch, chiến thuật.

Một trong những vấn đề then chốt của chiến dịch phức tạp này là công tác hậu cần kỹ thuật cuộc chiến chiến tranh, với chiến công hàng đầu là hệ thống vận tải biển "Syria Express " – đáp ứng nhu cầu chiến tranh không chỉ cho cụm binh lực viễn chinh Nga mà cả cho quân đội Syria. Trước mùa thu năm 2015, hệ thống chỉ làm việc phục vụ yêu cầu của chính phủ Damascus, sau đó là cung cấp hậu cần kỹ thuật cho quân đội Nga trên chiến trương. Nhưng ấn tượng nhất không phải là "Syria Express", mà là tốc độ triển khai binh lực của quân đội Nga trên Syria.

Đến tuyên bố cuối cùng của tổng thống Putin trên sân bay quân sự Khmeimim tháng 12.2017, quân đội Nga đã 2 lần rút một phần binh lực ra khỏi Syria phục vụ các mục đích đấu tranh trên mặt trận chính trị, ngăn chăn sự can thiệp mở rộng của các quốc gia thù địch với chính quyền Damascus, vào tháng 4.2016 và trước thềm năm mới 2017. Điều thú vị là các cụm binh lực Nga rút công khai số lượng trang thiết bị, nhưng cũng rất nhanh chóng, khi tình huống chiến trường yêu cầu, lại tiếp tục tăng mà không khiến bất cứ một cơ quan truyền thông thế giới nào chú ý đến vấn đề này.

Điều đó có nghĩa là, quân đội Nga đã hoàn toàn kiểm soát được hành lang hàng không từ Nga đến Syria. Và trong điều kiện cần thiết, khi tình hình chiến trường trở lên phức tạp, có thể nhanh chóng và bất ngờ triển khai lực lượng cần thiết để ngăn chặn mọi khả năng khiến tình hình vượt ra ngoài tầm kiểm soát.

Lực lượng quân nhân tham gia thực chiến với số lượng lớn

Chiến trường Syria là cơ hội đầu tiên mà Bộ tổng tham mưu Nga, rút kinh nghiệm từ những bài học xương máu của cuộc chiến Chechnya không thể bỏ qua. Các lực lượng vũ trang Nga, sử dụng đúng mục đích nguồn ngân sách phục vụ cho huấn luyện, đã tiến hành các hoạt động huấn luyện đào tạo lực lượng của mình trên thực tế chiến trường, đặc biệt là hàng ngũ sĩ quan chỉ huy chiến đấu.

Bộ trưởng quốc phòng Nga Sergei Shoigu ngày 22.12.2017 tuyên bố, khoảng hơn 48.000 quân nhân Nga, tập trung chủ yếu ở lực lượng không quân – hải quân đã tham gia phục vụ trên chến trường Syria. Tính đến tháng 12.2017, lực lượng không quân Nga thực hiện 34.000 lần xuất kích, Không quân Hải quân thực hiện 420 lần xuất kích từ tàu sân bay "Đô đốc Kuznetsov". Điểm thú vị là các cuộc không kích diễn ra trong tình huống rất sát thực tế chiến đấu, do trên không phận Syria có sự tham gia thường xuyên của tất cả các lực lượng không quân NATO với các phương tiện tác chiến hiện đại nhất, bao gồm cả F-22 Raptor đến các phương tiện tác chiến điện tử hiện đại, máy bay không người lái và không quân Hải quân Mỹ.

Lực lượng sỹ quan quân đội Nga được tham gia trực tiếp trên chiến trường Syria, sát đến tận chiến tuyến theo phương thức luân phiên chiến đấu. Các nhiệm vụ then chốt được giao là thực hiện công tác cố vấn chiến thuật và tham gia công tác tham mưu tác chiến cho quân đội Syria. Do tình trạng quá yếu về năng lực chỉ huy, điều hành tác chiến cấp phân đội mà hầu hết các sĩ quan Nga phải làm công tác cố vấn ở mức “cầm tay chỉ việc” đến tận chiến hào và các đơn vị hỏa lực.

Theo tuyên bố ngày 07.11.2017  của Tổng Tham mưu trưởng Valery Gerasimov: bộ tổng tham mưu quân đội Nga đã điều động một bộ phận rất lớn các bộ tham mưu quân khu, các tập đoàn quân và các quân đoàn không quân, phòng không. Hầu như tất cả các phòng tham mưu cấp sư đoàn, hơn một nửa sĩ quan chỉ huy cấp lữ đoàn và trung đoan tham gia công tác cố vấn chỉ huy, điều hành tác chiến với các cấp chỉ huy quân đội Syria trên thực tế chiến trường.

Đây thực sự là một chiến dịch huấn luyện thực binh vô giá đối với quân đội Nga, lần đầu tiên các sĩ quan đến cấp trung đoàn thực sự tham gia chiến đấu trên một chiến trường xa lạ, không có sự hỗ trợ của một bộ máy tham mưu hùng hậu, không có sự chỉ đạo trực tiếp của cấp trên, làm việc trên chiến hào với một phân đội chiến đấu với năng lực kỹ chiến thuật thấp và đặc biệt hơn, sĩ quan chỉ huy phải đối mặt với thực tế sống còn trong lửa đạn.

Vũ khí trang bị Nga được thực nghiệm sát thực tế chiến đấu trên chiến trường

Ngoài những phương tiện tác chiến cấp chiến thuật trong mô hình tác chiến “không – bộ”hiện đại. Lần đầu tiên lực lượng tên lửa chiến lược Nga được thực nghiệm thực tế chiến đấu của các loại tên lửa hành trình tầm xa như Kalibr 3М14, Kh-555, Kh-10, hàng chục chiến hạm, tàu ngầm đã thực hiện hơn 100 lần phóng tên lửa tiêu diệt mục tiêu theo yêu cầu, không quân chiến lược tầm xa đến 66 lần.

Hơn thế nữa, lần đầu tiên lực lượng phòng thủ bờ biển Nga được thực hiện phóng tên lửa Yakhont từ tổ hợp Bastion. Tầm xa các đợt phóng tên lửa đạt từ 500 km đến 1500 km. Hệ thống tên lửa chiến thuật Iskander – M cũng được thử nghiệm trên chiến trường nhưng không có thông tin về thời gian thử nghiệm và kết quả đạt được.

Một trong những kinh nghiệm quý giá của cuộc chiến chống khủng bố ở Syria, đó là chiến tranh du kích, chiến tranh đô thị và đường hầm với những kẻ cuồng tín. Trong cuộc chiến này, các lực lượng vũ trang hiện đại với các phương tiện tác chiến có khả năng hủy diệt cao, các phương thức tác chiến truyền thống hoàn toàn bất lực. Tư tưởng cuồng tín, liều chết và những cuộc tấn công phi đối xứng có thể đánh bại bất cứ một đội quân hiện đại nào, ít nhất là kéo vào một cuộc chiến sa lầy không lối thoát.

Trong cuộc chiến này, bỏ qua vấn đề tư tưởng chính trị tinh thần, nền công nghiệp quốc phòng Nga có được những kinh nghiệm lớn về hoàn thiện các loại vũ khí thông thường. Trong đó có hệ thống tăng thiết giáp và xe yểm trợ hỏa lực tăng thiết giáp BMPT Terminator – M, pháo phản lực nhiệt áp, TOS-1, các loại pháo phản lực tầm xa như Grad BM-21, Smerch. Ngoài ra còn các loại vũ khí xuyên phá bê tông, hầm ngầm, robot chiến đấu, robot rà phá bom mìn và các tổ hợp khí tài bộ binh đa dụng như khí tài thông tin đa phương tiện, trinh sát, chỉ thị mục tiêu hỏa lực không quân pháo binh.

Một trong những kết quả được đánh giá cao nhất đó là tổ hợp trang bị cá nhân Ratnik, được lực lượng đặc nhiệm và quân cảnh Nga thử nghiệm trên chiến trường Syria. Các sĩ quan chỉ huy trên chiến trường đánh giá rất cao tổ hợp trang bị này. Quân nhân sử dụng Ratnik có thể thực hiện một tập hợp các nhiệm vụ khác nhau, từ trinh sát, giám sát mục tiêu, điều khiển hỏa lực đến liên kết phối hợp các đơn vị chiến đấu và trực tiêu tiêu diệt các mục tiêu cần thiết.

Từ những kinh nghiệm tác chiến chiến thuật trên môi trường chiến đấu thực tế, có sự hiện hiện của không quân NATO và các nước Ả rập trong các chiến dịch không kích yểm trợ quân đội Syria, nền công nghiệp hàng không, phát triển không quân chiến trường đã có những bài học kinh nghiệm lớn, đặc biệt trong lĩnh vực tấn công mặt đất. Điều đó ngay cả Mỹ và NATO cũng có những bài học lớn. Một điều thú vị là chiếc Su- 25 “con quạ”, tương tự như A-10 của Mỹ lại có hiệu quả tác chiến hàng đầu nếu so với các loại máy bay chiến đấu đắt tiền khác. Cũng từ thực chiến, công nghiệp hàng không quân sự Nga không những tiếp tục hoàn thiện ông già “Su-25” mà còn có thể phát triển các dòng máy bay Su-34 có được cả những tính năng kỹ chiến thuật như Su-25.

Hơn nữa, phòng không không quân Nga trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chiến đấu ở Syria, thường xuyên cọ sát với các phương tiện chiến đấu của NATO, trong đó có cả máy bay không người lái và tên lửa hành trình Tomahawk. Phòng không Nga có được bài học vô giá trong việc gần như trực tiếp đối mặt với một đòn tập kích tên lửa hành trình quy mô lớn và từ đó hiểu được, công nghệ quốc phòng của các hệ thống phòng không phải phát triển theo hướng nào để có thể đánh chặn một đòn tập kích như vậy với quy mô lớn hơn nhiều lần.

Mặc dù đến thời điểm này, khi quân đội Syria mới kiểm soát được khoảng 58% diện tích đất nước và cuộc chiến chống khủng bố vẫn còn diễn ra quyết liệt, nhưng quân đội Nga đã cơ bản hoàn thành sứ mệnh và nhiệm vụ đặt ra ban đầu của mình. Hơn thế nữa, quân đội Nga, nền công nghiệp quốc phòng Nga, học thuyết quân sự Nga cũng có được những bài học rất lớn từ Syria cả về tư tưởng chính trị tinh thần, lý thuyết và thực tế tiến hành chiến tranh. Vì sao cuộc chiến kéo dài, đó lại là một lĩnh vực khác nằm ngoài dự kiến của Bộ tổng tham mưu quân đội Nga. 

Quân đội Nga phóng tên lửa Kalibr và Yakhont từ tổ hợp Bastion tấn công lực lượng khủng bố ở Syria
TTB