|
Các máy bay ném bom Tupolev Tu-160 và Tupolev Tu-22M3 xuất hiện trong cuộc diễu binh ở Moscow ngày 4/5/2019 (Ảnh: Reuters) |
Máy bay ném bom chiến lược Tupolev TU-160, có biệt danh Thiên nga Trắng ở Nga, là một máy bay siêu âm có khả năng mang tới 12 tên lửa hạt nhân tầm ngắn và bay được quãng đường 12.000 km mà không cần nghỉ hay tiếp nhiên liệu.
Bộ Quốc phòng Nga, trong một tuyên bố, nói rằng các máy bay TU-160 của họ đã bay quãng đường hơn 6.000 km trong vòng 8 giờ đồng hồ từ căn cứ quân sự ở Nga để đến Anadyr thuộc vùng Chukotka, nằm đối diện Alaska. Theo bộ trên, chuyến bay này là một phần trong cuộc tập trận chiến lược, trong đó các phi cơ tập luyện trở lại các sân bay còn đang hoạt động và tiếp nhiên liệu trên không.
Một số bức ảnh mà Bộ Quốc phòng Nga công bố cho thấy nhiều máy bay đang cất cánh vào ban đêm và hạ cánh vào ban ngày tại một sân bay, xung quanh là các đồng cỏ, ở vùng Viễn Đông của Nga.
Cuộc tập trận diễn ra giữa lúc căng thẳng gia tăng liên quan tới một hiệp ước kiểm soát vũ trang mà Moscow và Washington từng ký kết. Trong tháng này, Mỹ đã rút khỏi một hiệp ước tên lửa hạt nhân quan trọng với Nga sau khi cáo buộc Moscow vi phạm hiệp ước - trong khi Điện Kremlin cực lực bác bỏ.
Trong hôm 14/8, Đại sứ Mỹ tại Moscow còn đánh tiếng rằng một hiệp ước vũ trang khác - thỏa thuận hạt nhân lớn cuối cùng giữa Nga và Mỹ - đã lỗi thời, nhiều lỗ hổng và có thể bị hủy bỏ khi nó hết hiệu lực trong năm 2021. Hôm thứ Ba tuần này, Điện Kremlin tuyên bố rằng họ sẽ giành chiến thắng trong cuộc đua phát triển các vũ khí hạt nhân tối tân, bất chấp một vụ tai nạn lúc thử tên lửa gần đây khiến 5 người thiệt mạng.
Tờ Rossiiskaya Gazeta của Nga đăng tải trên website chính thức bài viết trong đó nói rằng chuyến bay của các máy bay TU-160 chứng minh khả năng của Moscow trong việc triển khai các máy bay ném bom hạt nhân tới vị trí chỉ cách lãnh thổ Mỹ chưa đầy 20 phút bay.
"Khoảng cách từ Anadyr tới Alaska chưa đến 600 km, TU-160 chỉ mất khoảng 20 phút, bao gồm cả cất cánh và lấy độ cao, để tới đó" - bài viết có đoạn - "Thêm vào đó, khả năng của các tên lửa mà máy bay này mang theo cho phép máy bay phóng tên lửa mà không cần rời khỏi không phận Nga. Nếu cần thiết, mục tiêu đầu tiên của các máy bay ném bom này sẽ là các trạm radar, hay các vị trí có đặt tên lửa đánh chặn vốn là một phần trong hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ".
TU-160 - NATO gọi là Blackjack - trước đây từng bay từ các căn cứ ở Nga tới Syria để hỗ trợ Chính phủ nước này chống lại các lực lượng nổi dậy.
Theo Bộ Quốc phòng Nga, có khoảng 10 chiếc TU-160, TU-95MS và IL-78 tham gia cuộc tập trận, cho thấy nội dung tập luyện này còn bao phủ nhiều khu vực khác. Nga hiện đang trong quá trình hiện đại hóa TU-160. Hồi năm ngoái, Tổng thống Vladimir Putin ngợi khen khả năng của phiên bản nâng cấp của TU-160 sau khi quan sát một chuyến bay của nó, nói rằng mẫu máy bay này sẽ giúp tăng cường khả năng vũ khí hạt nhân Nga.
Trong khoảng thời gian từ nay đến năm 2027, 10 máy bay ném bom hạt nhân TU-160M phiên bản nâng cấp dự kiến sẽ được đưa vào biên chế không quân Nga với chi phí khoảng 15 tỷ Rúp (227 triệu USD). Tupolev - hãng chế tạo TU-160 - nói rằng phiên bản nâng cấp sẽ hiệu quả hơn tới 60% so với phiên bản cũ nhờ được tăng cường sức mạnh hỏa lực, khả năng bay và hệ thống điện tử.
Theo Reuters