|
Một binh sĩ Ấn Độ đấu súng với phía Pakistan ở một ngôi làng cách Dongarpara 1,5 km về phía đông biên giới Pakistan ngày 7/12/1971. |
Cuộc chiến Ấn Độ - Pakistan năm 1971
Sau khi tách khỏi Ấn Độ thành quốc gia độc lập tháng 8/1947 theo kế hoạch Mountbatten của Anh, Pakistan tìm cách thôn tính tiểu vương quốc Jammu và Kashmir (nơi có 70% dân số theo đạo Hồi), phế truất Maharaja của Jammu và Hari Singh của Kashmir (người theo Ấn Độ giáo). Sau khi tiến hành các hoạt động xâm nhập, lợi dụng tôn giáo để xúi giục những người theo đạo Hồi nổi dậy chống chính quyền, ngày 20/10/1947, Pakistan đưa quân đánh chiếm Jammu và Kashmir. Maharaja và Hari Singh chạy sang Delhi (Ấn Độ) yêu cầu giúp đỡ và ký hiệp ước sáp nhập Kashmir vào Ấn Độ (20/10/1947). Trên cơ sở đó, Ấn Độ cho quân nhảy dù xuống Kashmir, nhanh chóng giành quyền kiểm soát, đẩy lùi quân Pakistan.
Tháng 12/1947, quân đội Pakistan cùng với lực lượng nổi dậy Hồi giáo tiếp tục tấn công vào khu vực tây nam Kashmir; tới tháng 5/1948 mở rộng chiến sự lên phía bắc và tây bắc Kashmir. Nhờ vai trò trung gian hòa giải của Liên Hợp Quốc, ngày 31/12/1948, hai bên đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn. Tuy nhiên, vấn đề Jammu và Kashmir vẫn là nguyên nhân làm bùng nổ chiến tranh giữa hai nước vào những năm 1965 và năm 1971.
Cuộc chiến xảy ra giữa Ấn Độ và Pakistan vào tháng 12/1971, bắt nguồn từ cuộc bầu cử Quốc hội Pakistan vào năm 1970 sau khi đảng Awami do giáo chủ Mujibur Rahman, đại diện cho cộng đồng người Hồi giáo tại vùng lãnh thổ đông Pakistan (quốc gia Bangladesh hiện nay) giành thắng lợi. Thế nhưng, Thủ tướng Pakistan khi đó, Zulfikar Ali Bhutto từ chối trao chiếc ghế thủ tướng lại cho Giáo chủ Rahman, đồng thời ra lệnh cho quân đội thẳng tay đàn áp những người Hồi giáo có thiện cảm với đảng Awami.
Ngày 25/3/1971, quân đội Pakistan chiếm giữ thành phố Dhaka (thủ đô Bangladesh hiện nay) ở vùng lãnh thổ đông Pakistan, bắt giữ Giáo chủ Rahman và ra lệnh giải tán đảng Awami. Thế nhưng hành động này của chính quyền Pakistan đã gây bất bình trong nội bộ quân đội để đến ngày 27/3/1971, Đại tá Ziaur Rahman quyết định ly khai khỏi quân đội Pakistan và tuyên bố sẽ thành lập quốc gia Bangladesh.
Hành động này của Đại tá Rahman không những nhận được sự hậu thuẫn của Ấn Độ mà cả của Liên Xô. Riêng Mỹ lại phản ứng gay gắt về việc thành lập một quốc gia mới ở đông Pakistan chịu ảnh hưởng của Ấn Độ và Liên Xô. Vì vậy, Tổng thống Mỹ Richard Nixon quyết định tăng cường viện trợ quân sự cho Pakistan để giải thể chính quyền mới ở vùng lãnh thổ đông Pakistan bằng vũ lực.
Hậu quả là bạo lực tăng cao ở đông Pakistan, hàng triệu người đông Pakistan phải chạy tị nạn vào lãnh thổ Ấn Độ ở các bang tây Bengal, Bihar, Assam, Meghalaya và Tipura nhằm tránh các vụ thảm sát gây ra bởi quân đội Pakistan. Ở phía tây Pakistan, chính quyền của Thủ tướng Bhutto, được sự hậu thuẫn cả về mặt ngoại giao và quân sự của Mỹ, lăm le tấn công Ấn Độ.
Trước tình hình căng thẳng của một cuộc chiến tranh giữa Ấn Độ và Pakistan không thể nào tránh khỏi, Thủ tướng Ấn Độ, bà Indira Gandhi, có chuyến công du đến Moskva ngày 9/8/1971 để ký kết hơn 20 hiệp định hợp tác cả về kinh tế và quân sự với Liên Xô. Hành động này của Thủ tướng Gandhi khiến Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger cho rằng Liên Xô muốn thông qua Ấn Độ để bành trướng thế lực ở Nam Á. Vì thế, Mỹ quyết định “bật đèn xanh” để Pakistan tấn công Ấn Độ.
Từ tháng 10/1971, Mỹ tăng cường các chuyến bay vận chuyển khí tài quân sự cho Pakistan. Từ các căn cứ quân sự ở Nhật và Philippines, các máy bay vận tải quân sự C-130 và C-141 của Không quân Mỹ đêm ngày đáp xuống các sân bay Islamabad và Karachi của Pakistan, mang theo nhiều vũ khí. Hàng trăm cố vấn quân sự Mỹ cũng được đưa đến Pakistan dưới nhiều vỏ bọc khác nhau.
Khi công tác chuẩn bị đã cơ bản hoàn thành, ngày 3/12/1971, Pakistan tiến hành tấn công Ấn Độ, bắt đầu bằng các cuộc ném bom ồ ạt các căn cứ quân sự Ấn Độ dọc theo biên giới phía tây bắc. Ở phía đông, quân đội Pakistan cũng đồng loạt tấn công vào lãnh thổ Ấn Độ. Ấn Độ đánh trả một cách quyết liệt cả trên bộ, trên không và trên biển. Trên bộ, quân đội Ấn Độ với vũ khí, khí tài hiện đại do Liên Xô trang bị không những chống trả hữu hiệu các cuộc tấn công của Pakistan mà còn thọc sâu vào bên trong lãnh thổ Pakistan ở phía tây và chiếm giữ một vùng lãnh thổ rộng đến 4.000 km2.
Tàu sân bay INS Vikrant của Ấn Độ.
Trên biển, Hải quân Ấn Độ làm chủ tình thế sau khi liên tiếp mở hai chiến dịch Trident và Pythus vừa tấn công đánh phá các tàu chiến Pakistan đồng thời phong tỏa việc tiếp tế bằng đường biển cho quân đội Pakistan ở vùng lãnh thổ phía đông. Trên không, các chiến đấu cơ MiG-21 (do Liên Xô sản xuất) và Mirage III (do Pháp sản xuất) của Không quân Ấn Độ đã thực hiện trên 4.000 phi vụ săn đuổi máy bay đối phương và yểm trợ các cuộc phản công trên bộ của quân đội Ấn Độ.
Cuộc chiến tranh năm 1971 được coi là chiến thắng “vang dội” nhất trong lịch sử hiện đại của Ấn Độ về mặt quân sự. Với tính chuyên nghiệp, sẵn sàng chiến đấu cao của binh lính dưới sự chỉ huy “sáng suốt” của vị tướng huyền thoại Sam Maneckshaw, cùng với các cuộc vận động hành lang ngoại giao tốt, đã tạo nên một chiến thắng huy hoàng. Sau hai tuần chiến đấu cả trên bộ, trên không và trên biển, gần 100.000 binh sĩ Pakistan đã phải đầu hàng trước sức mạnh vượt trội của phía Ấn Độ. Đây là sự đầu hàng có quân số đông nhất trong chiến tranh kể từ năm 1943 với sự đầu hàng của Thống chế quân đội Đức Quốc xã Paulus tại Stalingrad (Liên Xô). Tuy nhiên, chiến thắng này không chỉ đến nhờ quyền phủ quyết của Moskva tại Liên Hợp Quốc còn có tầm nhìn xa của New Delhi trong việc ký một hiệp ước an ninh với Nga năm 1970.
Trong khi đó, đối thủ của Ấn Độ cũng không phải là yếu. Quân đội Pakistan đã được hỗ trợ bởi các máy bay chiến đấu đến từ Jordan, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Pháp. Về mặt tinh thần và trang thiết bị quân sự thì được sự hậu thuẫn của Mỹ, Trung Quốc và Anh. Bên cạnh đó, Các tiểu Vương quốc Arập thống nhất cũng đã điều một phi đội máy bay chiến đấu và Indonesia cũng đã cử ít nhất một tàu chiến để tham chiến cùng hải quân Pakistan. Tuy nhiên, sự can dự của Nga đã bẻ gãy các gọng kìm đang sẵn sàng “bóp nghẹt” Ấn Độ.
Siêu cường đối đầu
Ngày 10/12/1971, tình báo Ấn Độ đã thu thập được thông tin tình báo cho biết, được lệnh của Tổng thống Nixon, Hải quân Mỹ đã điều tàu sân bay USS Enterprise mang theo 70 máy bay chiến đấu và ném bom, tàu tuần dương tên lửa dẫn đường USS King, tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Decatur, Parsons và Tartar Sam, tàu tấn công đổ bộ USS Tripoli cỡ lớn và một tàu ngầm hạt nhân cơ động đến Ấn Độ Dương.
Hạm đội tàu chiến Mỹ USS Enterprise tiến vào vịnh Bengal của Ấn Độ. |
Đến ngày 11/12/1971, lực lượng trên của Mỹ đã có mặt ở ngoài khơi vịnh Bengal của Ấn Độ. Các chiến đấu cơ phản lực xuất phát từ tàu sân bay Enterprise thực hiện các phi vụ áp sát lãnh hải và lãnh thổ Ấn Độ để gây áp lực.
Đối chọi với các tàu chiến hiện đại của Mỹ lúc đó, Ấn Độ chỉ có tàu sân bay Vikrant thuộc Hạm đội phía Đông của Hải quân nước này với 20 máy bay chiến đấu hạng nhẹ trên đó. Khi được hỏi liệu Hạm đội phía Đông e ngại đối đầu với Hạm đội 7 của Mỹ không, Phó Đô đốc N. Krishnan của hải quân Ấn Độ đã cảnh báo về bất kỳ một cuộc tấn công có thể của các máy bay chiến đấu từ tàu sân bay Enterprise: “Chỉ cần cho chúng tôi một mệnh lệnh” và nhấn mạnh rằng các máy bay chiến đấu của Ấn Độ sẽ xóa sổ lực lượng không quân của Pakistan trong tuần đầu tiên của cuộc chiến.
Trong khi đó, tình báo Liên Xô cũng cho biết tàu chiến của hải quân Anh do tàu sân bay Eagle đã tiến gần đến vùng lãnh hải của Ấn Độ. Anh và Mỹ đã lên kế hoạch phối hợp tạo thành một gọng kìm để gây sức ép lên Ấn Độ: trong khi các tàu chiến của Anh tiến vào vùng biển Ả Rập và nhắm vào bờ biển phía tây của Ấn Độ, Mỹ đã điều tàu chiến tới vịnh Bengal ở phía đông. Theo lệnh của Tổng thống Mỹ, các tàu chiến của nước này được phép tấn công các cơ sở thông tin liên lạc của Ấn Độ nếu cần thiết.
Để đáp trả hành động khiêu khích của Mỹ, ngày 13/12/1971, Hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Liên Xô xuất phát từ căn cứ Vladivostok đã phái một đội tàu chiến bao gồm tàu sân bay trực thăng Kiev, 5 chiến hạm mang tên lửa đầu đạn hạt nhân cùng 2 tàu ngầm đến vịnh Bengal dưới sự chỉ huy của Đô đốc Vladimir Kruglyakov, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương để bảo vệ Ấn Độ theo tinh thần Hiệp ước Hữu nghị và An ninh mà Xô - Ấn đã ký kết. Phía Liên Xô tuyên bố sẵn sàng giáng trả đích đáng nếu Mỹ can thiệp bằng quân sự vào cuộc chiến giữa Ấn Độ và Pakistan.
Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình Nga sau khi nghỉ hưu, Đô đốc Kruglyakov, người chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương từ 1970-1975 cho biết Moskva đã ra lệnh cho tàu chiến nước này ngăn chặn tàu chiến của Mỹ và Anh tiến gần hơn đến "các mục tiêu quân sự của Ấn Độ". Ông Kruglyakov kể lại: “Chỉ huy của chúng tôi đã lệnh cho tàu chiến Liên Xô nổi lên mặt nước, cố tình để tàu chiến Mỹ phát hiện. Điều đó chứng minh rằng tàu ngầm hạt nhân của Liên Xô đang hiện diện ở Ấn Độ Dương. Sau khi trồi lên mặt nước, tàu chiến của Mỹ đã phát hiện ngay lập tức. Theo cách nghĩ của người Mỹ, nó có nghĩa là tàu chiến của họ đang bị bao vây bởi tên lửa của Liên Xô. Vì vậy, chúng tôi đã ngăn cản Mỹ không tiếp cận gần hơn tới các khu vực Karachi, Chittagong hoặc Dhaka”.
Cũng tại thời điểm này, Nga đã thu chặn được một tin liên lạc từ Tư lệnh hạm đội tàu chiến Anh, Đô đốc Dimon Gordon gửi đến Hạm đội 7 của Mỹ, trong đó có đoạn: "Chúng tôi đã tới trễ. Tàu ngầm nguyên tử và các tàu chiến của Liên Xô đã ở đây". Sau đó, nhằm tránh một cuộc đối đầu gây căng thẳng quá mức giữa Mỹ và Liên Xô như đã từng xảy ra tại Cuba vào đầu thập niên 60, Liên Hiệp Quốc kêu gọi Mỹ và Liên Xô bình tĩnh tìm biện pháp giải quyết thích hợp.
Đến ngày 16/12/1971, do không chịu nổi các cuộc tấn công của Ấn Độ nên quân đội Pakistan ở phía đông do tướng Niazi chỉ huy tuyên bố đầu hàng, dẫn đến việc thành lập Nhà nước Bangladesh ở phần lãnh thổ phía đông Pakistan. Đây được xem là cuộc đầu hàng tập thể lớn nhất thế giới kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ 2 với 93.000 binh lính Pakistan bị bắt làm tù binh, trong đó có 200 tội phạm chiến tranh bị buộc tội đã gây thảm sát 300.000 dân thường Pakistan ở miền đông.
Ở phía tây, Pakistan cũng đình chỉ các hoạt động quân sự. Và thế là cuộc chiến tranh giữa Pakistan và Ấn Độ kéo dài từ ngày 3/12/1971 đến tháng 1/1972 mới chấm dứt khi Lực lượng Hải quân Mỹ được lệnh rút ra khỏi Ấn Độ Dương. Các tàu chiến của Hải quân Liên Xô cũng được lệnh quay về lại căn cứ Vladivostok vào ngày 7/1/1972. Cuộc đối đầu căng thẳng giữa Mỹ và Liên Xô cũng kết thúc. Theo: Báo Tin tức