Giới thiết kế Nga đang phát triển nhiều mẫu vũ khí mới, điều này mang lại sự đảm bảo cho xứ sở bạch dương và nhiều nỗi lo các đối thủ của quốc gia này.
Trong cuộc họp mới đây với các quan chức quốc phòng tại Sochi, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố: “Hệ thống phòng không hiện đại nhất thế giới S-500 chuẩn bị cung cấp cho quân đội, chúng ta bắt đầu phát triển hệ thống phòng không S-550”.
Bộ Quốc phòng Nga khẳng định, việc phát triển hệ thống S-550 đang được triển khai một cách nhanh chóng. Thông số kỹ thuật của hệ thống này hiện nay vẫn là một ẩn số. Thế nhưng báo chí nước ngoài đã có được một số thông tin ít ỏi được lấy ra từ tư liệu lưu trữ được giải mã của tình báo phương Tây.
Trong tài liệu lưu trữ của cựu phó chủ nhiệm ủy ban quốc phòng, BCH TƯ ĐCS Liên Xô V.L.Kataev bị bí mật đưa về Mỹ có đoạn viết: “Liên Xô đang phát triển tổ hợp đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm ngắn S-550 để bảo vệ những mục tiêu tối quan trọng, (thời gian đưa vào sử dụng 1988) và tổ hợp Sambo để bảo vệ các hầm phóng tên lửa đạn đạo (thời gian đưa vào sử dụng 1988)”.
Như vậy, nói rằng hệ thống phòng không S-550 là vũ khí mới không hẳn đã là đúng, bởi vì vũ khí này đã được phát triển từ thời Liên Xô.
Có hai câu hỏi được đặt ra, thứ nhất: Tại sao Liên Xô lại từ chối hệ thống S-550? Thứ hai là: Tại sao hiện nay các chuyên gia thiết kế Nga lại gấp rút khôi phục lại dự án đã "đắp chiếu" thừ thời Liên bang Xô Viết?
Dự án Hệ thống phòng thủ tên lửa cơ động S-550 cùng nhiều chương trình phát triển vũ khí khác của Liên Xô đã phải dừng lại sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa Liên Xô và Mỹ diễn ra tại Reykjavik vào tháng 10/1986. Tổng bí thư ĐCS Liên Xô Mikhail Gorbachev và Tổng thống Mỹ Ronald Reagan đã đạt được một số thỏa thuận về vũ khí tấn công chiến lược và chấm dứt thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Ngay từ năm 1972, dường như Mỹ đã "đánh hơi" được hệ thống S-550 nên đã đưa ra điều khoản nghiêm cấm chế tạo hệ thống phòng thủ tên lửa cơ động vào hiệp ước chống tên lửa đạn đạo (Hiệp ước ABM). Hiệp ước ABM được Liên Xô và Mỹ ký vào tháng 5/1972 tại Moscow.
Năm 2001, Mỹ rút khỏi hiệp ước loại bỏ tên lửa tầm trung và tầm ngắn (INF), hiệp ước này được Liên Xô và Mỹ ký năm 1987. Mới đây, Washington đã bàn tới việc đưa tên lửa tầm trung trở lại châu Âu, rất có thể số tên lửa này đã có mặt ở Ukraine. Như vậy thời gian bay của số tên lửa này tới các thành phố của Nga được rút ngắn từ 3 đến 4 lần.
Trong hội nghị quân sự mới đây tại Sochi, Tổng thống Putin đã tuyên bố: “Xuất phát từ thực trạng như vậy, nước Nga ngay từ bây giờ phải thiết kế hệ thống phòng thủ tên lửa dày đặc hơn, phải luôn chủ động trong mọi tình huống”.
Nga đã có các hệ thống phòng không tầm xa, còn thiếu hệ thống phòng thủ tên lửa cơ động, tầm ngắn. S-550 chính là giải pháp để bù đắp khoảng trống đó. Nhiệm vụ của S-550 là tiêu diệt nốt những tên lửa của đối phương còn sót lại trên bầu trời, sau khi vượt qua hệ thống phòng không tầm xa của Nga.
Hiện nay các thông tin về hệ thống phòng không S-550 vẫn là bí mật quốc gia. Có chăng chỉ là một vài trạng từ chung chung như sau: so với hệ thống S-500, hệ thống S-550 sẽ nhanh hơn, xa hơn, chính xác hơn, mạnh hơn, S-550 có thể tiêu diệt liên hoàn các mục tiêu.