Theo WSJ, bất chấp Mỹ dự đoán sẽ bị sa lầy tại Syria, Nga đang đạt được những thắng lợi chiến lược tại đây và sắp giải phóng thành trì của phe nổi dậy Aleppo. Vấn đề hiện nay là liệu bước ngoặt này sẽ đẩy nhanh cuộc chiến đã kéo dài 5 năm tới hồi kết hay khởi phát một vòng xoáy leo thang kéo cả các nước khác trong khu vực vào cuộc xung đột.
WSJ cho rằng, ít người trông đợi mục tiêu chính của Moscow là các nhóm phiến quân được Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia và Mỹ hậu thuẫn giờ đây sẽ buộc phải giải quyết xung đột theo các điều kiện của Kremlin và tổng thống Syria Bashar al-Assad.
“Chiến thắng của họ tại Aleppo sẽ không kết thúc cuộc chiến. Nó sẽ bắt đầu một cuộc chiến tranh mới. Hiện nay, tất cả mọi người sẽ can thiệp”, Moncef Marzouki, cựu tổng thống Tunisia giai đoạn 2011-2014 bị hạ bệ trong phong trào Mùa xuân Arab, nhận định.
Chắc chắn Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia có ít lựa chọn để đương đầu với sức mạnh quân sự Nga tạ Syria. Nhưng vì lòng tự tôn dân tộc và các vấn đề chính trị nội bộ, họ khó có thể bỏ mặc lực lượng phiến quân đã được hai nước này đầu tư rất nhiều bị Moscow và đồng minh Iran quét sạch.
“Hãy còn quá sớm để nói về thắng lợi. Nguy cơ leo thang cuộc chiến sau Aleppo đang tăng lên. Tất cả chúng ta chứ không chỉ có Nga, mà cả Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia và Mỹ đang lao vào một trò chơi ngày càng nguy hiểm”, Dmitri Trenin, giám đốc Trung tâm Carnegie Moscow, nguyên sĩ quan quân đội Nga nhận định.
Do đó, các nước liên quan đã cố gắng tránh trực tiếp đụng độ nhau. Duy chỉ có một ngoại lệ là sự kiện Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ một máy bay cường kích Nga vào tháng 11/2015 ở biên giới Thổ-Syria.
Nga tham chiến tại Syria từ tháng 9/2015, một tháng sau khi các nhóm phiến quân (trong đó có một số là đồng minh với Nusra Front, chi nhánh al Qaeda tại Syria) giành được những thắng lợi lớn, đặc biệt tại tỉnh miền bắc Idlib. Thời điểm đó, rất nhiều quan chức trong chính quyền Obama đã tiên báo Nga sẽ sa lầy trong một cuộc chiến tranh Afghanistan khác.
Tuy nhiên, sau hàng tháng trời chỉ giành được những thắng lợi nhỏ, quân đội Syria và các đồng minh dân quân người Shiite được không quân Nga yểm trợ giờ đây đã quản lý cả một khu vực lãnh thổ có tầm quan trọng sống còn kết nối thành phố lớn nhất nước Aleppo do phiến quân cố thủ và khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ ở phía bắc.
Cuộc tấn công tháng này cũng giải phóng một khu vực người Shiite đã bị vây hãm ròng rã suốt 3 năm qua, và khiến hàng ngàn người tháo chạy tới biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Truyền thông phương Tây bắt đầu la lối về một thảm họa nhân đạo đang hiện ra khi các lực lượng do Nga hậu thuẫn đánh chiếm thành công Aleppo đang bị bao vây.
Trong khi chính quyền Obama từ lâu đã quyết định giảm thiểu can thiệp tại đây, thất bại của phiến quân với Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia sẽ có thể là một thảm họa an ninh quốc gia. “Tổng thể tình hình, không chỉ với Thổ Nhĩ Kỳ mà với toàn bộ khu vực Trung Đông sẽ bị định hình lại. Ảnh hưởng của phương Tây sẽ bị suy yếu. Vấn đề là liệu chúng ta có thể chấp nhận Nga, Iran thay đổi khu vực hay không?”, Umit Pamir, cựu đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại NATO và Liên hợp quốc nói.
Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia và Qatar hiện nay đang tăng cường hỗ trợ các nhóm phiến quân bằng cách tăng viện trợ các loại vũ khí hiện đại, đặc biệt là tên lửa chống tăng, thứ vũ khí đã chứng tỏ hiệu quả khi đối phó với xe bọc thép của quân chính phủ Syria, các nhà ngoại giao cho biết. Nhưng dòng hỗ trợ này cũng chỉ có hiệu quả hạn chế trên chiến trường nếu không ngăn được không quân Nga.
“Điều then chốt là liệu có nên đưa năng lực phòng không vào hay không, đó thực sự là việc leo thang hoàn toàn. Đây là điều duy nhất tạo ra sự khác biệt”, Frederic Hof, cựu đặc phái viên chính quyền Obama tại phe đối lập Syria, hiện đang làm việc tại Hội đồng Atlantic ở Washington nói. Saudi Arabia và các đồng minh sẽ không thể chuyển giao các hệ thống phòng không cho phiến quân mà không có sự bật đèn xanh của Mỹ, ông Hof cho biết thêm.
Tình hình để ngỏ lựa chọn một cuộc can thiệp quân sự trực tiếp, điều mà các nước như Thổ Nhĩ Kỳ có thể xem là thảm họa nhân đạo khi diễn biến tại Aleppo xấu đi nghiêm trọng. Saudi Arabia cũng đã bóng gió nhắc tới việc sẵn sàng triển khai quân vào Syria. Trong khi Saudi Arabia cho biết ý định tham gia chiến dịch chống IS dưới ô của Mỹ, nếu binh sĩ nước này được triển khai tại các khu vực do phiến quân Sunni kiểm soát, họ sẽ bảo vệ hiệu quả phiến quân trước quân đội chính phủ Syria.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cũng nêu khả năng triển khai bộ binh tại Syria tuần này và tuyên bố ông tiếc đã không tham gia cuộc chiến xâm lược Iraq do Mỹ dẫn đầu năm 2003. “Chúng tôi không muốn phạm sai lầm như thế tại Syria như đã từng xảy ra tại Iraq”, Erdogan tuyên bố.
Trong khi Thổ đã sẵn sàng triển khai pháo binh tầm xa dọc biên giới, bất kỳ động thái điều quân nào mà không có sự liên quan của Mỹ đều có thể gây nguy cơ đụng độ quân sự trực tiếp với Nga. Nikolay Kozhanov, nguyên là nhà ngoại giao Nga tại Iran và hiện là chuyên gia tại Viện Đối ngoại Hoàng gia nhận định Nga lo ngại về khả năng Thổ Nhĩ Kỳ can thiệp quân sự.
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ hoàn toàn nhận thức rõ nguy cơ và có thể miễn cưỡng lao vào mà không có tấm bình phong quốc tế. Với ông Erdogan và Saudi Arabia, khoanh tay nhìn phiến quân Syria bị nghiền nát không phải là một lựa chọn hay.
“Đây là một thời điểm nguy cấp. Các nhà quyết sách chính trị biết rằng Aleppo là cơ hội cuối cùng đối với Thổ Nhĩ Kỳ với tư cách một tay chơi tích cực và độc lập tại Syria. Nếu họ không sử dụng cơ hội này, họ sẽ ra khỏi cuộc chơi”, Metin Gurcan, một tướng Thổ Nhĩ Kỳ hồi hưu hiện là chuyên gia phân tích an ninh nhận xét.