Bộ Quốc phòng Nga mới đây công bố đoạn video cho thấy tên lửa chính xác cao Izdeliye-305E đã tham chiến tại Ukraine, những hình ảnh trong video cho thấy tên lửa này đã “chui lọt” chính xác vào cửa sổ của một tòa nhà. Đoạn video được ghi lại từ chính camera gắn trên thân của tên lửa, trước khi đầu đạn phát nổ.
Izdeliye-305E là tên lửa đa năng, hạng nhẹ, có điều khiển, ban đầu được phát triển để trang bị cho máy bay trực thăng của Cục an ninh Liên bang Nga (FSB). Vũ khí này không hoàn toàn đáp ứng các tiêu chí quân sự. Thế nhưng, trong quá trình thử nghiệm, tên lửa 305 đã cho thấy tính đa năng, khả năng tác chiến cao, vì vậy giới chuyên môn đã thay đổi quan điểm của mình. Năm ngoái, Nga mới quyết định trang bị loại tên lửa này cho máy bay trực thăng tấn công Mi-28NM và Ka-52M, cũng như trực thăng của lực lượng đặc nhiệm Mi-8AMTSh-VN.
Mọi thông tin về tên lửa Izdeliye-305 không được tiết lộ
Trước năm 2021, không có bất kỳ một nguồn tin chính thống nào về việc: Nga phát triển tên lửa mới Izdeliye-305, kể cả việc Moscow thử nghiệm vũ khí này tại chiến trường Syria.
Năm ngoái, Nga cho ra mắt tên lửa Izdeliye-305 phiên bản xuất khẩu. Một số tính năng kỹ thuật được công bố như sau: khối lượng của tên lửa 105 kg, khối lượng đầu đạn 25 kg, theo dữ liệu của nhà sản xuất, tên lửa mới này có tầm bắn đạt 14,5 km, đây là tầm bắn xa gấp đôi so với tầm bắn hiện nay của các tên lửa được phóng đi từ máy bay trực thăng. Tên lửa Izdeliye-305 là sản phẩm của phòng thiết kế - chế tạo máy Kolomna, thuộc tổ hợp nghiên cứu – chế tạo “Tổ hợp chính xác cao” của Tập đoàn Rostec.
Những nét đặc trưng trong quá trình vận hành tên lửa Izdeliye-305
Đây là vũ khí có độ chính xác cao, được sử dụng để tấn công hệ thống phòng không, thiết bị phòng không của đối phương, đảm bảo cho trực thăng có thể tác chiến an toàn trên chiến trường. Thực chất đây là “cánh tay nối dài” của lực lượng không quân. Với tầm bắn xa, trực thăng có thể thực hiện các đợt tấn công, mà không đi vào vùng hỏa lực của kẻ thù.
Ban đầu, lực lượng không quân Nga sử dụng tên lửa Izdeliye-305 để tấn công các sở chỉ huy phòng không, sau đó, phi đội trực thăng tiếp cận, tấn công tuyến phòng thủ đối phương bằng các thiết bị hỏa lực lực khác. Tên lửa Izdeliye còn có thể dùng để tấn công các tòa nhà, công trình, thiết bị bọc thép, tổ hợp phòng không, và các mục tiêu khác của đối phương.
Các thiết bị dẫn đường của tên lửa Izdeliye-305
Tên lửa Izdeliye-305 được trang bị đầu dẫn đường hồng ngoại, hệ thống dẫn đường quán tính, hệ thống này được kết nối với GLONASS (hệ thống định vị toàn cầu của Liên bang Nga), với thiết bị đo độ cao, với kênh thông tin của máy bay trực thăng. Giai đoạn đầu của quỹ đạo bay, tên lửa 305 sử dụng hệ thống dẫn đường quán tính hoặc hệ thống GLONASS. Ở giai đoạn cuối của đường bay, đầu dẫn đường hồng ngoại mới kích hoạt. Các hoạt động này của Izdeliye-305 được thực hiện ở nhiều chế độ khác nhau.
Chế độ thứ nhất: “bắn và quên”, ngay khi còn đang định vị dưới cánh máy bay trực thăng, tên lửa Izdeliye-305 đã nắm bắt được được mục tiêu, tiếp theo là tự thực hiện nhiệm vụ của mình mà không cần sự can thiệp của tổ lái trên trực thăng.
Chế độ thứ 2: trực thăng phát hiện mục tiêu qua hệ thống ngắm, tọa độ của mục tiêu được truyền tới tên lửa. Tiếp theo, tên lửa tiếp cận và tiêu diệt mục tiêu theo hệ thống dẫn đường quán tính và các thông số đã được cài đặt sẵn.
Chế độ thứ 3: Khi mục tiêu còn cách xa, máy bay trực thăng chưa thể phát hiện được, nhưng sẽ nhận được những thông tin về tọa độ của mục tiêu đó. Kíp lái thực hiện thao tác phóng tên lửa về khu vực đó.
Khả năng chỉ định và thay đổi mục tiêu tấn công có thể thực hiện ngay cả những phút cuối của quỹ đạo bay tên lửa.
Sự kết thúc của một biểu tượng: Algeria sắp thay thế phi đội máy bay đánh chặn MiG-25
Xe tăng Nga lắp khung sắt trên nóc có phải do phán đoán sai về chiến lược thời kỳ đầu chiến tranh?
Nga ngoài đạn Krasnopol còn sử dụng đạn súng cối, pháo dẫn đường laser ở Ukraine
Theo AIF