|
Tổng thống Nga Vladimir Putin (ảnh minh họa) |
Dường như nhận thức của Mỹ về Nga cũng đã thay đổi. Từ chỗ là một đất nước phải vật lộn để thoát khỏi khủng hoảng hậu Chiến tranh lạnh, Nga giờ đây đã là một đối thủ cạnh tranh với Mỹ và Trung Quốc trên toàn cầu, là đối thủ và là mối đe dọa an ninh lớn nhất đối với Mỹ.
Trong khi Mỹ luôn lên án Nga vì đã can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016 thì công chúng cũng quên mất rằng chính Mỹ cũng đang can thiệp vào cuộc bầu cử sắp tới của Nga. Nga cũng cáo buộc Mỹ luôn dàn xếp nhằm lôi kéo tầng lớp lãnh đạo và cử tri chống lại ứng viên và cũng là đương kim Tổng thống Vlamir Putin, đồng thời đang tìm cách phá hoại quá trình bầu cử.
Sự can thiệp và phá hoại của Mỹ đối với nước Nga thể hiện qua một chuỗi các hành động:
1. Mỹ tăng cường lệnh trừng phạt đối với cá nhân và công ty Nga để đáp trả các hành vi can thiệp bầu cử ở Mỹ, tấn công không gian mạng, sáp nhập Crimea, ủng hộ phe ly khai miền đông nam Ukraine và ủng hộ chế độ Assad ở Syria.
2. Cấm Nga tham gia Olympic tại Hàn Quốc với cáo buộc nước này thao túng luật chống doping trong Thế vận hội mùa đông Sochi năm 2014, Ủy ban Olympic thế giới cũng cấm các vận động viên Nga tham gia, kể cả những người tham gia theo diện phi quốc gia mà không đưa ra bất kỳ lời giải thích nào, đồng thời cấm các cổ động viên treo cờ Nga ở các địa điểm tổ chức thi đấu.
3. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson khẳng định quân đội Mỹ ở Syria sẽ vẫn ở lại nước này cho đến tận khi chế độ Assad sụp đổ, và nước này đang huấn luyện cho 30.000 chiến binh bao gồm cả người Kurd và người Ả Rập ở vùng biên giới giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ, Syria và Iraq. Điều này xâm phạm đến chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Syria mà Nga đang dùng cả các tuyên bố ngoại giao và sức mạnh quân sự để bảo vệ.
4. Mỹ tiếp tục cung cấp vũ khí sát thương và kỹ thuật viên đến Kiev trong gói viện trợ 350 triệu USD để ủng hộ cuộc chiến Ukraine chống Nga.
Cho dù dư luận Mỹ và Châu Âu không để ý nhưng người Nga vẫn hết sức quan tâm đến vấn đề này, vì nó thể hiện cách Nga nhìn nhận về kẻ thù số một- nước Mỹ, nhận thức về sức mạnh cũng như điểm yếu của nước này để vạch ra giới hạn mà điện Kremlin có thể và nên làm để đối phó.
Miễn là việc thi hành chính sách đối ngoại của Mỹ đối với Nga hiện nay nằm trong tay những người từng thi hành dưới thời các tổng thống Bill Clinton, George W. Bush và Barack Obama - những người tin rằng Nga có thể bị phá hoại bởi các công cụ phi quân sự, thì Nga có thể sẽ buộc phải sử dụng các biện pháp quân sự nếu cần. Và rất có thể Nga sẽ tấn công trước nếu Mỹ và phương Tây vượt qua “lằn ranh đỏ”, giới phân tích cảnh báo.
Người đứng đầu một ngân hàng hàng đầu của Nga đã cảnh báo về mối đe dọa về xung đột quân sự ngày càng tăng ở châu Âu và nói rằng nếu Mỹ tiếp tục tăng cường áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với các tập đoàn và tổ chức tại Mátxcơva thì đó sẽ là một hành động tuyên chiến.
Andrei Kostin, giám đốc điều hành của VTB, một trong những ngân hàng nhà nước hàng đầu của Nga trả lời Financial Times rằng ông lo ngại nhất về tình hình nguy hiểm hiện nay do việc tăng cường vũ trang ở Châu Âu đang làm tăng nguy cơ xảy ra sự cố giữa quân đội Nga và NATO.
“Bất kỳ hình thức trừng phạt kinh tế nào đối với các thể chế hay cá nhân cũng sẽ giống như lời tuyên chiến", Andrei Kostin khẳng định.
Hôm 24/1, trong buổi nói chuyện với truyền thông Nga, Kostin đã tái khẳng định điều này: “Tôi cho rằng với sự trợ giúp của lệnh trừng phạt, các nước phương Tây muốn tạo áp lực lớn cho Nga, khiến Nga phải thay đổi chính phủ, tổng thống theo hướng có lợi cho họ. Đây là một cuộc tấn công toàn diện vào Nga, xã hội Nga và nền kinh tế Nga. Đây là một cuộc chiến tranh kinh tế rất lớn, và chúng tôi sẽ nhìn nhận điều này một cách hết sức nghiêm túc".
Yakov Kedmi, một chuyên gia đến từ Israel, đã trở thành khách mời quen thuộc trên các chương trình thảo luận chính trị ở Nga. Kedmi là một cựu công dân Liên Xô, là một trong những người tiên phong trong phong trào của những người bất đồng chính kiến cuối những năm 1970, đòi di cư tới Israel với sự hậu thuẫn của chính phủ Mỹ. Tại Israel, ông hoạt động tình báo. Ngay cả sau khi nghỉ hưu, Kedmi vẫn là người không được hoan nghênh ở Nga (persona non grata). Mãi tới tận vài năm trước, dưới danh nghĩa "nhà hoạt động xã hội" ở Israel, ông mới được mời trở lại Nga và bắt đầu xuất hiện trên các chương trình đối thoại chính trị.
Từ một người cổ súy các chính sách của Mỹ, Kedmi dần quay sang chỉ trích các chính sách mang tính phá hoại của nước này ở Trung Đông. Đặc biệt gần đây Mỹ lại trang bị cho người Kurd ở Syria dọc biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ, khiến Thổ phải đưa quân tấn công Syria để tiêu diệt người Kurd.
Kedmi cho biết ông cũng không hiểu được phản ứng quá mềm mỏng của nước Nga trước sự sỉ nhục của Mỹ. Ông cho rằng chính sách này là thụ động, phản công yếu ớt và sẽ chỉ kích động Mỹ dấn tới.
Kedmi cho rằng không có cách nào có thể khiến Mỹ giảm nhẹ hành động của mình ngoài việc đáp ứng yêu cầu của nước này. Mỹ đang tiến hành một cuộc chiến tổng lực vào Nga cả về chính trị, kinh tế lẫn thể thao, biện pháp duy nhất nước này chưa động đến là quân sự vì Mỹ cũng không dám làm như vậy. Do đó Nga cần phải đáp trả mạnh mẽ trước mỗi hành động tấn công của nước này.
Câu hỏi đặt ra là Nga có thể làm được gì và nên làm gì.
RI cho rằng nếu muốn hiểu được sự lựa chọn chính sách của tầng lớp lãnh đạo Nga thì phải hiểu rõ sự khinh thị và nhạo báng khi Nga nói về Mỹ trên các phương tiện truyền thông trong nước. Đây là cách hướng mũi nhọn dư luận ra khỏi những yếu kém nội tại của Nga. Và để bảo vệ chủ quyền quốc gia trong một trật tự thế giới do Mỹ dẫn đầu, điện Kremlin sẽ hành động nếu như Mỹ đi quá xa với những tính toán sai lầm.
Vũ khí của Nga đã được kiểm chứng qua thực tế chiến đấu và thể hiện rất tốt. Các hệ thống phòng không chống tên lửa và chống máy bay của Nga cũng xếp hạng tốt nhất thế giới, và đó là lý do vì sao Thổ Nhĩ Kỳ lại mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400. Nga cũng có chiến hạm để thực hiện các nhiệm vụ trên khắp thế giới. Máy bay chiến đấu thế hệ mới nhất của Nga cũng tốt hơn F-35 của Mỹ trong khi chi phí sản xuất lại rẻ bằng 1/5.
Hơn nữa quân đội Mỹ vẫn chưa chiến thắng trong một cuộc chiến tranh lớn nào trong nhiều thập kỷ. Trong cuộc chiến ở Afghanistan, Mỹ đã bị sa lầy và đây là cuộc chiến dài nhất trong lịch sử nước này, sau đó Taliban- kẻ thù của Mỹ - đã dần hồi phục mạnh mẽ.
Nước Mỹ hiện nay cũng không dám mạo hiểm tham gia vào một cuộc chiến trực tiếp và huy động mọi nguồn lực để chống lại Nga nữa. Trong khi đó lịch sử nước Nga đã từng ghi nhận chiến thắng huy hoàng trước Napoleon và Đức Quốc xã.
Do đó câu hỏi quan trọng nhất đối với lãnh đạo Nga hiện nay không phải là “có trả đũa hay không” mà là “trả đũa như thế nào”.
Hiên nay trật tự đơn cực của Mỹ đang dần kết thúc và những nước khác bắt đầu trỗi dậy. Mỹ đang cố gắng để duy trì vị thế bá quyền của mình. Có ý kiến cho rằng chính sách “nước Mỹ trước tiên” của ông Trump có thể sẽ phá hoại quyền bá chủ toàn cầu của Mỹ hơn là Nga có thể phá hoại.
Theo RI, dường như nhận thức của Mỹ về Nga cũng đã thay đổi. Từ chỗ là một đất nước phải vật lộn để thoát khỏi khủng hoảng hậu Chiến tranh lạnh, Nga giờ đây đã là một đối thủ cạnh tranh với Mỹ và Trung Quốc trên toàn cầu, là đối thủ ý thức hệ và là mối đe dọa an ninh lớn nhất đối với Mỹ.