Nga chưa lộ hết vũ khí khủng, cao thủ Putin vẫn "giấu bài"

VietTimes -- Nhà phân tích Arkady Savitsky cho rằng trong thông điệp tại Quốc hội Liên bang, tổng thống Nga Vladimir Putin vẫn còn chưa lộ hết những vũ khí có thể làm thay đổi cuộc chơi trên thế giới. Dựa vào thông tin xuất hiện rải rác trên các phương tiện truyền thông, tác giả đã có những phỏng đoán về những loại vũ khí mà tổng thống Nga chưa giới thiệu, Văn hóa Chiến lược cho biết.
Bài phát biểu của tổng thống Putin trước Quốc hội Liên bang Nga vẫn chưa liệt kê hết những công nghệ quân sự đột phá mà Nga đã đạt được trong thời gian gần đây. Một vài hệ thống hiện đại đã trở thành hiện thực nhưng vẫn chưa được sử dụng.
Một vài các vũ khí khác đã có mặt trong kho vũ khí của Nga nhưng với số lượng nhỏ. Nhưng đây mới chỉ là điểm khởi đầu. Rất nhiều những thành tựu đang nằm ngoài tầm radar của giới truyền thông và cần được phơi bày. Thông tin có từ những nguồn công cộng đáng để bàn thảo xem những sản phẩm nào của quân đội Nga cần được chú ý.
Máy bay Tu-22M3 thử tên lửa Kh-32.
Năm 2016, quân đội Nga đã tiếp nhận vào biên chế thêm tên lửa không đối đất Kh-32 để nâng cao khả năng tác chiến của máy bay ném bom tấn công siêu thanh Tu-22M3 Backfire. Vũ khí này được tạo ra dựa trên nâng cấp cơ bản tên lửa Kh-22. Sau khi phóng, Kh-32 sẽ bay lên tầng bình lưu đạt tới độ cao khoảng 40km để thực hiện pha giữa của đường bay tấn công.Khi tới gần mục tiêu, nó sẽ bổ nhào xuống theo chiều đứng.
Cuộc tấn công sẽ diễn ra rất nhanh và tên lửa thì rất linh hoạt khiến kẻ thù khó có thể tổ chức phòng không. Hành trình của tên lửa có thể hạ thấp xuống độ cao dưới 5m khiến các hệ thống phòng thủ của tàu chiến không thể phát hiện cho tới khi tên lửa nằm trong khoảng cách khoảng 10km với mục tiêu. Điều này khiến đối phương bị nhắm tới chỉ có khoảng 10 giây để phản ứng trước khi tên lửa phóng cực nhanh tới. Điều này khiến đối thủ của Kh-32 không có cơ hội đáp trả. Loại tên lửa này là mối đe dọa với mọi mục tiêu mặt đất.
Kh-32 được trang bị hệ thống dò đường quán tính và đầu đạn có khả năng tự động dẫn đường tới mục tiêu. Tên lửa không cần vệ tinh để dẫn đường và vì thế không thể gây nhiễu nó. Nhiệm vụ chính của nó là hạ tàu sân bay và những tàu chiến lớn trên mặt nước cũng như các mục tiêu trên mặt đất. Kh-32 có tầm bắn khoảng 1.000km với tốc độ 5.400km/h (khoảng 1.500m/s). Nó mang đầu đạn nặng 500kg (có thể là đầu đạn hạt nhân hoặc đầu đạn thông thường).
Mỹ không có vũ khí nào so sánh được với Kh-32 cũng không có hệ thống hiệu quả để tự bảo vệ mình trước nó. Ngay cả vận tốc và độ cao của tên lửa đánh chặn nổi tiếng Aegis SM-6 cũng "bó tay" trước Kh-32. Tên lửa này cũng không vi phạm quy định của Hiệp ước thám hiểm và sử dụng khoảng không vũ trụ năm 1967 (Outer Space Treaty) vì đường đạn của nó không bay vào trong quỹ đạo trái đất. Nhưng đây chỉ là một trong những vũ khí đột phá của Nga được nhắc tới.
Nga chưa lộ hết vũ khí khủng, cao thủ Putin vẫn "giấu bài" ảnh 1

Vào ngày 15.3, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu đã làm cho nhiều người chú ý khi ông tuyên bố việc sản xuất hàng loạt những robot chiến đấu sẽ bắt đầu trong năm nay. Vài năm trước, quân đội Nga có khoảng 160 máy bay không người lái thì nay đã sử dụng khoảng 1.800 chiếc.

Việc thử nghiệm những robot thiết kế cho tác chiến mặt đất đã thành công. Xe vận tải gỡ mìn tự hành cũng đã được phát triển thành công. Các loại robot Nerekhta như robot chiến đấu, vận chuyển, trinh sát pháo binh đều đã xuất hiện. Hệ thống này có bánh xích và khung gầm gọn nhẹ, cùng thân vỏ có thể lắp đặt các thiết bị đặc biệt. Nó được sử dụng để chiến đấu chống lại các xe thiết giáp. Robot này cũng có thể sử dụng để vận tải hoặc trinh sát. Nerekhta cũng có thể hoạt động song song với các máy bay không người lái. Vũ khí trang bị cho nó có thể bao gồm súng máy Kord hay Kalashnikov, súng phóng lựu tự động AG-30M và một hệ thống tên lửa chống tăng.

Robot Nerekhta.
Robot 4 chân Lynx có thể trang bị súng máy và tên lửa chống tăng, có thể tác chiến trong những khu vực thành thị, công nghiệp, trên đường nhựa, đá, gỗ, cát và những con đường không lát. Mọi địa hình không ảnh hưởng tới nó ngay cả băng, cỏ, tuyết hay những vùng nước nông. Lynx có thể di chuyển với vận tốc 15km/h trên địa hình bằng phẳng và 10km/h trên mọi bề mặt.
Nga sử dụng robot bảo vệ an ninh để trông coi những cơ sở chiến lược bao gồm cả những hầm chứa tên lửa đạn đạo. Những chiếc xe này được trang bị một súng máy và súng phóng lựu tự động (cả hai đều có tầm sát thương khoảng 400m) có thể phát hiện mục tiêu trong đêm trong khi vẫn tàng hình khi di chuyển trong phạm vi của cơ sở tác chiến. Kể từ năm 2017, các cơ sở tên lửa hạt nhân chiến lược được bảo vệ bởi Mobile Robotic Complex (robot di chuyển phức hợp - MRC) được thiết kế để phát hiện và tiêu diệt những mục tiêu đứng yên hoặc chuyển động. Có rất nhiều loại robot đang trong các giai đoạn phát triển khác nhau đang chuẩn bị được sử dụng. Việc robot hóa lực lượng quân đội là một xu hướng rõ rệt nhưng không phải là duy nhất.
Robot Lynx.
5 tàu khu trục Udaloy Project 1155 được hiện đại hóa để trang bị tên lửa hành trình tầm xa Kalibr, cung cấp cho chúng khả năng tấn công đối hạm cũng như đánh sâu vào trong đất liền. Báo Izvestia đã thông tin về việc triển khai hệ thống vũ khí này trên tàu chiến đã được bắt đầu và sẽ hoàn thành năm 2022. Chương trình sẽ tăng mạnh năng lực chiến đấu và khả năng quân sự cho Hải quân Nga.
Nga cũng đã sử dụng bom tàng hình để tấn công các mục tiêu khủng bố tại Syria. Bom Drel là bom chùm định hướng có 15 thành phần chiến đấu tự dẫn SPBE-K, mỗi thành phần này nặng khoảng 20kg. Loại bom này không vi phạm công ước quốc tế cấm sử dụng bom mẹ. Không có động cơ, bom có thể trượt trên không khí khoảng 20km. Nó có tầm hoạt động trong khoảng 30km sau khi được thả. Một quả bom nhỏ SPBE-K có thể tiêu diệt 10 xe tăng gấp đôi loại bom tương tự của Mỹ là AGM-154. Loại bom này có thể phát hiện mục tiêu trong khi không sản sinh ra nhiệt hồng ngoại. Hệ thống xác định địch ta của bom Drel khiến nó khó có thể tấn công nhầm mục tiêu.
Bom Drel.
Triển lãm quân sự Army-2018 dự kiến được tổ chức vào ngày 21-26 tháng 8 năm nay sẽ trưng bày loại máy bay hạng nhẹ sử dụng động cơ hydrogen-air. Ý tưởng sử dụng động cơ này là tạo ra "máy bay điện" - loại máy bay sử dụng pin nhiên liệu để sản xuất ra điện năng mà không cần quá trình đốt cháy. Nhiên liệu được sử dụng là hydro sẽ chuyển thành điện. Mỗi chiếc máy bay này có thể bay lâu trong không trung và giá thành rất rẻ. Hiện tại, chưa có nước nào dự định sử dụng loại máy bay như vậy. Có thể sử dụng máy bay này cho rất nhiều nhiệm vụ khác nhau của quân đội hay những cơ quan an ninh.
Kể từ khi Moscow tiến hành các chiến dịch tại Syria, câu hỏi nhiều nhất của những học giả và chuyên gia quân sự là: "Liệu Nga có thực sự sở hữu những kỹ thuật quân sự đỉnh cao?" Và câu trả lời thường xuyên được phương Tây đưa ra là: "Không. Họ không có. Nó đơn giản và tụt hậu". Ngày càng có nhiều bằng chứng hơn để cho thấy Nga thật sự đang dẫn đầu về kỹ thuật quân sự, những thông tin xuất hiện hàng ngày cũng xác nhận thực tế này.
Liệu những công nghệ đột phá về quân sự trong mảng quốc phòng có tách rời với những lĩnh vực thuộc về kinh tế? Ở thời điểm hiện tại điều này là không, đặc biệt khi có thể chuyển những thành quả của công nghiệp quốc phòng sang những lĩnh vực kinh tế dân sự. Những lệnh trừng phạt của phương Tây đã giúp xúc tiến quá trình thay thế công nghệ phương Tây với các giải pháp "made-in-Russia". Công nghệ quân sự hướng tới lĩnh vực dân sự sẽ tiếp thêm sinh lực cho nền kinh tế Nga. Phương Tây muốn biến Nga thành một nước lạc hậu đi bằng đầu gối của họ. Chiến lược sai lầm này đã khuyến khích Nga đứng vững và dẫn đầu trên con đường chạy đua kỹ thuật hiện đại, khiến Mỹ và các đồng minh phải vất vả đối phó.