|
Nga và Thổ Nhĩ Kỳ có những toan tính khác nhau tại Syria |
Khi sát thủ từng là cảnh sát ám sát đại sứ Nga ở Thổ Nhĩ Kỳ ngày 19/12, hắn ta đã hét to lên rằng: “Đừng quên Aleppo. Đừng quên Syria”. Nga đã bị Mỹ và phương Tây cáo buộc tham gia vào những cuộc bao vây và không kích những vùng đất do quân nổi loạn chiếm đóng ở Aleppo, những khu vực mà trong những ngày gần đây đã được lực lượng của tổng thống Bashar al-Assad và các đồng minh giải phóng.
Thổ Nhĩ Kỳ và Nga vẫn ở hai phía đối lập trong cuộc xung đột Syria, trong đó Thổ Nhĩ Kỳ phản đối đồng minh Assad của Nga. Tháng 11/2015, Thổ Nhĩ kỳ đã bắn hạ một chiến đấu cơ của Nga vì cho rằng chiếc máy bay này đã xâm phạm vào không phận Thổ. Hành động trên đã khiến quan hệ hai bên lâm vào khủng hoảng nghiêm trọng.
Tuy nhiên, sau cuộc đảo chính chống lại ông Erdogan vào mùa hè vừa rồi, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã có chuyến thăm Matxcơva và gặp mặt tổng thống Nga Vladimir Putin để bắt đầu hàn gắn rạn nứt. Mới đây, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đã làm trung gian một thỏa thuận với phiến quân Syria mà không có sự tham gia của Mỹ để di tản người dân khỏi Aleppo. Các bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đã gặp mặt thảo luận về tình hình Syria tại Matxcơva.
Vụ ám sát đại sứ Nga diễn ra trong bối cảnh cuộc xung đột Syria lan sang Thổ Nhĩ Kỳ, nơi IS đã tiến hành một vài cuộc tấn công vào năm ngoái, ngay khi chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ tham gia vào một trận chiến tách biệt chống lại lực lượng người Kurd ly khai ở miền đông nam và ở biên giới với Syria. Sau cuộc tấn công, chuyên gia Steven A.Cook, hiện đang làm việc tại Hội đồng Đối ngoại Mỹ đã có những chia sẻ về cơ sở và những hệ quả của vụ tấn công này.
Gần đây, người Thổ đang hợp tác với Nga trong việc rút phiến quân khỏi khu vực đông Aleppo. Thú vị là Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã không kéo Mỹ tham gia vào việc này dù dưới hình thức nào. Điều này nói lên bản chất quan hệ Mỹ- Thổ Nhĩ Kỳ và cũng cho thấy ý tưởng rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang tìm kiếm mối quan hệ tốt hơn với Nga, cho dù hai nước đang ở hai phe trong cuộc xung đột này ở Syria.
Vào thời điểm này, bản chất mối quan hệ Nga-Thổ về cơ bản là vẫn đang trong quá trình đàm phán. Hai nước vẫn chưa đi đến được một thỏa thuận nào và ai biết được điều gì thực sự sẽ xảy ra và liệu lời cam kết hợp tác này có hiện thực hóa thành điều gì hay không.
Người ta đã nhìn thấy cách mà Nga chơi ván bài ở Syria. Tuy nhiên Thổ Nhĩ Kỳ vẫn hứng thú trong việc hợp tác với Nga vì một số lý do, vì Nga rõ ràng đã có sức ảnh hưởng trong việc sơ tán phiến quân. Và Thổ Nhĩ Kỳ đã mở đường biên giới và cho 80.000 người từ Aleppo sang Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng quan hệ hợp tác toàn diện giữa Nga và Thổ vẫn hạn chế vào thời điểm này, cũng như việc Nga cho phép Thổ Nhĩ Kỳ tiến vào Syria hồi cuối tháng 8/2016.
Theo DefenseOne, kể từ năm 2011 đến nay, mục tiêu lật đổ ông Assad của Thổ vẫn kiên định. Đã có những dấu hiệu từ thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ sau vụ sụp đổ rằng có lẽ họ đang dần xa rời mục tiêu này. Nhưng ông Erdogan đã nhanh chóng làm rõ và nói sẽ chỉ thiết lập quan hệ với Syria sau khi Assad rời đi. Đó là mục tiêu cơ bản của họ.
Mục tiêu thứ hai là đảm bảo rằng người Kurd ở Syria không thành lập một khu vực lãnh thổ gần ngay cạnh biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Người Kurd đã tuyên bố thành lập khu vực tự trị ở phía tây, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ muốn đảm bảo rằng nhà nước riêng của người Kurd không thể biến thành một vùng lãnh thổ tiếp giáp có khả năng thực sự vì lo sợ rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có một quốc gia thù địch ở ngay biên giới phía nam nước này.
Theo quan điểm của Thổ Nhĩ Kỳ, lực lượng người Kurd ở Syria và lực lượng chiến đấu Đơn vị bảo vệ nhân dân (YPG) không tách biệt với PKK, tổ chức đã chiến đấu với Thổ Nhĩ Kỳ từ giữa những năm 1980.
Tóm lại hai mục tiêu của Thổ Nhĩ Kỳ là ông Assad phải bị lật đổ và phải ngăn người Kurd ở Syria không thành lập một đất nước có thể gây nguy hại đến sự đoàn kết và an ninh lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ.
Và sau đó mục tiêu thứ ba là đối đầu với IS, tuy nhiên mục tiêu này ít ưu tiên hơn so với hai mục tiêu trước. Người ta từng cho rằng có lẽ là ít có khả năng Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục quan hệ với Nga, sau khi nước này bắn rơi máy bay Su-24 của Nga hồi tháng 11/2015.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gây sức ép với Thổ Nhĩ Kỳ, cắt mọi quan hệ thương mại khiến nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ tổn thương, cho phép YPG và PYD là những nhóm người Kurd ở Syria mở trụ sở ở Matxcơva. Có những tin đồn rằng Nga đã hợp tác với người Kurd trên chiến trường. Những điều này khiến ông Erdogan không thể bình tĩnh và buộc phải thực hiện chuyến thăm Matxcơva để tìm cách nối lại quan hệ với Nga.
DefenseOne đánh giá Thổ Nhĩ Kỳ đã làm khá tốt. Họ có khả năng phân chia các mục tiêu ở Syria thành các ưu tiên trong chính sách đối ngoại khác nhau. Đây là cách mà họ giải quyết các vấn đề với Iran. Nhưng hiện nay, có vẻ như Thổ Nhĩ Kỳ đã nhận ra rằng rõ ràng Mỹ đã bị ra rìa trong cuộc xung đột Syria. Nga mới là nhân tố chính trong cuộc chơi này. Nếu họ muốn tiếp tục kiểm soát người Kurd ở Syria, và nếu họ muốn trấn an người Syria thì phải tìm đến Nga chứ không phải là Mỹ.