Nga chiếm thị trấn chiến lược ở miền đông, Ukraine bộc lộ điểm yếu chết người

Nga đã giành quyền kiểm soát thị trấn chiến lược Vuhledar ở miền đông Ukraine, kết thúc nhiều tháng chiến đấu và làm nổi bật những thách thức lớn mà Kiev phải đối mặt khi bước vào mùa đông.
Nhiều tháng giao tranh đã khiến thị trấn vuhledar phần lớn bị bỏ hoang và đổ nát (Ảnh: AP)

Hình ảnh được các hãng truyền thông phương Tây xác nhận cho thấy binh lính Nga vẫy cờ trên đống đổ nát của tòa thị chính tại thị trấn Vuhledar, nơi dân số đã giảm từ khoảng 14.000 người xuống chỉ còn hơn 100 người. Quân đội Ukraine xác nhận việc rút khỏi Vuhledar trong hôm 2/10, cho biết Nga đã điều thêm lực lượng dự bị để tấn công từ hai bên sườn, tạo ra nguy cơ bị bao vây.

Theo Ukraine, quyết định rút lui được đưa ra nhằm "bảo toàn nhân lực và trang thiết bị quân sự".

Một trong những mục tiêu quan trọng của quân đội Nga là kiểm soát toàn bộ khu vực Donbass ở miền đông Ukraine. Nga đã có những bước tiến chậm rãi trong khu vực này suốt năm nay, và việc để mất Vuhledar xảy ra ngay sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trở về từ cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Joe Biden mà không nhận được các cam kết quan trọng về viện trợ quân sự.

Vuhledar, một thị trấn hình thành xung quanh mỏ than (tên của nó có nghĩa là "than" trong tiếng Ukraine), nằm cách Pokrovsk khoảng 50 km về phía nam. Đây là khu vực mà Nga đã tập trung tấn công trong nhiều tháng qua. Mặc dù Vuhledar không phải là một trung tâm vận tải hay hậu cần quan trọng như Pokrovsk, nhưng nó được phòng thủ kiên cố và đóng vai trò như một pháo đài trọng yếu tại ngã ba giữa các mặt trận phía đông và phía nam Ukraine.

Blogger quân sự nổi tiếng người Nga Boris Rozhin nhận định rằng chiến thắng này có "ý nghĩa chiến thuật, nếu không muốn nói là chiến lược".

"Vị trí 'ban công' này (ám chỉ độ cao của Vuhledar) nằm tại ngã ba giữa các mặt trận Zaporizhzhia và Donetsk, thường xuyên đe dọa các tuyến phòng thủ bảo vệ Mariupol", ông nói, đề cập đến thành phố Mariupol ở miền nam Ukraine, do Nga kiểm soát từ năm 2022.

Giống như Avdiivka, một thị trấn chiến lược khác ở miền đông bị chiếm vào tháng 2 năm nay, Vuhledar cũng không phải là mục tiêu của một chiến lược quân sự tinh vi từ phía Nga, mà là kết quả của cuộc chiến trực diện đầy khốc liệt.

Trong suốt 2 năm qua, Ukraine đã xây dựng hệ thống phòng thủ vững chắc tại Vuhledar, trong khi Nga nhiều lần thất bại trong nỗ lực chiếm giữ. Giờ đây, Ukraine sẽ phải đối mặt với những vấn đề nan giải.

Đòn giáng mạnh với Ukraine

Khả năng huy động đủ lực lượng dự bị của Nga để bao vây thị trấn cho thấy họ vẫn giữ được ưu thế về quân số, mặc dù 4 tháng đã trôi qua kể từ khi Ukraine phát động lệnh tổng động viên.

“Thật ngu ngốc nếu để quân đội chúng ta bị bao vây, nhưng đó chính xác là điều đã xảy ra”, Stanislav Buniatov, một binh sĩ Ukraine kiêm blogger, viết trên Telegram. Ông cho biết binh lính Ukraine đã rút khỏi Vuhledar theo từng nhóm nhỏ dưới sự tấn công của máy bay không người lái Nga, và những người bị thương đã bị bỏ lại “để quân địch bắn chết”.

Thời điểm mất Vuhledar đã tạo ra một cú sốc lớn cho Kiev. Sự kiện này xảy ra chỉ chưa đầy 2 tháng sau khi Ukraine mở rộng chiến dịch quân sự sang khu vực Kursk của Nga – một nỗ lực nhằm giảm áp lực ở các mặt trận khác và đảo ngược tình thế sau khi Nga tiến quân ở miền đông.

Ngoài ra, thất bại này diễn ra chỉ vài ngày sau khi ông Zelensky trở về từ một chiến dịch ngoại giao căng thẳng tại Mỹ với lời hứa viện trợ mới, nhưng không có các đảm bảo an ninh theo tiêu chuẩn của NATO hay quyền sử dụng tên lửa phương Tây để tấn công vào lãnh thổ Nga.

Chỉ một tuần trước đó, ông Zelensky đã nói với kênh ABC của Mỹ rằng “chúng ta đang tiến gần đến hòa bình hơn chúng ta nghĩ”. Tuy nhiên, việc mất Vuhledar có nghĩa là Ukraine giờ đây sẽ phải tiếp tục chiến đấu để ngăn Nga tiến xa hơn về phía tây, khiến triển vọng giành lại lãnh thổ trở nên mờ mịt hơn bao giờ hết.

Trong khi đó, Nga tiếp tục tấn công cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine, và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã cảnh báo rằng "mùa đông năm nay sẽ là thử thách khắc nghiệt nhất từ trước đến nay”.