Xem tiếp:Trung Quốc nuôi mộng siêu cường, hải quân lực bất tòng tâm
Các phương tiện truyền thông hiện nay thường xuyên trích dẫn lập luận của Z. Brzezinski về mối đe dọa tiềm năng, áp lực quân sự của hải quân Trung Quốc lên các tuyến vận tải huyết mạch địa chiến lược ở quần đảo Malacca. Nhưng hải quân PLA cũng phải đối mặt với an ninh hàng hải của chính mình.
Do thực tế Trung Quốc không có được đồng minh trên suốt vành đai vận tải biển chạy dọc từ Trung Đông về đến Biển Đông, qua eo biển Malacca và đến bờ biển Trung Quốc, vấn đề an ninh hàng hải thực sự là chuyện “rắc rối Malacca”, đẩy Bắc Kinh đến những động thái địa chính trị quyết đoán và cực đoan hơn.
Việc quân sự hóa các đảo bồi đắp nhân tạo phi pháp trong thời điểm này là thách thức trực tiếp của các tuyến đường vận tải huyết mạch đi qua vùng nước Biển Đông đến các quốc gia khác có mâu thuẫn và xung đột với Trung Quốc như Nhật Bản, Hàn Quốc, các quốc gia ASEAN. Trong một tình huống không định trước, xung đột có thể bùng phát khiến các tuyến đường vận tải thương mại sẽ bị gián đoạn nghiêm trọng.
Bỏ qua sự quan tâm đến giá trị của những tuyến đường vận tải thương mại xuất khẩu, Biển Đông là tuyến đường vận tải huyết mạch cung cấp dầu thô cho các nước phát triển trong khu vực. Nhưng nếu xung đột xảy ra trên vùng nước Biển Đông ở bất cứ khu vực nào, các nền kinh tế lớn Nhật Bản, Hàn Quốc hoặc Đài Loan sẽ bị suy giảm lượng dầu thô nhập khẩu, do các tàu chở dầu phải thay đổi lộ trình, đi theo đường biển tiếp giáp với lục địa Úc.
Do nguồn gốc của xung đột xuất phát từ chính sách đối ngoại sức mạnh của Trung Quốc, tuyến đường vận tải huyết mạch này chắc chắn không được dành cho Bắc Kinh.
Trên lý thuyết, các giải pháp cho vấn đề này có thể là nguồn cung cấp dầu từ các nước trong khu vực Trung Á. Nhưng những quốc gia này chỉ có thể cung cấp vào khoảng 11,7% đến 12% trong tương lai gần rõ ràng sẽ là không đủ để thay thế đầy đủ của nguồn cung dầu trên biển.
Điều đó cho thấy những tranh chấp lãnh thổ và và việc Trung Quốc đang thực hiện chính sách quyết đoán không phải là vấn đề có lợi cho Bắc Kinh, trong tình huống gia tăng căng thẳng trên Biển Đông dẫn đến nguy cơ xung đột vũ trang, quốc gia đầu tiên gánh chịu tổn thất sẽ là Trung Quốc.
Những mối đe dọa nền kinh tế và vị thế địa chính trị của Trung Quốc không chỉ dừng lại ở “rắc rối Malacca”. Tuyến đường vận tải thương mại huyết mạch nguồn nhiêu liệu từ các nước trên thế giới vào Trung Quốc bắt buộc phải đi qua Ấn Độ Dương.
Điều đó có nghĩa là, trong tương lai Hải quân Trung Quốc cần có sự hiện diện thường xuyên, liên tục trên đại dương này, nhằm bảo vệ an ninh, lợi ích của quốc gia trên đại dương và huyết mạch kinh tế biển của Trung Quốc
Trong thời gian này, lực lượng hải quân đóng vai trò kiểm soát then chốt Ấn Độ Dương là Hải quân Ấn Độ và và các cụm tàu hải quân chiến dịch – chiến thuật Mỹ.
So sánh tương quan lực lượng giữa Hải quân Ấn Độ và Hải quân Trung Quốc trên thực tế không có ý nghĩ, vì một tiềm năng đầy đủ so sánh được của các lực lượng hải quân nói chung, các quốc gia có khả năng khác nhau của việc thực hiện trong khu vực nói riêng, cụ thể là:
Ấn Độ có lợi thế tuyệt đối trong việc triển khai, điều hành các lực lượng hải quân trên Ấn Độ Dương, đồng thời có thể tổ chức tốt công tác hậu cần kỹ thuật hàng hải, có thể phát huy toàn bộ tiềm lực của Hải quân.
Trung Quốc chỉ có thể triển khai một lực lượng không lớn chiến hạm, một liên đoàn tàu tấn công chủ lực, bao gồm cả lực lượng đổ bộ đường biển, nhưng không thể duy trì lâu dài các hoạt động trên Ấn Độ Dương, do không có một căn cứ hải quân nào trong khu vực, không có tàu sân bay và hệ thống hậu cần tiếp vận. Hải quân Trung Quốc chỉ có thể sử dụng trạm nghỉ ngắn và tiếp nhiên liệu với công suất trên quần đảo Cocos và lý thuyết là có thể sử dụng căn cứ hải quân Gwadar - Pakistan.
Chính vì vậy, trong tương lai gần, mối quan hệ Trung - Ấn sẽ phát triển tích cực hơn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sự hiện diện của Hải quân Trung Quốc trên Ấn Độ Dương, thực hiện biện pháp ngoại giao phòng ngừa với Ấn Độ trong tình huống gia tăng căng thẳng phía Tây Thái Bình Dương.
Một đối tượng tác chiến tiềm năng đáng sợ hơn đối với Trung Quốc là lực lượng Hải quân Mỹ. Hiện nay trên biển Ấn Độ Dương, một cụm tàu sân bay tấn công chủ lực của Hải quân Mỹ thường xuyên hoạt động, chỉ riêng cụm tàu sân bay này đã vượt sức chịu đựng của bất cứ hải đoàn hay hạm đội nào của Trung Quốc do ưu thế của Không quân Hải quân và chống ngầm. Trong tình huống đối đầu xung đột, Mỹ có thể điều động thêm từ một đến 2 cụm tàu sân bay chiến đấu tấn công nữa, tạo ưu thế áp đảo hoàn toàn trên Ấn Độ Dương.
Chính vì vậy, gia tăng căng thẳng trong giai đoạn này đối với Hải quân Trung Quốc không phải là lựa chọn tối ưu nhất cho an ninh hàng hải của nền kinh tế Trung Quốc, đặc biệt là đối với Mỹ. Mọi nguy cơ va chạm và xung đột mà các tướng lĩnh “diều hâu” Trung Quốc tuyên bố, có thể chỉ có giá trị của một phát biểu “cứng rắn”. Những căng thẳng trên biển Đông có thể lan sang Ấn Độ Dương, nơi Trung Quốc sẽ gặp khó khăn rất nhiều khi triển khai lực lượng.
Trong tình huống xung đột, bao gồm vũ trang và phi vũ trang (chiếm bãi cạn Scarborough bồi đắp đảo nhân tạo) hoặc những hành động tương tự. Mỹ, tuân theo Hiệp ước phòng thủ chung 18/3/2016 đã ký với Philipines sẽ tiến hành các biện pháp ngăn chặn, phong tỏa eo biển Malacca và gây khó khăn trên Ấn Độ Dương, đặc biệt nhằm vào các đoàn tàu vận tải nhiên liệu của Trung Quốc. Biện pháp này sẽ tạo áp lực nghiêm trọng đến nền kinh tế Trung Quốc và có thế dẫn đến những biến động an ninh chính trị nội địa.
Hải quân Trung Quốc sẽ gặp khó khăn rất lớn khi phải đối đầu với Hải quân Mỹ ở Ấn Độ Dương do không thể duy trì được một lực lượng chiến hạm đủ lớn để đối đầu răn đe và bảo vệ các đoàn tàu thương mại.
Ngay cả trên Biển Đông, một dải nước kéo dài từ bờ biển Trung Quốc đến eo biển Malacca, Trung Quốc hiện nay cũng không có đồng minh vững chắc để đảm bảo an ninh hàng hải. Sau sự kiện phán quyết của Tòa án Trọng tài thường trực Hague, thái độ các nước ASEAN đã thay đổi đáng kể đối với Bắc Kinh. Các quốc gia lớn như Malaisia, Indonesia cũng đã có những động thái nhằm đối phó với hạm đội tàu trắng và ngư dân Trung Quốc.
Các hoạt động diễn tập bắn đạn thật, đe dọa lập vùng nhận dạng phòng không ADIZ không có giá trị thực tế trong việc đảm bảo an ninh hàng hải cho hạm đội thương thuyền khổng lồ của Bắc Kinh.
Thứ nhất: Trung Quốc sẽ buộc phải gia tăng các chiến hạm tuần tiễu để đảm bảo an ninh hàng hải, vẫn đề này khó có thể kéo dài nếu các quốc gia khác như Mỹ, Nhật, Úc, Philipines, Indonesia, Malaisia cùng tăng lượng chiến hạm hiện diện thường xuyên trên Biển Đông. Tình trạng đe dọa “bên miệng hố chiến tranh” không thể kéo dài mãi do có thể dẫn đến “xung đột không chủ ý”.
Thứ hai: Thiết lập vùng ADIZ, Trung Quốc sẽ phải gia tăng tối đa số lượng chiến hạm phòng không, các tổ hợp phòng không trên các đảo nhân tạo. Hành động này sẽ khiến các quốc gia ASEAN buộc phải có hành động đối phó. Trong một tình huống xâm hại vùng ADIZ máy bay nước ngoài, nếu Trung Quốc tấn công bắn hạ máy bay, điều đó có nghĩa là xung đột vũ trang.
Với một hành lang vận tải kéo dài nhiều nghìn km trên biển, bất cứ một hành động phản kích nào của các nước nhỏ hơn cũng sẽ gây tổn thất nặng nề cho hạm đội vận tải thương mại Trung Quốc và đóng cửa tuyến đường vận tải biển. Một chiếc tàu ngầm có thể rải từ 16 – 20 quả thủy lôi có điều khiển trên một vùng nước hẹp với thương thuyền trong một lần tấn công.
Hoạt động này có thể ngăn chặn hoàn toàn vận tải đường biển của Trung Quốc. Tất nhiên, hải quân Trung Quốc có thể hộ tống các đoàn thương thuyền, rà phá thủy lôi và chống ngầm, nhưng để bảo đảm an ninh hàng hải cho tuyến vận tải biển như vậy, nếu lấy kinh nghiệm của Hải quân Mỹ trong chiến tranh Việt Nam khi tiến hành rà phá thủy lôi trên Vịnh Bắc Bộ, hải quân Trung Quốc rõ ràng không đủ lực lượng.
Sử dụng chủ nghĩa dân tộc cực đoan và các hành động quyết đoán, cứng rắn của chiến lược ‘bên miệng hố chiến tranh” nhằm đạt được quyền thống trị trên Biển Đông là vấn đề “hai mặt của đồng xu”. Bằng cách đốt nóng Biển Đông, Trung Quốc đã đạt được mục đích củng cố tình hình an ninh nội địa trong nước, phát triển mạnh sức mạnh hải quân và sử dụng lực lượng này như một công cụ răn đe nhằm bảo vệ lợi ích dù phi pháp của Trung Quốc trong chiến lược vươn ra biển lớn. Nhưng xuất hiện một nhược điểm không thể bù đắp, đó là xu hướng phản kháng gia tăng mạnh mẽ ở các nước châu Á và sự tích tụ các lực lượng hải quân lớn, liên minh hoặc đơn thuần chỉ là đồng thuận với nhau trong định hướng chống Trung Quốc cũng gia tăng.
Nhược điểm này đã trở thành điểm yếu mà lực lượng Hải quân Trung Quốc không thể bù đắp nổi trong chiến lược bảo vệ an ninh hàng hải chống cướp biển, khủng bố biển hoặc một cuộc chiến giới hạn hẹp chống lại lực lượng thương thuyền của đại lục. Nếu Biển Đông tiếp tục gia tăng căng thẳng, đây là mối đe dọa thực sự hiện hữu mà sức mạnh hải quân PLA không thể đối phó được.
Sau những hành động quân sự làm tăng nhiệt trên Biển Đông và phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế. Có lẽ Bắc Kinh đã hiểu rằng sợii dây cung đã quá căng và cần thiết phải có những động thái điều chỉnh chiến lược hòa bình hơn để bảo vệ an ninh hàng hải của chính Trung Quốc.
TTB