Nếu chưa làm được gì hơn, chúng ta cần phải tiết kiệm điện

VietTimes -- Giá điện đang là tâm điểm chú ý của dư luận xã hội và giới truyền thông. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo và Bộ Công thương cũng đã thành lập các đoàn kiểm tra về việc thực hiện tăng giá điện. Kết quả chắc chắn sẽ được làm rõ. Tuy nhiên, hơn bao giờ hết, chúng ta cũng cần nhìn nhận một cách thẳng thắn vào thực tế ngành điện để cùng tìm ra những giải pháp hợp lý, hợp tình đối với người tiêu dùng lẫn ngành điện.  
Tiết kiệm điện, nước là nhu cầu tất yếu trong sinh hoạt của các hộ gia đình ngày nay.

Các hàng hóa khác càng tiêu thụ nhiều thì càng có cơ hội tăng lợi nhuận, nhưng điện không hẳn như vậy. Công suất phát điện vượt quá mức tối ưu có thể dẫn đến các hệ lụy khác đối với cả thủy điện và nhiệt điện. Nhiều năm nay điện bán cho khu vực sản xuất đã áp dụng giá bán chênh lệch khá lớn giữa giờ cao điểm và giờ thấp điểm nhằm san đều phụ tải. Điện cho sinh hoạt cũng không khuyến khích tiêu dùng, nên mới áp dụng khung giá 6 bậc với giá lũy tiến.

Nguồn cung điện của Việt Nam chủ yếu là thủy điện và nhiệt điện. Thủy điện dựa vào tài nguyên nước và không phải là vô tận; thủy điện cũng phải trả giá không nhỏ về môi trường. Nhiệt điện càng gia tăng đầu tư thì bầu không khí càng có vấn đề và ô nhiễm còn thấm cả vào đất và nguồn nước. Các nhà máy rất lớn đã đầu tư càng ngày càng chiếm tỉ lệ nhỏ trong tổng nguồn cung.

Nhà máy thủy điện Hòa Bình 

Lượng điện tiêu thụ trung bình một ngày cả nước hiện nay đang ở mức khoảng 0,6 tỷ kWh tương đương 220 tỷ kWh/năm. Công suất phát điện tính ra là: 0,6 tỷ kWh/24h = 25 triệu kW (25.000 MW). Những ngày nắng nóng, nhu cầu điện tăng vọt, công suất phát điện có khi tăng thêm trên 10%.

Nhà máy thủy điện Sơn La có công suất lắp đặt 2.400 MW, còn thủy điện Hòa Bình 1.920 MW. Tuy nhiên, công suất phát điện thực tế chỉ ở mức hơn 50% công suất lắp đặt. Hiện thủy điện Sơn La đang cung cấp xấp xỉ 10,2 tỷ kWh/năm, còn Hòa Bình xấp xỉ 8,2 tỷ kWh/năm. Như vậy, để đáp ứng nhu cầu điện hiện nay phải cần 22 nhà máy thủy điện cỡ Sơn La, hoặc 27 nhà máy thủy điện Hòa Bình. Nhiệt điện Phú Mỹ thuộc loại lớn nhất nước với công suất phát điện đã đưa vào sử dụng là 3.900 MW, cung cấp khoảng 17 tỷ kWh/năm, chỉ bằng 7,7% lượng điện tiêu thụ.

Kinh tế tăng trưởng, dân số tăng trưởng, kéo theo nhu cầu về điện tăng đều hàng năm. 1 MW phát điện sẽ cung cấp sản lượng điện: 1 MW x 24h x 365 x 1.000 = 8,76 triệu kWh. Suất đầu tư theo giá hiện tại đối với thủy điện giờ cũng phải trên dưới 25 tỷ đồng/MW lắp đặt, nếu theo công suất phát điện thực tế thì có thể lên tới 50 tỷ đồng/MW. Đầu tư nhiệt điện càng đòi hỏi hiện đại và yêu cầu cao về xử lí môi trường, thì suất đầu tư càng lớn (khoảng 2 triệu USD/MW).

Từ suất đầu tư tính ra lượng tiền đầu tư phát điện đối với sản lượng điện hiện tại là: 220 tỷ kWh/8,76 triệu kWh x 50 tỷ đồng = 1,26 triệu tỷ đồng. Hiện tại, nguyên giá tài sản cố định của toàn EVN là khoảng 1 triệu tỷ đồng. Trong số này có nhiều khoản đầu tư được ghi nhận theo giá trị tiền đồng thực tế tại các thời điểm trong quá khứ nên giá trị thấp. Ví dụ, thủy điện Hòa Bình giá trị quyết toán 2007 chỉ là khoảng 1 tỷ đồng/MW lắp đặt.

Nếu đầu tư nhà máy mới mỗi năm tăng sản lượng thêm 10 tỷ kWh, tức là chỉ 5%, thì phải đầu tư đều hàng năm thêm một nhà máy thủy điện cỡ Sơn La, Hòa Bình hoặc 2 năm phải có thêm một nhiệt điện Phú Mỹ.

EVN hiện có vốn chủ sở hữu 191 nghìn tỷ đồng, nếu dành cả cho phát điện thì cũng chỉ đủ đầu tư được xấp xỉ 20% nhu cầu điện hiện nay. Nhà nước muốn đầu tư thêm cho EVN thì phải có nguồn thu từ đâu đó. Tăng thuế, phí ở các khu vực khác đều tác động vào thu nhập của người dân là không dễ dàng. EVN muốn tự đầu tư thì phải từ nguồn khấu hao, lợi nhuận để lại hoặc đi vay.

Mức khấu hao của EVN hiện khoảng 75.000 tỷ đồng/năm, đủ để đầu tư một nhà máy thủy điện cỡ Sơn La (60 nghìn tỷ đồng). Hiện EVN đang vay hơn 400.000 tỷ đồng. Phần trả lãi chỉ với mức 6%/năm chẳng hạn đã phải chi phí tài chính hơn 24.000 tỷ đồng/năm. Tiền khấu hao thì phải dùng để trả nợ gốc vay đầu tư, nếu trả trong 10 năm thì mỗi năm cần hơn 40.000 tỷ đồng. Vay nước ngoài có lãi suất khá thấp, nhưng vay không dễ. Vay trong nước thì nhà nước không thể bắt các ngân hàng thương mại cho vay lãi suất thấp.

Các công ty cổ phần mà không làm ra mức cổ tức ít nhất 10% vốn chủ sở hữu hàng năm thì các cổ đông khó chấp nhận. Nếu EVN là công ty cổ phần thì cần phải có lợi nhuận 19.000 tỷ đồng/năm trở lên. Muốn có lãi phải quản lý tốt chi phí, nhưng còn phụ thuộc nhiều vào giá bán. Thực tế, lãi của EVN là không đáng kể, có khi không bằng lãi của một nhà máy thép đang dùng điện của EVN. Nếu giá điện do nhà nước điều tiết để đảm bảo dân sinh và thu hút đầu tư và sản xuất vào nền kinh tế thì nhà nước phải tìm kiếm các nguồn vốn đầu tư khác cho ngành điện chứ không phải từ lợi nhuận của EVN.

Chỉ do tác động của thời tiết mà nhu cầu điện đã tăng vọt so với mức trung bình. Nếu đầu tư nhà máy mới mỗi năm tăng sản lượng thêm 10 tỷ kWh, tức là chỉ 5%, thì phải đầu tư đều hàng năm thêm một nhà máy thủy điện cỡ Sơn La, Hòa Bình hoặc 2 năm phải có thêm một nhiệt điện Phú Mỹ. Vốn đầu tư tương ứng sẽ cần khoảng 50.000 tỷ đồng mỗi năm. Dòng tiền trả nợ cần cả từ khấu hao và lợi nhuận, thì mới có thể tiếp tục vay đầu tư. Thực là bài toán không dễ.

Giá điện hiện nay có được là nhờ đang hưởng từ của để dành của các thế hệ trước (ví dụ, khấu hao thủy điện Hòa Bình theo giá trị quyết toán chỉ bằng 1/25 khấu hao theo giá hiện nay) và chưa thể nghĩ cho thế hệ tương lai vì không có lãi tích lũy để đầu tư.

Rất nhiều lời chỉ trích khi EVN tăng giá điện, dù trong khu vực ASEAN giá của Indonesia gấp 1,4 lần, Thailand gấp 1,6 lần, Philippines gấp 2,7 lần so với giá điện của EVN. Bản chất bài toán đầu tư thực tế đang phụ thuộc rất nhiều vào giá điện. Nếu chưa làm được gì hơn, chúng ta cần phải tiết kiệm điện.