Sáng 14/11, Bộ Thông tin và Truyền thông đồng chủ trì cùng Ban Kinh tế Trung ương, UBND tỉnh Bình Dương, tổ chức Diễn đàn Quốc gia Phát triển Kinh tế số và Xã hội số lần thứ 2. Diễn đàn năm nay có chủ đề: “Sáng tạo ứng dụng số vào các ngành, lĩnh vực để phát triển kinh tế số và nâng cao năng suất lao động".
Tham dự diễn đàn có ông Nguyễn Hoà Bình - Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ; Phó chủ tịch Thường trực Uỷ ban Quốc gia về Chuyển đổi số; ông Thái Thanh Quý - Phó trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương; ông Nguyễn Mạnh Hùng - Bộ trưởng Thông tin và truyền thông, cùng đại diện nhiều bộ, ngành, địa phương…
Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông cho biết theo báo cáo của Google, tốc độ phát triển kinh tế số Việt Nam nhanh nhất Đông Nam Á trong 2 năm liên tiếp (năm 2022 đạt 28%, năm 2023 đạt 19%), cao gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP.
Bộ Thông tin và Truyền thông ước tính, tỷ trọng kinh tế số trong GDP Việt Nam năm 2023 đạt 16,5%; năm 2024 dự kiến đạt 18,6%; sẽ đạt 25% vào năm 2025.
"Sáng tạo ứng dụng công nghệ số vào các ngành, lĩnh vực để phát triển kinh tế số, nâng cao năng suất lao động là chủ đề chính của diễn đàn năm nay" - Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh.
Diễn đàn sẽ bàn các nội dung về kích cung cho kinh tế số thông qua chuyển đổi số các doanh nghiệp; Kích cầu cho kinh tế số thông qua kích cầu tiêu dùng số; Đo lường kinh tế số các ngành, các địa phương để thúc đẩy phát triển kinh tế số; Mở dữ liệu, chia sẻ dữ liệu để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển kinh tế số; Thúc đẩy sản xuất thông minh; Phát huy vai trò dẫn dắt của các doanh nghiệp công nghệ số lớn trong chuyển đổi số; Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đối số; Phát triển kinh tế số xanh và bền vững.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, kinh tế số các ngành hiện chiếm 40% kinh tế số, còn 60% thuộc về công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông. Về lâu dài, kinh tế số các ngành chiếm tỷ trọng 70-80% trong kinh tế số. Do đó, phát triển kinh tế số các ngành là câu chuyện chính của kinh tế số Việt Nam.
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông đánh giá, năng suất lao động luôn là chỉ tiêu mà nhiều năm, nhiều kỳ đại hội chúng ta không đạt được. Lời giải cho tăng năng suất lao động ở Việt Nam là ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số toàn diện và toàn dân, là phát triển kinh tế số.
“Nếu như 55 triệu người lao động Việt Nam, mỗi người có một trợ lý ảo hỗ trợ công việc, thì năng suất lao động Việt Nam chắc chắn sẽ tăng” – ông Hùng tin tưởng.