Cứ lặng im “bão” rồi sẽ qua
Giải đặc biệt của tác giả Đỗ Đình Tuyền – Khoa Tạo dáng công nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội - bị tố sao chép từ nhiều tác phẩm khác nhau. Người đoạt Giải 3, tác giả Nguyễn Thị Hồng Vân - Phó Trưởng khoa Nhạc, Họa, Thể dục (Trường Cao đẳng Hải Dương) - còn bị cộng đồng phát hiện sao chép trong những bức tranh dự thi khác.
Số điện thoại của ông Thanh Bình – Trợ lý Ban Giám hiệu Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội và bà Hoàng Anh (người phụ trách cuộc thi, thuộc Công đoàn Giáo dục) đổ chuông nhưng không có người nhấc máy.
Trước ngày công bố điểm thi của kỳ thi THPT quốc gia 2019, có thể Ban Giám hiệu Trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội thực sự rất bận rộn với các thông tin tuyển sinh. Nhưng sẽ “khó ăn khó nói” với công chúng nếu cứ tiếp tục dựa vào lý do vẫn đang bận rộn với thời hạn công bố điểm chuẩn năm nay.
Thông tin khiến các họa sĩ và công chúng buồn lòng nhất là rất nhiều tác phẩm đoạt giải bị tố “đạo” tranh thuộc về đơn vị đăng cai tổ chức – Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội. Cộng đồng họa sĩ đặt nhiều câu hỏi về vai trò định hướng thẩm mỹ, tinh thần giáo dục của những người thầy ở đâu khi họ làm cái việc đáng xấu hổ này?
Phía trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội đã vậy, còn Công đoàn Giáo dục thì sao? Sau khi một số báo đăng tải bài viết liên quan đến các bức tranh cổ động đoạt giải bị “tố” là “đạo”, lắp ghép từ các tác phẩm khác nhau, tại cuộc thi “Sáng tác tranh cổ động chào mừng 90 năm thành lập Công đoàn Việt Nam”, có rất nhiều lời bình luận của các họa sĩ đặt vấn đề về vai trò của nhà tổ chức cuộc thi.
Các họa sĩ nghi ngờ BTC (Công đoàn Giáo dục VN) đã được một số nguồn tin thông báo trước về các tác phẩm “đạo” tranh nói trên, nhưng vẫn “phớt lờ” và vẫn công bố giải thưởng như bình thường?
Có thể phía BTC đã quá coi thường vấn đề tác quyền, không ý thức được tầm cỡ của một cuộc thi gắn với cơ quan chủ quản, đã được phát động với quy mô lớn, nhân dịp kỷ niệm trọng thể 90 năm thành lập Công đoàn Việt Nam.
Giải Đặc biệt bị tố sao chép kiểu dáng, nét vẽ tạo hình nhân vật từ các tranh cổ động cho truyền thống đoàn kết hợp tác Việt - Lào và tranh cổ động "Sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc"
|
Ngoài Giải Đặc biệt và Giải Ba, nhiều giải Khuyến khích tại giải thưởng và nhiều tác phẩm dự thi khác bị “tố” dính nghi án “đạo”, nhái khiến công chúng yêu nghệ thuật có cảm giác giải thưởng này trở nên quá rẻ rúng?
Hơn nữa, vấn đề ở đây là tất cả các tác giả ngang nhiên “cầm nhầm” tác phẩm của người khác mang về nhà mình đều đang là giảng viên, công tác trong môi trường giáo dục, tại các trường nghệ thuật trên toàn quốc – môi trường lẽ ra phải gương mẫu hơn bất kỳ ở đâu.
Biến học sinh thành “người lao động”
Rất nhiều họa sĩ cất tiếng than trời “cảm thấy xấu hổ” vì đang công tác chung trường với họa sĩ bị “tố” là đã “đạo” tranh.
Họa sĩ Phan Niệm – giảng viên Đại học Nghệ thuật Huế trao đổi với VietTimes: “Là người thầy, tôi không thể chấp nhận được chuyện “đạo” nhái tác phẩm của người khác, đã vậy còn đem dự thi. Tôi vẫn thường nói với các em sinh viên rằng có thể các em vẽ chưa đẹp, nhưng điều đó vẫn dễ chấp nhận hơn việc sao chép ý tưởng của người khác”.
“Làm vậy sao còn mặt mũi nào đứng lớp?” “Danh dự - lòng tự trọng đâu? Con sâu mô đang làm rầu nồi canh!” – Họa sĩ Nguyễn Hữu Dỵ viết. “Chỉ vẽ có mấy cái tranh cổ động thôi mà cũng phải đi… “ăn cắp” thì còn làm được gì?” – Họa sĩ Đặng Tiến bức xúc.
“Vẽ ra một trò kệch cỡm so với một tổ chức chính trị lớn như vậy. Rất nhiều tranh đơn điệu, nội dung chung chung, có thể dùng để kỷ niệm bất cứ một tổ chức nào, chỉ cần thay logo và dòng chữ về tổ chức đó là xong” – Họa sĩ Hoàng Duy nhấn mạnh khi trả lời VietTimes.
Theo nguồn tin cung cấp từ các họa sĩ, phóng viên đã tìm tới các trang, nhóm trên thế giới, có đăng tải rất nhiều tranh cổ động theo nhiều trường phái khác nhau, từ Hàn Quốc tới Trung Quốc, Liên Xô. Hóa ra, các giảng viên lười tư duy chỉ cần lên đó, download các “mẫu” có sẵn và chỉnh sửa vài chi tiết, hoặc lắp ghép từ nhiều poster thành của mình rồi gửi dự thi?
Họa sĩ Hoàng Duy nói thêm về một bức “chép lại” tranh cổ động về bảo hiểm y tế (Việt Nam), và sự nực cười khi bức tranh sao chép đã biến trẻ em và học sinh sinh viên thành “người lao động”: “Rõ là chép, hình vẽ là học sinh sinh viên nhưng bên dưới lại ghi “Niềm tin người lao động” mà BTC vẫn chọn? Vậy là sử dụng cả lao động trẻ em à?” – Họa sĩ Hoàng Duy đặt vấn đề.
Bức tranh sao chép đã biến cả trẻ em thành "người lao động"?
|
Nếu còn lòng tự trọng
Họa sĩ Lê Huy Tiếp – Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật chuyên ngành đồ họa, Hội Mỹ thuật Việt Nam - nhận định: “Tôi nghe thông tin trên các mạng xã hội xôn xao về nhiều sai phạm của cuộc thi vẽ tranh cổ động này mấy ngày qua. Từng tham gia làm giám khảo cho nhiều cuộc thi tầm cỡ quốc gia trong lĩnh vực mỹ thuật do Cục Thông tin tuyên truyền và cổ động tổ chức, nhưng chưa lần nào tôi thấy có nhiều sai phạm như cuộc thi này.
Thỉnh thoảng cũng có những tác phẩm vi phạm nhưng Hội đồng giám khảo sẽ loại ra ngay. Còn sự sai phạm lần này quá nhiều nên tôi cũng không hiểu BGK gồm những ai, trình độ của ban giám khảo cuộc thi thế nào? Chỉ cần nhìn qua đã thấy là sao chép các tranh cổ động của Trung Quốc, Nga… Đây là sự xuống cấp của một nền giáo dục và đạo đức nghề nghiệp. Việc báo chí thông tin nhanh chóng kịp thời đã gióng lên hồi chuông cảnh báo tới xã hội”.
Một số họa sĩ khẳng định chẳng có BGK nào không đủ trình độ nhìn ra các tranh “đạo” nhái nói trên. Nhất là trước khi công bố, BTC đã nhận được các cảnh báo về việc này. Nếu BTC công tâm, hoàn toàn có quyền thẩm định lại và thu hồi giải thưởng.
Mặt khác, cũng nhiều họa sĩ lên tiếng cho rằng các giảng viên đã lỡ sai phạm khi nông nổi gửi tác phẩm sao chép “rinh” giải thưởng, nếu còn lòng tự trọng và muốn tiếp tục đứng trên giảng đường, xin hãy chủ động trả lại giải thưởng để bước qua sự cố.