Nền tảng quản lý tiêm chủng COVID-19 quốc gia được triển khai tại TP.HCM thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Ứng dụng Nền tảng Quản lý tiêm chủng COVID-19 Quốc gia được đưa vào triển khai tại TP.HCM thế nào giữa thời điểm căng thẳng vì dịch bệnh?
Khám sàng lọc trước khi tiêm chủng COVID-19 cho người dân TP.HCM (Ảnh: TTYT TP Thủ Đức)
Khám sàng lọc trước khi tiêm chủng COVID-19 cho người dân TP.HCM (Ảnh: TTYT TP Thủ Đức)

Hôm nay, TP.HCM bắt đầu chiến dịch tiêm chủng lớn, dự kiến sẽ chích ngừa 930.000 liều cho người dân khắp các quận huyện toàn thành phố. Qua quan sát của phóng viên, tại các điểm tiêm chủng lần trước, đã tiêm gần 1 triệu liều, về cơ bản nền tảng quản lý tiêm chủng quốc gia, trong đó có Sổ sức khoẻ điện tử hầu như chưa được sử dụng. Người dân vẫn phải điền thông tin trên giấy, tăng cao nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh COVID-19 khi thường phải tập trung đông người và chờ đợi rất lâu. Cá biệt, có những điểm tiêm lên đến 9.000 người chích ngừa một ngày.

Nếu không sử dụng công nghệ cho chiến dịch tiêm chủng COVID-19, sẽ làm tăng nguy cơ khi người dân phải chờ lâu, tập trung đông người, trong thời điểm cực kỳ căng thẳng vì số ca nhiễm đã tăng rất cao ở nhiều tỉnh thành, đặc biệt tại TP.HCM như hiện nay.

Không chỉ gây nguy cơ lớn lây lan dịch bệnh, việc không sử dụng các nền tảng số để theo dõi sức khoẻ thường xuyên còn gây trở ngại lớn cho người dân vì hiện nay Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan y tế cấp Chứng nhận âm tính cho công dân bằng mã QR Code, có giá trị tương đương với bản giấy nhưng tiện dụng hơn nhiều vì người dân có thể dễ dàng khai báo y tế điện tử có kèm theo xác nhận âm tính với COVID-19 ở từng địa điểm, khu vực có yêu cầu.

Được biết, để chuẩn bị cho chiến dịch tiêm chủng COVID-19 rất lớn lần này, dự kiến sẽ chích ngừa 930.000 liều với 650 điểm tiêm trên toàn TP.HCM, có 150 cán bộ nhân viên Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) sẵn sàng hỗ trợ trong công tác vận hành, ứng dụng Nền tảng Quản lý tiêm chủng COVID-19 Quốc gia để đảm bảo chuyển đổi số được thúc đẩy mạnh trong đợt tiêm chủng quy mô lớn lần này. Lực lượng này đã có 1 tuần để diễn tập và tập huấn cho 10 điểm tiêm tại 10 quận, huyện của TP.HCM.

Nhân sự Viettel hỗ trợ TP.HCM đẩy mạnh ứng dụng Nền tảng quản lý tiêm chủng COVID-19 quốc gia

Nhân sự Viettel hỗ trợ TP.HCM đẩy mạnh ứng dụng Nền tảng

quản lý tiêm chủng COVID-19 quốc gia

Đội hỗ trợ của Viettel được chia làm 3 nhóm, tham gia hỗ trợ từ cấp Thành phố đến từng địa điểm tiêm tại các phường. Nhóm thứ nhất gồm 20 nhân sự phối hợp Ban chỉ đạo tiêm vaccine của TP.HCM, chịu trách nhiệm điều hành kế hoạch chung, đảm bảo việc vận hành chung của toàn hệ thống, xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình vận hành.

Nhóm thứ 2 gồm 30 nhân sự được phân bổ về 22 quận, huyện có nhiệm vụ đào tạo lực lượng của địa phương trong việc sử dụng phần mềm tiêm chủng, hỗ trợ xử lý dữ liệu, và các công việc phát sinh.

Nhóm thứ 3 gồm 100 nhân sự trực tiếp đi về các điểm tiêm cố định và lưu động để hướng dẫn, hỗ trợ người dân, nhập dữ liệu khám sàng lọc, kết quả tiêm và theo dõi phản ứng sau tiêm vào hệ thống.

Ông Ngô Vĩnh Quý, Phó TGĐ Tổng Công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel, đại diện Viettel trực tiếp chỉ đạo tại thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Là Tập đoàn công nghệ chủ lực của quốc gia, Viettel nhận thức việc hỗ trợ đất nước, nhân dân chống dịch COVID-19 là nhiệm vụ quan trọng của chúng tôi. Viettel sẽ nỗ lực để đảm bảo nền tảng vận hành ổn định, đóng góp vào thành công của chiến dịch. Đây là cơ sở để mở rộng chiến dịch tiêm chủng toàn quốc, trong diễn biến dịch bệnh phức tạp hiện nay”.

Nền tảng quản lý tiêm chủng COVID-19 Quốc gia do Tập đoàn Viettel xây dựng và phát triển, bao gồm 4 hệ thống: Ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử, Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19, Hệ thống hỗ trợ công tác Tiêm chủng Quốc gia, Trung tâm đáp ứng (MCC). Cơ sở dữ liệu của nền tảng được quản lý tập trung, đáp ứng tiêu chuẩn đồng bộ, minh bạch về thông tin từ người dân đến các cơ quan quản lý.

Nền tảng này đã đi vào vận hành tại 63/63 tỉnh thành phố trong cả nước và tiếp tục triển khai trên toàn quốc vào thời gian tới. Đây là nền tảng giúp người dân tham gia tiêm chủng một cách chủ động, thuận tiện. Toàn bộ quy trình, từ đăng ký tiêm chủng với tra cứu lịch sử, kết quả tiêm chủng đều có thể thao tác qua ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử hoặc Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19.