Nên khẩn trương hoàn thiện các khung pháp lý về chống dịch

Ngô Ngọc Trai
Ngô Ngọc Trai

Luật sư

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Vụ việc cặp vợ chồng đi xe máy chở theo 15 con chó về quê rồi đàn chó bị tiêu huỷ, đã nhận được sự quan tâm của dư luận, đã cho thấy một lỗ hổng về khung khổ pháp lý chống dịch COVID-19 cần được khắc phục.

Mới đây xảy ra sự việc khi nới lỏng giãn cách từng đoàn người trở về các tỉnh miền Tây, trong đó có một cặp vợ chồng đi xe máy chở theo 15 con chó, người đi đường đã kịp ghi lại những hình ảnh đáng yêu của những chú chó.

Nhưng khi về đến Cà Mau lực lượng chức năng xét nghiệm đã xác định người chủ bị nhiễm COVID-19 và đưa đi cách ly, còn đàn chó đã bị đem đi tiêu hủy do lo ngại lây nhiễm bệnh sang người.

Sự việc nhận được sự quan tâm rộng rãi của dư luận.

Bảo vệ vật nuôi trong mùa dịch COVID-19

Những người yêu quý động vật rất bất bình, khi theo họ thì lực lượng chức năng cần chu đáo trách nhiệm chăm sóc những chú chó, và không được thiêu hủy thú cưng vì bất cứ lý do gì.

Nhưng đây có lẽ là những đòi hỏi cao về tình yêu động vật, dù rất chính đáng, song khó được đáp ứng trong bối cảnh chống dịch ở các địa phương.

Xét một cách căn bản, luật pháp là những quy tắc xử sự chung được con người tạo ra để điều chỉnh hành vi ứng xử với nhau trong xã hội.

Khi chưa có luật pháp, con người sống sơ khai trong phạm vi hẹp giữa những người thân thích, những quy tắc xử sự gắn liền với mối quan hệ sinh sản nuôi dưỡng dòng máu, đó là những giá trị luân lý đạo đức nền tảng.

Đến khi xã hội phát triển tiến tới có pháp luật thì các quy tắc xử sự chung khi đó được xây dựng trên nền móng là các quy tắc xử sự có tính đạo đức luân lý bộ tộc trước đó. Cho nên pháp luật sẽ hàm chứa trong đó các giá trị đạo đức.

Nhưng nếu yêu cầu đạo đức ở mức độ cao quá thì sẽ khó đạt được khả năng tuân thủ chung, trong khi mục đích pháp luật làm ra là muốn nhận được sự tuân thủ rộng rãi bởi những con người có mặt bằng nhận thức và giá trị luân lý khác nhau, do vậy pháp luật lồng vào giá trị đạo đức nhưng ở mức tối thiểu.

Bởi vậy mà trong giới luật học có một câu thuật ngữ rằng “pháp luật là đạo đức tối thiểu”. Bên cạnh đó cũng có câu rằng “đạo đức là pháp luật tối đa”, tức là pháp luật dù hoàn hảo đến mấy thì cũng chỉ đạt đến mặt bằng của giá trị đạo đức, nếu con người có đạo đức, có tính tự giác cao ví như xứ sở thần tiên thì lúc ấy không cần gì đến luật pháp bảo họ phải làm gì nữa.

Trong vụ việc thiêu hủy 15 con chó, phía cơ quan quản lý tiến hành tiêu hủy động vật đã viện lý do phòng bệnh và đưa ra căn cứ xử lý đối với động vật lây bệnh. Đây là quy định pháp lý đã có và nội dung mang giá trị đạo đức ở mức tối thiểu, chỉ áp dụng trong trường hợp vật nuôi là nguồn lây bệnh.

Tuy vậy, đối với dịch bệnh COVID-19 thì Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) đã nghiên cứu cho kết quả là người có thể lây bệnh cho thú nuôi, còn thú nuôi trong đó có chó chỉ có nguy cơ thấp lây bệnh cho người.

Theo đó nếu thực hiện các biện pháp vệ sinh khử khuẩn thì sẽ tạo khả năng ngăn ngừa việc lây bệnh từ đàn chó.

Câu chuyện đàn chó 15 con của một cặp vợ chồng đem về quê tránh dịch nhưng bị chính quyền tiêu hủy đã gây xôn xao dư luận

Câu chuyện đàn chó 15 con của một cặp vợ chồng đem về quê tránh dịch nhưng bị chính quyền tiêu hủy đã gây xôn xao dư luận

Để ý lại thì thấy, từ khi dịch COVID-19 lây lan rộng thì công tác khuyến cáo quản lý cách thức nuôi nhốt động vật để tránh lây bệnh vẫn chưa được truyền tải tích cực chặt chẽ.

Mặc dù từ lâu nay đã có quy định về xử lý động vật lây bệnh nhưng trong bối cảnh dịch COVID-19 lại chưa có quy định pháp lý phòng dịch liên quan đến thú nuôi, đó có thể là quy chế pháp lý có tính hướng dẫn yêu cầu thực hiện để bảo đảm cho vật nuôi khỏi lây bệnh.

Tìm hiểu thì chỉ thấy một số bài báo nêu ý kiến của ngành y tế khuyến cáo về vấn đề vật nuôi.

Nếu có một văn bản pháp lý quy định rõ ràng hướng dẫn yêu cầu nuôi nhốt an toàn để vật nuôi tránh trở thành vật trung gian lây nhiễm thì những người như cặp vợ chồng đi về Cà Mau sẽ biết phải làm gì và các chú chó đã được an toàn.

Hiện nay dịch COVID-19 vẫn chưa kết thúc, theo đó hàng vạn vật nuôi khác trên cả nước cũng cần được bảo vệ, cho nên việc xây dựng bộ quy chuẩn hướng dẫn quản lý chăm sóc vật nuôi an toàn càng trở nên quan trọng cấp thiết.

Khung pháp lý về Ban chỉ đạo chống dịch

Năm 2007 Quốc hội ban hành Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm trong đó có một thiết chế quan trọng trong phòng chống dịch bệnh là Ban chỉ đạo chống dịch, gồm Ban chỉ đạo chống dịch quốc gia và Ban chỉ đạo chống dịch các cấp tỉnh huyện xã.

Ban chỉ đạo phòng, chống dịch được thành lập ngay sau khi dịch được công bố, thành phần gồm đại diện của cơ quan y tế, tài chính, thông tin truyền thông, ngoại giao và các cơ quan liên quan khác.

Căn cứ vào tính chất của dịch, Thủ tướng có thể tự mình hoặc chỉ định một Phó Thủ tướng hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế làm Trưởng Ban chỉ đạo chống dịch quốc gia, Bộ Y tế là thường trực của Ban chỉ đạo.

Ban chỉ đạo chống dịch có nhiệm vụ tổ chức thực hiện các biện pháp chống dịch, cấp cứu, điều trị và xử lý ổ dịch.

Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm trao cho Thủ tướng chính phủ quy định cụ thể về thẩm quyền thành lập, tổ chức và hoạt động của Ban chỉ đạo chống dịch các cấp.

Đã 14 năm kể từ khi ban hành luật và sau gần hai năm xảy ra dịch COVID-19, hiện vẫn chưa có khung pháp lý về vấn đề này.

Đây có lẽ là một trong các lý do đã dẫn đến tình trạng bất cập trong việc thực hiện các biện pháp giãn cách khác nhau tại mỗi địa phương trong thời gian qua.

Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm quy định về thiết chế Ban chỉ đạo phòng, chống dịch là do quốc gia mỗi lúc vốn có nhiều công việc khác nhau mà chống dịch chỉ là một phần trong đó.

Thiết lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch nhằm tránh lẫn lộn phạm vi quyền hạn chức năng với các hoạt động khác của quản lý hành chính nhà nước.

Đặc biệt đây là thiết chế mang nhiều yếu tố chuyên môn y tế trong phạm trù công việc về phòng chống dịch bệnh ảnh hưởng đến tính mạng sức khỏe con người.

Thời gian qua, khi dịch COVID-19 bùng phát, tất cả bộ máy nhà nước từ trung ương đến địa phương đều chung tay tham gia công tác phòng chống dịch.

Tới nay đã đến lúc cần bám sát theo Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm, hoàn thiện khung pháp lý về Ban chỉ đạo phòng, chống dịch, để tính hiệu quả được đảm bảo bởi các yếu tố chuyên môn y tế dịch tễ thay vì thực thi mệnh lệnh hành chính một cách rộng rãi.

Việc này là cần thiết vì tuy dịch đã được kiểm soát nhưng vẫn có thể phát triển trở lại tại các địa phương.