|
Hành động nguy hiểm chưa từng có
Bộ Ngoại giao Nga hôm qua (2/4) phát biểu, việc NATO tăng cường sức mạnh quân sự ở khu vực Đông Âu là một hành động nguy hiểm chưa từng có, vi phạm tất cả các thỏa thuận đang có hiện nay giữa hai bên.
"Hành động NATO tăng cường sự hiện diện và sức mạnh quân sự ở sườn phía đông, hoặc ở cái gọi là những nước ‘ở tuyến đấu’ là một bước đi nguy hiểm chưa từng có. Bước đi này vi phạm tất cả các thỏa thuận, trong đó có Đạo luật Sáng lập Nga-NATO – một dự luật vẫn đang có hiệu lực”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga – ông Alexander Lukashevich cho biết tại một cuộc họp báo.
Đạo luật Sáng lập về Quan hệ, Sự hợp tác và An ninh chung đã được NATO và Liên bang Nga ký kết ở thủ đô Paris của Pháp hồi tháng 5 năm 1997.
Những phát biểu trên của ông Lukashevich được đưa ra sau khi có tuyên bố NATO sẽ triển khai quân đến Rumani.
"Nếu chính phủ Rumani cho rằng họ có thể chấp nhận được việc các nhóm NATO tăng cường sự hiện diện trên đất của họ cũng như bằng cách thiết lập một ‘nắm đấm’ vũ trang mạnh như vậy, họ cần phải hiểu rõ về trách nhiệm và hậu quả của động thái đó”, ông Lukashevich không ngại ngần cảnh báo.
Trước đó, ngày ¼, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã nói rằng, liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương đang thực hiện muột cuộc tăng quân lớn nhất kể từ sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.
Hồi tháng 2, NATO thông báo, Lực lượng Phản ứng của NATO đóng sát gần Nga ở khu vực Đông Âu sẽ được tăng quân số lên gấp đô, lên khoảng 30.000 quân.
Cuộc xung đột kéo dài một năm qua ở miền đông Ukraine đã trở thành cái cơ cho NATO bành trướng, mở rộng sự hiện diện quân sự ở Đông Âu. Điều này khiến Moscow không thể không cảm thấy bất an và lo ngại. Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương cùng với đối tác kinh tế và tài chính của mình, cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc xung đột đang diễn ra ở nước láng giềng. Và trên cơ sở đó, NATO tìm cách bao vây Nga bằng các lực lượng quân sự.
Nga tung cảnh báo đáng sợ nhất
Trong bối cảnh như vậy, Nga đã tung ra cảnh báo đáng sợ nhất từ trước đến nay. Theo đó, Moscow thẳng thừng tuyên bố sẽ sử dụng “lực lượng hạt nhân chống lại NATO nếu liên minh này dám đưa quân đến các nước vùng Baltic” – khu vực vốn được coi là sân sau của Nga.
Theo một thông báo nội bộ bị rò rỉ ra bên ngoài, Nga tuyên bố sẽ sử dụng “lực lượng hạt nhân” với NATO nếu liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương đưa quân vào 3 nước Baltic vì cái gọi là đòn đáp trả đối với sự kiện Moscow sáp nhập bán đảo Crimea.
Lời đe dọa trên được cho là do các tướng lĩnh hàng đầu của Nga đưa ra trong cuộc gặp với các đại diện của Mỹ ở Đức hồi tháng trước, tờ The Times trích nội dung trong bản thông báo nội bộ nói trên cho hay.
Giới tướng lĩnh Nga được cho là đã cảnh báo gay gắt rằng, bất kỳ hoạt động đưa quân nào của NATO vào 3 nước Baltic gồm Estonia, Lativa hay Lithuania đều có thể sẽ phải đối mặt với “một loạt đòn đáp trả từ hạt nhân đến phi quân sự”.
Nếu lời đe dọa trên của Nga được thực hiện thì đó sẽ là thách thức lớn nhất đối với học thuyết phòng thủ chung của liên minh quân sự NATO gồm 28 thành viên kể từ NATO được thành lập năm 1949. Estonia, Latvia và Lithuania đã gia nhập vào NATO đồng thời năm 2004.
Mối quan hệ giữa Nga với NATO đang rơi vào một cuộc đối đầu nghiêm trọng nhất từ trước đến nay kể từ khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine bùng phát. Sau khi Nga tiến hành sáp nhập bán đảo Crimea, NATO đã tuyên bố cắt đứt mối quan hệ với Moscow. Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương ra sức cáo buộc Nga can thiệp vào tình hình ở Ukraine. Bất chấp việc Nga kiên quyết bác bỏ cáo buộc trên, NATO vẫn đẩy mạnh sự hiện diện quân sự của mình tại các quốc gia nằm sát biên giới với Nga như Ba Lan, một số quốc gia vùng Baltic thuộc Liên xô cũ như Latvia, Lithuania và Estonia. NATO còn tăng cường tiến hành các cuộc tập trận quân sự và đang đối phó với Nga bằng cách tăng cường phòng thủ ở sườn phía đông của Châu Âu với một đội quân mũi nhọn gồm 5.000 binh lính với các trung tâm chỉ huy được lập lên ở các nước Baltic, Bulgari, Ba Lan và Rumani.
Những động thái trên của Mỹ và NATO khiến Nga không thể ngồi yên. Moscow cũng đang nỗ lực tăng cường sức mạnh quân sự để đối phó với kế hoạch thúc đẩy sự hiện diện quân sự của NATO ở Châu Âu. Nga bắt đầu thực hiện kế hoạch triển khai vũ khí tối tân ở nhiều khu vực sát biên giới với các nước thành viên NATO. Cùng với đó, Nga liên tục tổ chức các cuộc tập trận rầm rộ, quy mô lớn nhằm răn đe, cảnh báo các nước NATO cũng như tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội Nga. Ngoài ra, việc Moscow tăng cường các chuyến bay quân sự trên bầu trời Châu Âu được cho là một hành động đáp trả.
Theo: VnMedia