NATO dọa thực hiện đòn tấn công phủ đầu, Nga đáp trả mạnh mẽ

Cuộc xung đột Nga-Ukraine đang phát triển theo hướng ngày càng leo thang. Ukraine đã sử dụng tên lửa của Mỹ và phương Tây để tấn công các mục tiêu trong lãnh thổ Nga và Nga đã phóng một tên lửa tầm trung siêu thanh Oreshnik đáp trả.
Đô đốc Rob Bauer, Chủ tịch Ủy ban quân sự NATO đe dọa tấn công phủ đầu Nga. Ảnh: QQnews.

Vụ phóng tên lửa Oreshnik này cũng nhắc nhở Mỹ và Châu Âu rằng Nga có thể đối phó với các mối đe dọa và xâm lược, nhưng dường như NATO không coi trọng điều đó, vẫn kiên trì theo đuổi đối đầu.

Theo truyền thông Nga RIA Novosti ngày 25/11, Chủ tịch Ủy ban Quân sự NATO, Đô đốc Hải quân Hà Lan Rob Bauer đã đe dọa, nếu xảy ra tình trạng chiến tranh, NATO sẽ tiến hành đòn tấn công phủ đầu Nga với độ chính xác cao. NATO quyết không ngồi đợi và các nước thành viên cần tăng cường đầu tư vào hệ thống phòng không và tấn công chính xác. Những phát biểu này được coi là tương đương với việc chơi bài ngửa với Nga, gần như nói rõ rằng NATO sẽ tăng cường sức mạnh và chuẩn bị tấn công Nga.

Mỹ đã cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa ATACMS tấn công lãnh thổ Nga.
Ảnh: QQnews

Trước sự đe dọa của NATO, phía Nga đã đáp trả mạnh mẽ. Thư ký báo chí Tổng thống Nga Dmitry Peskov nói rằng, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã phát triển thành cuộc chiến giữa Nga và NATO. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói, việc cho phép quân đội Ukraine sử dụng vũ khí phương Tây để tấn công nội địa Nga có nghĩa là NATO đã tham dự xung đột và họ chưa đọc chính sách hạt nhân mới của Nga.

Phía Nga đang gửi đi tín hiệu rằng: nếu NATO tiến hành tấn công phủ đầu vào Nga, Nga sẽ chuẩn bị làm điều tồi tệ nhất. Một mặt, NATO có 32 quốc gia thành viên và rất nhiều quân, có thể tấn công Nga từ nhiều hướng ở phía châu Âu và đe dọa Nga. Tuy nhiên, Nga đã sớm có sự chuẩn bị, phần lớn lực lượng tinh nhuệ đều được bố trí ở biên giới châu Âu, có thể đáp trả cuộc tấn công của các tập đoàn quân NATO bất cứ lúc nào. Nếu chiến tranh thông thường, nguồn lực và khả năng công nghiệp quân sự của Nga có thể ứng phó lâu dài. Nga không sợ một cuộc chiến kéo dài và có thể tiếp tục chiến đấu với NATO.

Nga phóng tên lửa tầm trung siêu thanh Oreshnik trả đũa việc Ukraine phóng tên lửa tầm xa sang lãnh thổ mình. Ảnh: Sputnik.

Mặt khác, Nga có thể kích hoạt vũ khí hạt nhân. Kể từ khi xảy ra xung đột Nga-Ukraine, Nga đã luôn luyện tập và thử nghiệm vũ khí hạt nhân. Trạng thái sẵn sàng tác chiến hạt nhân cao. Chiến lược hạt nhân mới của Nga quy định rằng, một khi Nga bị tấn công trên quy mô lớn, nước này có quyền sử dụng vũ khí hạt nhân để đáp trả.

Theo QQnews