Điện Kremlin: "Những kẻ nóng nảy" lại bàn tán về việc điều quân EU tới Ukraine

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Nam

Các cuộc tranh luận về vấn đề này đã được khơi lại do lo ngại chính quyền Tổng thống Donald Trump sắp tới có thể rút lại sự hỗ trợ quân sự cho Ukraine.

Điện Kremlin phản ứng trước thông tin các nước EU thảo luận về việc điều quân tới Ukraine. Ảnh: Sputnik.
Điện Kremlin phản ứng trước thông tin các nước EU thảo luận về việc điều quân tới Ukraine. Ảnh: Sputnik.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết không có sự đồng thuận giữa các nước EU về việc có nên gửi quân đến Ukraine hay không, đồng thời gọi những người thảo luận về khả năng này là "những kẻ nóng nảy".

Tờ Le Monde hôm 25/11 trích dẫn các nguồn tin quân sự cho hay các cuộc tranh luận về việc gửi binh sĩ phương Tây tới Ukraine đã được khơi lại – có thể dưới hình thức các nhà thầu quốc phòng tư nhân hoặc quân đội chính quy.

Một nguồn tin của Le Monde cho biết "Anh và Pháp đang thảo luận về hợp tác quốc phòng, đặc biệt là với mục đích tạo ra một nhóm đồng minh cốt lõi ở châu Âu, tập trung vào Ukraine và an ninh châu Âu nói chung".

Tờ báo Pháp đưa tin rằng lo ngại Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump có thể rút lại sự hỗ trợ đối với Ukraine sau khi ông trở lại Nhà Trắng đã dẫn đến các cuộc thảo luận mới.

Phát biểu với các phóng viên trong hôm đầu tuần, ông Peskov tuyên bố các báo cáo như vậy nên được xem xét bằng sự hoài nghi. "Chúng tôi không biết liệu những báo cáo này có đúng không và chúng thực sự đang nói về điều gì", ông nói, thêm rằng "những ý tưởng như vậy trước đây đã được nhiều thủ đô châu Âu nêu ra".

"Cũng đã có nhiều phản biện khác nhau. Không có sự đồng thuận giữa các nước châu Âu về vấn đề này, nhưng có một số người nóng nảy", ông nhận xét.

Ý tưởng rằng phương Tây không nên loại trừ việc gửi quân đến Ukraine đã được Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đưa ra nhiều lần trong năm nay. Ông cũng gợi ý rằng điều này chỉ có thể xảy ra nếu tiền tuyến của Ukraine sụp đổ hoàn toàn và Kiev đưa ra yêu cầu như vậy, đồng thời đưa ra tuyên bố của mình như một phần của cách tiếp cận "mơ hồ chiến lược" cần thiết để giữ Nga ở thế bị động.

Tuy nhiên, nhiều đồng minh NATO của Pháp lại không đồng tình. Thủ tướng Đức Olaf Scholz kịch liệt phản đối việc gửi quân tới Ukraine và khẳng định Berlin sẽ không trở thành một bên trong cuộc xung đột.

Sau đó, Ngoại trưởng Anh David Cameron cũng loại trừ khả năng này, nói rằng ông không muốn cung cấp cho Moscow một "mục tiêu" mới. Thủ tướng Hungary Viktor Orban thậm chí còn kiên quyết hơn, gọi ý tưởng này là "không thể tưởng tượng được" và cảnh báo về Thế chiến III.

Vào tháng 5, ông Peskov gọi những tuyên bố của Macron là "rất nguy hiểm", trong khi Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo rằng việc triển khai lực lượng phương Tây ở Ukraine có thể dẫn đến "một cuộc xung đột nghiêm trọng ở châu Âu và một cuộc xung đột toàn cầu".

Báo cáo cho rằng phương Tây đang cân nhắc việc gửi quân tới Ukraine cũng được đưa ra sau khi Kiev được một số bên ủng hộ “bật đèn xanh” để sử dụng vũ khí tầm xa do nước ngoài sản xuất tấn công sâu vào Nga. Moscow đã đáp trả bằng cách bắn một tên lửa siêu thanh tầm trung Oreshnik mới vào một cơ sở công nghiệp quốc phòng của Ukraine ở Dnepropetrovsk.