|
Tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Seawolf của Hải quân Mỹ. Ảnh: Cankao |
Tờ The National Interest Mỹ ngày 22/10 đăng bài viết "Tại sao Nga và Trung Quốc sợ tàu ngầm lớp Seawolf của Mỹ?" của tác giả Kyle Mizokami.
Bài viết cho rằng tàu ngầm lớp Seawolf được coi là tàu ngầm mạnh nhất trong lịch sử. Loại tàu ngầm này ban đầu thiết kế nhằm thay thế tàu ngầm tấn công lớp Los Angeles, duy trì ưu thế dưới nước của Mỹ, kết quả là trong quá trình chế tạo đã chi tiêu vượt kế hoạch và Liên Xô tan rã.
Mặc dù tàu ngầm lớp này vẫn là một trong những tàu ngầm mạnh nhất trong lịch sử, nhưng số lượng chế tạo lại không nhiều.
Vào thập niên 80 của thế kỷ trước, Hải quân Mỹ đối mặt với một cuộc khủng hoảng. Năm 1980, Liên Xô nhận được tin tình báo từ mạng lưới gián điệp nhà Walker: Hải quân Mỹ có thể thông qua tiếng ồn chân vịt để theo dõi tàu ngầm của Liên Xô.
Vì vậy, Liên Xô bắt đầu tìm hiểu máy móc tiên tiến của phương Tây để chế tạo ra chân vịt tiên tiến hơn.
Năm 1981, Công ty Toshiba Nhật Bản thông qua Công ty Kongsberg Na Uy bán thiết bị chế tạo chân vịt cho Liên Xô - cũng chính là máy phay CNC 9 trục thường thấy hiện nay.
Đến giữa thập niên 1980, máy móc mới của Liên Xô bắt đầu gây chú ý. Tiếng ồn của tàu ngầm lớp Akula mới phổ biến giảm mạnh.
Một nguồn tin chính phủ nói với phóng viên tờ Thời báo Los Angeles rằng: "Sau khi thiết bị của Toshiba rơi vào tay Liên Xô, loại tàu ngầm này đã bắt đầu trở nên lặng yên không hề có tiếng động".
Ngoài tiếng ồn thấp, tàu ngầm lớp Akula còn có thể lặn sâu 2.000 thước Anh (một thước Anh khoảng 0,3 m). Trong khi đó, độ sâu lặn của tàu ngầm chủ lực lớp Los Angeles Mỹ chỉ có 650 thước Anh.
Để đối phó với tàu ngầm lớp Akula, Hải quân Mỹ đã chế tạo tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Seawolf. Thiết kế của tàu ngầm lớp Seawolf dùng thân tàu hợp kim thép HY-100, có thể chịu được tốt hơn sức ép lặn sâu.
Độ cứng của thép HY-100 cao hơn khoảng 20% so với thép HY-80 của tàu ngầm lớp Los Angeles. Cho nên độ sâu lặn của tàu ngầm lớp Seawolf có thể lên tới 2.000 thước Anh, độ sâu tối đa đạt 2.400 - 3.000 thước Anh.
Tàu ngầm lớp Seawolf dài 353 thước Anh, đã ngắn hơn 7 thước Anh so với tàu ngầm trước đây, nhưng độ rộng lại tăng thêm 20%, đạt 40 thước Anh.
Độ rộng này làm cho lượng giãn nước của tàu ngầm lớp Seawolf vượt xa tàu ngầm trước đây, lượng giãn nước khi lặn đạt 12.158 tấn khiến cho dư luận phải kinh ngạc.
Mỗi chiếc tàu ngầm lớp Seawolf đều đã lắp 1 lò phản ứng hạt nhân S6W do Công ty Westinghouse sản xuất, 2 tua-bin hơi nước, công suất 52.000 mã lực. Seawolf là loại tàu ngầm đầu tiên của Mỹ sử dụng máy đẩy phun nước, chứ không phải là chân vịt.
Đặc điểm này kéo dài cho đến tàu ngầm lớp Virginia mới nhất. Vì vậy, tốc độ chạy trên mặt nước của tàu ngầm Seawolf có thể đạt 18 hải lý/giờ, tốc độ lặn tối đa đạt 35 hải lý/giờ, tốc độ chạy êm khoảng 20 hải lý/giờ.
Tàu ngầm lớp Seawolf đã trang bị hệ thống thiết bị định vị thủy âm BQQ5D lắp ở đầu và mạn tàu. Hiện nay, Mỹ đang lắp hệ thống thiết bị định vị thủy âm kéo TB-29A cho những tàu ngầm này.
Mục tiêu thiết kế của tàu ngầm lớp Seawolf là trở thành thợ săn thực sự, vì vậy đã lắp đặt 8 ống phóng ngư lôi, gấp đôi tàu ngầm trước đó.
Vũ khí của tàu ngầm này gồm có ngư lôi hạng nặng MK-48, tên lửa chống hạm Harpoon và tên lửa hành trình Tomahawk, nhiều nhất là có 50 quả. Có thể sử dụng thủy lôi để thay thế một phần đạn được.
Theo Hải quân Mỹ, trên cơ sở đó, độ ồn của loại tàu ngầm này khi chạy với tốc độ tối đa bằng 1/10 tàu ngầm lớp Los Angeles loại cải tiến, bằng 1/70 độ ồn của tàu ngầm lớp Los Angeles thế hệ thứ nhất. Tốc độ chạy êm của nó gấp đôi so với tàu ngầm trước đây.
Các tính năng tăng mạnh đồng nghĩa với chi phí tăng cao. Toàn bộ chi phí chế tạo của 12 tàu ngầm thuộc chương trình Seawolf khoảng 33 tỷ USD.
Xét tới việc Liên Xô tan rã vào năm 1991, dẫn tới mối đe dọa của tàu ngầm lớp Akula và các tàu ngầm tiếp theo cũng biến mất, thì chi phí này là điều không thể chấp nhận được đối với Hải quân Mỹ. Cho nên, Mỹ cắt giảm chương trình này, chỉ sản xuất 3 chiếc, chi phí 7,3 tỷ USD.
Tính năng chạy siêu êm của tàu ngầm lớp Seawolf làm cho Hải quân Mỹ muốn cải tạo một chiếc mới nhất trong tàu ngầm lớp này - tàu ngầm Jimmy Carter, dùng để hỗ trợ cho các hành động bí mật.
Theo đó, đã kéo dài thân tàu lên 100 thước Anh, trở thành trang bị đa nhiệm (MMP) được mọi người biết tới hiện nay.
Do sự tồn tại của MMP, tàu ngầm Jimmy Carter có thể điều động và thu hồi các trang thiết bị dưới nước điều khiển từ xa hoặc không người lái, cùng với phân đội lặn. Tàu ngầm Jimmy Carter còn có thể chở nhiều nhất 50 binh sĩ đột kích Báo biển (Seal).