|
Tàu tuần tra lớp Hamilton. |
Nguyệt san The National Interest Mỹ ngày 27/7 đăng bài viết "Vấn đề lớn nhất của Philippines ở Biển Đông - họ hầu như không có hải quân".
Bài viết cho rằng Đối với Philippines, hải quân của họ quá nhỏ. Philippines nằm ở giữa hai cứ điểm quan trọng chiến lược quan trọng ở Tây Thái Bình Dương.
Nhưng, Philippines khó có thể phát huy được vai trò, bởi vì Hải quân Philippines là lực lượng hải quân yếu nhất của khu vực này.
Tình hình này đang thay đổi theo tốc độ rất chậm chạp. Philippines không có khả năng xây dựng được một lực lượng hải quân có thể đối phó Trung Quốc trong chiến tranh, nhưng họ đang xây dựng một lực lượng hải quân có thể tác chiến và có thể đủ răn đe Trung Quốc ở mức độ nhất định. "Mức độ nhất định" hoàn toàn không phải là một cách nói nhẹ nhàng.
Sức chiến đấu chính yếu của Hải quân Philippines là ở 3 tàu tuần tra lớp Hamilton cũ đến từ Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ. Những tàu tuần tra này đã phục vụ vài chục năm trong điều kiện gian khổ.
Ngày 21/7, Philippines chính thức nhận được tàu tuần tra lớp Hamilton thứ ba và đưa nó vào phục vụ. Chiếc tàu chiến này sẽ được sử dụng như là tàu hộ vệ. Chiếc tàu này được đặt tên là BRP Andres Bonifacio, nó được đặt theo tên của nhà cách mạng Andres Bonifacio Philippines.
Tàu hộ vệ BRP Andres Bonifacio hạ thủy vào tháng 6/1967, đến nay nó đã 49 tuổi. Nó từng làm nhiệm vụ theo dõi tội phạm buôn bán ma túy, năm 2003 nó từng bảo vệ cảng dầu trong thời gian chiến tranh Iraq.
Năm 1980 trong thời tiết khắc nghiệt của Alaska, nó còn cứu được 519 người từ một chiếc du thuyền của Hà Lan bị cháy.
Khả năng chạy liên tục của nó khả quan, lên tới 9.600 hải lý (mỗi hải lý khoảng 1,85 km), tốc độ 15 hải lý/giờ.
Nhưng, chiếc tàu này từ đầu thập niên 1990 trở đi đã không còn được cải tạo nâng cấp gì. Hơn nữa, sau Chiến tranh Lạnh, khả năng săn ngầm của nó đã bị loại bỏ.
Năm 2015, hạ sĩ quan Ryan Rose từng phục vụ trên tàu này cho biết: "Họ nói chiếc tàu này đã quá cũ rồi. Nó sẽ được sửa chữa, bảo dưỡng quy mô lớn".
Hiện nay, chiếc tàu chiến này được triển khai ở căn cứ hải quân tại Alameda, Mỹ. Thân tàu phải sơn lại, nhưng nó cần được thử nghiệm vài tháng, đến tháng 10 sẽ đến Philippines.
Những sự việc này xảy ra trong một giai đoạn căng thẳng. Biển Đông là một "khu vực bất ổn" của thế giới.
Manila còn có 2 tàu chiến cũ của Mỹ dài 115 m, chúng đều là tàu tuần tra lớp Hamilton. Ngoài 3 tàu chiến cỡ lớn này, công việc phòng thủ biển của Philippines còn dựa vào một số tàu hộ vệ hạng nhẹ cũng rất cũ kỹ, tàu tuần tra bờ biển và tàu tấn công nhanh.
Về vũ khí, tàu hộ vệ BRP Andres Bonifacio có 1 khẩu pháo 76 mm. Nếu công tác bàn giao tương đồng với phương thức bàn giao của 2 tàu chiến cũ của Quân đội Mỹ, thì Hải quân Philippines sẽ sử dụng pháo tự động MK-38 Mark 2 được nâng cấp để thay thế cho 2 pháo tự động MK-38 25 mm của tàu này.
Những pháo tự động tương đối mới này đều trang bị thiết bị đo laser và ảnh nhiệt. Có thể dự đoán, chiếc tàu chiến này còn có một sàn đỗ máy bay.
Tàu hộ vệ của Hải quân Philippines không trang bị tên lửa chống hạm. Điều này khiến cho chúng sẽ mất đi khả năng phòng thủ khi đối mặt với tàu chiến Trung Quốc. Số lượng tàu chiến của Trung Quốc nhiều hơn nhiều so với Philippines, hơn nữa được trang bị tên lửa chống hạm.
Trong chiến tranh, Trung Quốc có thể bắn chìm tàu hộ vệ của Philippines ở ngoài vài hải lý, hơn nữa sẽ không bị đáp trả.
Bất kể thế nào, thời kỳ đỉnh cao của những tàu chiến Mỹ cũ này đã qua đi. Điều này có nghĩa là những tàu chiến cũ này sẽ bỏ ra rất nhiều thời gian để xử lý vấn đề bảo trì ở cảng.
Vì sao Philippines muốn tiếp nhận tàu chiến cũ của Mỹ? Manila vốn có thể mua sắm tàu chiến hiện đại có tính năng cao hơn trên thị trường quốc tế.
Điều này có vài nguyên nhân. Ngân sách quốc phòng của Philippines rất ít. Mỹ thông qua chương trình "hàng quốc phòng dư thừa" để chuyển nhượng những tàu tuần tra này cho Philippines, vì vậy trên thực tế những tàu chiến này được cung cấp miễn phí. Philippines chỉ cần chi những khoản nâng cấp.
Khi Manila lần đầu tiên mua những tàu hộ vệ này, chúng đã rất nhanh trở thành tàu lớn nhất, chắc chắn nhất của Hải quân Philippines, là một sự cải thiện tương đối.
Manila nỗ lực để nhận được nhiều tàu chiến. Trong khi đó, các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông hoàn toàn không phải luôn được triển khai bằng các tàu chiến có tên lửa chống hạm tầm xa.
Tóm lại, những tàu chiến cũ này của Quân đội Mỹ có giá trị đối với Philippines. Chỉ là không nên trông chờ vào việc chúng sẽ may mắn sống sót trong chiến tranh.